Áp dụng đồng bộ hệ thống Kiến trúc Chính phủ điện tử từ Trung ương đến địa phương
VOV.VN - Việc hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống Kiến trúc Chính phủ điện tử (CPĐT) từ Trung ương đến địa phương giúp tiết kiệm chi phí, thời gian trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới Chính phủ số đồng bộ.
“Kim chỉ nam” cho các bộ, ngành, địa phương
Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 3.0 hướng tới Chính phủ số được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ký ban hành cuối tháng 12/2023.
Mục đích nhằm hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kiến trúc CPĐT; hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống Kiến trúc CPĐT từ Trung ương đến địa phương.
Các thành phần cơ bản của Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam gồm: Mục đích và phạm vi áp dụng; các nội dung khung kiến trúc; các mô hình tham chiếu; sơ đồ khái quát CPĐT Việt Nam và tổ chức thực hiện…
Bộ TT&TT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, áp dụng các nội dung Kiến trúc CPĐT, phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như: Phù hợp với Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam và các văn bản hướng dẫn liên quan; Phù hợp với định hướng, mục tiêu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số của quốc gia; Phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các bộ, ngành, địa phương; Bảo đảm việc đầu tư triển khai CPĐT hướng tới Chính phủ số hiệu quả; Phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt các cấp hành chính để có thể sử dụng mọi nơi; Các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung...
Hiện có 3 khung kiến trúc gồm Khung kiến trúc CPĐT, Khung kiến trúc CPĐT cấp bộ, và Khung kiến trúc CPĐT cấp tỉnh.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số - Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định: Việc hình thành và triển khai đồng bộ hệ thống Kiến trúc CPĐT từ Trung ương đến địa phương giúp tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung các tài nguyên CNTT trong mỗi cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức khác trên phạm vi toàn quốc. Từ đó hướng tới tiết kiệm chi phí, thời gian trong hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp hiệu quả các dịch vụ tích hợp cho người dân và doanh nghiệp.
“Khung kiến trúc CPĐT được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương sẽ tạo thuận lợi lớn cho việc xây dựng và vận hành Chính phủ số đồng bộ, với lộ trình phù hợp, hạn chế trùng lặp. Đồng thời tăng cường khả năng chuẩn hóa, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong triển khai CPĐT, Chính phủ số”, ông Giang phân tích.
Cũng theo ông Giang, Kiến trúc CPĐT và Kiến trúc dữ liệu là hai nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CNTT, chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước. Không tuân thủ Kiến trúc CPĐT sẽ dẫn tới sự không đồng nhất về giải pháp khi áp dụng kỹ thuật, công nghệ xây dựng hệ thống thông tin, nền tảng số. Không xây dựng Kiến trúc dữ liệu thì không thể hình thành dữ liệu, cơ sở dữ liệu theo các lĩnh vực chuyên ngành thống nhất từ Trung ương và địa phương hoặc mâu thuẫn trong quá trình chia sẻ, liên thông dữ liệu, gây tốn kém nguồn lực và kéo dài thời gian đầu tư.
Các bộ, địa phương “đồng thanh tương ứng”
Các chuyên gia cho rằng, xây dựng kiến trúc CPĐT có vai trò rất quan trọng và rất cần thiết với sự phát triển của quốc gia số. Quá trình này đòi hỏi sự hợp tác và cam kết từ tất cả các bên liên quan để đảm bảo rằng có một hệ thống linh hoạt, đáng tin cậy và hiệu quả trong thời đại số hóa.
Trong số những đơn vị cấp bộ tiên phong triển khai các hoạt động liên quan tới Khung kiến trúc CPĐT 3.0, phải nhắc tên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngay đầu tháng 4/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn triển khai nội dung của Khung kiến trúc CPĐT 3.0 cho các đơn vị trực thuộc Bộ.
Ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Tổ trưởng Tổ xây dựng và cập nhật Kiến trúc CPĐT nhấn mạnh: “Để xây dựng và phát triển CPĐT, Chính phủ số, cần có tam quy, đó là quy hoạch, quy chuẩn và quy chế”.
Trong đó, kiến trúc CPĐT sẽ giúp quy hoạch có hệ thống các cơ sở dữ liệu, lĩnh vực, liên lĩnh vực, nền tảng ngành và các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung. Về quy chuẩn, cần tập trung xây dựng mô hình dữ liệu, chuẩn trao đổi dữ liệu, từ điển dữ liệu và thực hiện mở dữ liệu theo quy định. Về quy chế, cần xây dựng các quy định bắt buộc, khuyến nghị tuân thủ các nội dung quy hoạch và quy chuẩn.
Bộ Tư pháp cũng đã nhanh chóng khảo sát các đơn vị thuộc Bộ và xây dựng dự thảo Kiến trúc CPĐT Bộ Tư pháp phiên bản 3.0. Trung tuần tháng 6/2024, Cục CNTT - Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ về việc lấy ý kiến về dự thảo này.
Ông Phạm Đức Dụ, Phó Cục trưởng Cục CNTT cho biết, Kiến trúc CPĐT hướng tới Chính phủ số phiên bản 3.0 sẽ hỗ trợ các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tư pháp trong việc quy hoạch, ra quyết định, kiểm soát rủi ro, đồng thời xác định vị trí, trách nhiệm của đơn vị mình trong việc phát triển CNTT, hướng tới Chính phủ số đồng bộ, thống nhất tại Bộ Tư pháp; hình thành Bộ Tư pháp số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Bộ/ngành Tư pháp và chất lượng cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Về phía các địa phương cũng đã có nhiều động thái tích cực trong việc triển khai đồng bộ Kiến trúc CPĐT phiên bản 3.0 của Bộ TT&TT.
Đầu tháng 7/2024, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 792 về việc phê duyệt kiến trúc Chính quyền điện tử (CQĐT) hướng tới Chính quyền số tỉnh Hà Giang, phiên bản 3.0.
Kiến trúc CQĐT tỉnh Hà Giang phiên bản 3.0 được xem như cơ sở để đưa ra các quyết định đầu tư, triển khai Chính quyền điện tử kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, hướng tới các hoạt động hành chính không giấy; bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Đầu tháng 8/2024, UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất chủ trương cho Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ xây dựng Kiến trúc CQĐT tỉnh Hậu Giang phiên bản 3.0, hướng tới chính quyền số.
Theo Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang, việc xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hậu Giang phiên bản 3.0, hướng tới chính quyền số sẽ giúp cho các cơ quan trên địa bàn tỉnh tăng cường khả năng kết nối liên thông. Phiên bản này đảm bảo việc triển khai ứng dụng CNTT, công nghệ số, dịch vụ số đồng bộ, tránh trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được Bộ TT&TT giao cho các địa phương thực hiện và cũng là một trong những tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính của tỉnh.