Xây dựng lòng tin là cơ sở quan trọng trong hợp tác biển
VOV.VN-Xây dựng lòng tin là cơ sở quan trọng cho việc hợp tác biển, trong đó có các lĩnh vực như quản lý thảm họa, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm và cứu nạn.
Bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải là trọng tâm ưu tiên của Diễn đàn biển ASEAN mở rộng lần thứ 3 được tổ chức ngày 28/8 tại thành phố Đà Nẵng. Tham gia Diễn đàn có hơn 100 đại biểu đại diện chính phủ, các chuyên gia, học giả và nhà nghiên cứu đến từ 18 quốc gia thuộc khuôn khổ Cấp cao Đông Á (EAS) gồm các nước ASEAN và Đối tác (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ). Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn.
Diễn đàn Biển ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng vừa diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong 2 ngày qua (27-28/8) đã kế thừa và phát huy những mục tiêu đã đặt ra từ trước như tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực, xác định những lĩnh vực hợp tác và tạo khung chính trị cho hợp tác biển. Mặt khác, diễn đàn lần này cũng tiếp tục đổi mới, nhấn mạnh hơn vào các hoạt động cụ thể nhằm bảo đảm cho Luật pháp quốc tế, Công ước luật biển thực sự được áp dụng trên thực tế.
Trong các phiên họp tại Diễn đàn, các nước chia sẻ về sự cần thiết của việc tăng cường xây dựng lòng tin, thực hiện kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, ngăn ngừa và quản lý các sự cố trên biển...
Trong bối cảnh tình hình các vùng biển trong khu vực gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, Diễn đàn biển ASEAN mở rộng đã và đang phát huy vai trò là Diễn đàn thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin về an ninh biển.
Ông Robert K Harris, cố vấn pháp lý về Đông Á Thái bình Dương Bộ ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi khẳng định lập trường của mình là vị thế của Mỹ ở biển đông rất rõ ràng, nhất quán, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung. Rõ ràng diễn đàn khu vực và cấu trúc khu vực là một công cụ hữu hiệu để những nước có chung lợi ích giải quyết các tranh chấp trên biển và để chắc chắn rằng hệ thống quốc tế trợ giúp các nước trong ASEAN, đáp trả các yêu sách và tìm hướng giải quyết”.
Sau 20 năm thực hiện công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Diễn đàn này cũng tiến hành đánh giá tình hình thực hiện UNCLOS ở khu vực, chia sẻ về các kinh nghiệm thực hiện cũng như trao đổi về hướng hợp tác để đảm bảo thực hiện hiệu quả UNCLOS trong bối cảnh các vùng biển ở khu vực có những diễn biến phức tạp hiện nay./.