Việt Nam và Lào thúc đẩy hợp tác phát triển thực chất
VOV.VN - Việt Nam và Lào thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển thực chất để trở thành trụ cột quan trọng, lâu dài trong quan hệ 2 nước.
Nhân dịp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 4 và thăm chính thức Lào, đồng chủ trì Cuộc tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 5 (16-19/12/2018), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CHDCND Lào Nguyễn Bá Hùng đã có cuộc trả lời phỏng vấn về một số điểm nhấn chính của chuyến thăm. VOV xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CHDCND Lào Nguyễn Bá Hùng.
PV: Thưa Đại sứ, xin đồng chí đánh giá những kết quả đạt được của mối quan hệ hợp tác Lào-Việt Nam trong thời gian qua?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Có thể nói, trong thời gian qua, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào không ngừng phát triển và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể là:
Hiếm có với một nước nào trên thế giới mà việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước lại được tiến hành thường xuyên như giữa Việt Nam với Lào. Qua các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao, ngoài việc tăng cường sự tin cậy gắn bó lẫn nhau, Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã đạt được nhiều thoả thuận quan trọng mang tính chiến lược, vừa định hướng cho quan hệ hai nước trong một thời gian dài, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, làm cho mối quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Sự hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương được chủ động tăng cường, mang lại hiệu quả thiết thực.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống, ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam-Lào rất được quan tâm. Điều hết sức có ý nghĩa là hai bên đã hoàn thành và hiện đang phối hợp phổ biến rộng rãi Công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào 1930-2007; phối hợp tổ chức có hiệu quả các sự kiện lớn giữa hai nước, đặc biệt trong Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2017, hai bên đã phối hợp tổ chức hàng trăm hoạt động không chỉ ở tại mỗi nước mà tại cả các cơ quan đại diện của Việt Nam và Lào ở nước ngoài. Thông qua các hoạt động đó, đã góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân hai nước và tuyên truyền cho bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ đặc biệt, thuỷ chung, trong sáng Việt-Lào.
Hợp tác kinh tế có bước đột phá, Việt Nam tiếp tục là một trong những nước đứng đầu về đầu tư và là đối tác thương mại lớn của Lào. Các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Nhiều doanh nghiệp còn làm tốt công tác an sinh xã hội, giúp xây dựng nhiều công trình phúc lợi như trường học, bệnh viện, làm đường… hỗ trợ tốt công tác xoá nghèo, nâng cao dân trí. Việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải đang được đẩy mạnh. Tôi tin tưởng rằng trong một tương lai không xa, Lào sẽ trở thành trung tâm kết nối, trung chuyển quan trọng ở Đông Nam Á với sự hợp tác của Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực rất được quan tâm. Hai bên phối hợp triển khai tốt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020; mỗi năm Việt Nam dành cho Lào 1.000 suất đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Hiện có hơn 14.600 lưu học sinh Lào đang theo học ở Việt Nam và hàng trăm lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học tại Lào. Hợp tác an ninh-quốc phòng tiếp tục duy trì tốt với mức độ tin cậy cao; hai bên đã hoàn thành toàn bộ Dự án tăng dầy và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào; ký Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào và Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào.
Cùng với hợp tác trong khuôn khổ song phương, tình đoàn kết anh em giữa Việt Nam và Lào còn thể hiện rõ nét tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, hợp tác tiểu vùng…, đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith
PV: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động như hiện nay, xin Đại sứ cho biết triển vọng mối quan hệ Việt Nam-Lào trong thời gian tới?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Trong thế giới phát triển đầy biến động và phức tạp hiện nay, bên cạnh những vận hội phát triển, mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức gay gắt từ sự phát triển của bản thân mỗi nước và từ môi trường quốc tế, khu vực. Mặc dù vậy, chúng ta hết sức vui mừng nhận thấy trong các cuộc gặp gỡ tiếp xúc, các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước đều thể hiện quyết tâm trước sau như một sẽ làm hết sức mình để làm cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Hai nước đặt ưu tiên cao nhất là cùng phấn đấu tập trung mọi nỗ lực nhằm đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào lên tầm cao mới, với phương châm thiết thực và hiệu quả; tiếp tục coi quan hệ giữa hai Đảng là then chốt, thắt chặt quan hệ chính trị, tăng cường tin cậy và gắn bó lẫn nhau, coi đây là một trụ cột định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác, đưa các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Đảng, hai Nhà nước tiếp tục phát huy tốt hiệu quả, tăng cường trao đổi các Đoàn cấp cao, trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn, học tập kinh nghiệm của nhau trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong phát triển kinh tế -xã hội, hội nhập quốc tế.
Việt Nam và Lào tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển thực chất, hiệu quả để trở thành một trụ cột quan trọng và lâu dài trong quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực và giữ vai trò trụ cột trong quan hệ giữa hai nước; tiếp tục đưa hợp tác văn hoá, giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật thu được nhiều kết quả tích cực, giúp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và lâu dài cho sự nghiệp phát triển đất nước, bổ sung những lợi thế cho nhau trong quá trình đổi mới và phát triển; gia tăng quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả giữa nhân dân hai nước, nhất là giữa các địa phương có chung đường biên giới, quan hệ giữa các tổ chức nhân dân, xã hội của hai nước không ngừng phát triển.
Việc giáo dục cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống và giá trị của quan hệ Việt-Lào có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và sẽ được hai bên chú trọng đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng với sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương, của các doanh nghiệp, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn, mang lại hiệu quả thiết thực, to lớn cho cả hai nước. Thủ tướng: Đẩy mạnh tuyên truyền về quan hệ đặc biệt Việt - Lào
PV: Thưa Đại sứ, từ ngày 16-19/12/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương lần thứ 4 và thăm chính thức Lào, đồng chủ trì Tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 5, xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa của chuyến tham dự Hội nghị và thăm chính thức Lào lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Như các bạn đã biết, Hợp tác Mekong - Lan Thương là cơ chế hợp tác với sự tham gia của 6 nước ven sông (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc) được lập ra nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung ở tiểu vùng. Việt Nam đã tham gia tích cực vào Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác.
Việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao ta tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 4 tại Luang Prabang, Lào từ ngày 16-17/12/2018 tiếp tục thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế Mekong - Lan Thương; khẳng định vai trò của Việt Nam trong hợp tác tiểu vùng Mekong; thúc đẩy các nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam và có ý nghĩa đối với sự phát triển chung, bền vững của tiểu vùng.
Sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong - Lan Thương, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith và Phu nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Phu nhân và Đoàn sẽ thăm chính thức Lào và đồng chủ trì Cuộc tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 5 từ ngày 18-19/12/2018.
Chuyến thăm chính thức Lào lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng, được tiến hành trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp nối đà thành công của Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2017, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2018.
Đây là dịp để hai bên kiểm điểm mối quan hệ giữa hai nước, sự hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam-Lào trong năm qua, đề xuất phương hướng quan hệ giữa hai nước, sự hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao trong năm 2019 và cùng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đối ngoại.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.