Bộ TT&TT muốn bỏ quy định chụp ảnh chủ thuê bao di động
VOV.VN - Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 25 xem xét việc bãi bỏ quy định chụp ảnh chủ thuê bao di động.
Theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang xây dựng, dù mới đưa vào thực hiện để tăng tính chính xác của thông tin thuê bao di động, song quy định chụp ảnh chủ thuê bao có thể sớm bị bãi bỏ.
Cuối tháng 4/2018, hàng triệu người dân đã phải xếp hàng cập nhật thông tin thuê bao. |
Theo tờ trình của Bộ TT&TT, ngay sau khi các quy định về việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp được các doanh nghiệp triển khai, người dân và các cơ quan báo chí đã có phản ứng cho rằng chụp ảnh là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân. Việc này cũng có thể gây lộ lọt thông tin riêng và không cần thiết do đã có chứng minh nhân dân. Đối với các thuê bao đã có thông tin chính xác (như thuê bao trả sau) mà vẫn yêu cầu bổ sung chụp ảnh là không cần thiết...
Sau khi nhận được các phản hồi từ người dân, Bộ TT&TT đã báo cáo Chính phủ đồng thời chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan báo chí để trao đổi, làm rõ những quy định có liên quan nhằm tạo sự đồng thuận trong người dân, xã hội cũng như nghiên cứu, xem xét các vấn đề có liên quan.
Kết quả rà soát, đánh giá cho thấy để đảm bảo thông tin thuê bao là chính xác thì nhất thiết phải có việc đối soát giữa thông tin thuê bao do doanh nghiệp viễn thông thu thập với cơ sở dữ liệu thông tin nhân thân đáng tin cậy của cơ quan nhà nước có trách nhiệm.
Tuy nhiên, hiện tại nước ta chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử để kết nối, đối soát dẫn tới các doanh nghiệp viễn thông thật sự không có cơ sở để đối soát, chứng minh thông tin thuê bao là chính xác hay không.
Tháng 8 vừa qua, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã tổ chức họp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công an và được biết cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử hiện mới triển khai xong ở 13 tỉnh/thành phố với khoảng 11 triệu căn cước.
Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh phí nên thời gian hoàn thành chưa thể xác định. Vì vậy, Bộ TT&TT cho rằng, việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp không thật sự mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý. Nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao (đặc biệt là các thuê bao đã có thông tin đầy đủ, chính xác như các thuê bao trả sau) đi bổ sung ảnh chụp (các doanh nghiệp ước tính còn khoảng 38 triệu thuê bao dạng này) sẽ lại tiếp tục gặp phản ứng và do đó "thực sự cần xem xét, bãi bỏ quy định này".
Trước đó, cuối tháng 4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Theo đó, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao di động cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Khi đó, lãnh đạo Cục Viễn thông cho rằng, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân vẫn cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể như vân tay hoặc ảnh chụp là cần thiết để xác định một giao dịch là có thật, bởi ảnh chụp giấy tờ tùy thân của thuê bao trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp có thể được (nhân viên giao dịch) lấy của người này gắn cho người khác mà khó để kiểm soát.
Vì thế, cuối tháng 4 vừa qua, nhiều người dân đã phải nghỉ việc, xếp hàng đi chụp ảnh bổ sung thông tin, trong khi các nhà mạng phải tăng cường nguồn lực cả con người lẫn máy móc, phần mềm… để bảo đảm liên lạc được suôn sẻ./. Viettel sẽ khóa SIM 1 chiều nếu chưa bổ sung thông tin trước ngày 2/6
Quá tải bổ sung thông tin thuê bao là lỗi của nhà mạng