Mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ ngành
VOV.VN - Những năm qua, nhiều bộ ngành đã tích cực chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, mang lại lợi ích rất lớn cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp, điển hình như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chuyển đổi số mọi lĩnh vực
Trong 3 năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn nằm trong Top các bộ, ngành chuyển đổi số hiệu quả nhất, trong đó hai năm dẫn đầu. Là một trong những bộ/ngành tiên phong thực hiện Chính phủ điện tử từ sớm, Bộ Tài chính đã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số với mục tiêu tổng quát là chuyển đổi số gắn với xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ đã chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của CMCN 4.0, kế thừa kết quả triển khai Chính phủ điện tử để từng bước thực hiện chuyển đổi số ngành Tài chính, cung cấp các dịch vụ tài chính số, tham gia tích cực vào sự phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số.
Nhờ đó, Bộ Tài chính đã triển khai 764 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 347 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình, 108 DVCTT một phần và 309 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, hoàn thành kết nối, tích hợp 284 DVCTT trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Các thủ tục đã được thực hiện nhanh chóng, giúp cho thời gian hao phí trước đây tính bằng giờ, bằng ngày thì nay tính bằng phút.
Trong từng lĩnh vực của ngành tài chính cũng có sự chuyển đổi số rõ nét, ví dụ như tại Kho bạc Nhà nước, 100% thủ tục hành chính được cung cấp DVCTT toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian tổ chức thu.
Tổng cục Hải quan triển khai Cơ chế một cửa quốc gia với 250 TTHC của 13 bộ, ngành, kết nối với 7,43 triệu bộ hồ sơ của hơn 72 nghìn doanh nghiệp. Ngành Hải quan tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung, ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ngành thuế đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử tại 63 tỉnh, thành phố. Tính từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2024, tổng số hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là gần 8,3 tỷ hóa đơn. Tính đến ngày 30/6/2024, có 71.329 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, mang lợi thuận tiện rất lớn cho doanh nghiệp và người dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên 4 trọng tâm chuyển đổi số
Những năm qua, Bộ Kế hoạc và Đầu tư cũng luôn nằm trong Top đầu các bộ/ngành địa phương trong Bảng xếp hạng chuyển đổi số Quốc gia. Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý tạo nền tảng cho chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Trong đó tập trung ưu tiên 4 lĩnh vực chuyển đổi số gồm quản lý đầu tư công; chuyển đổi số trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã; chuyển đổi số trong lựa chọn nhà thầu, mua sắm công; chuyển đổi số trong lĩnh vực thống kê.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành công của Bộ có thể đúc rút ra 3 bài học kinh nghiệm. Đầu tiên là phải bám sát và chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ trong triển khai thực hiện, hai là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, ba là xác định mục tiêu, giải pháp và kết quả đầu ra rõ ràng, cụ thể để thuận lợi trong việc giám sát, kiểm tra, đánh giá.
Để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, ngày 30/10/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Quyết định số 2501/QĐ-BKHĐT về việc phê duyệt Đề án Chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giai đoạn 2025-2030 với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng hiệu quả, nhanh chóng và đồng bộ.
Bộ cũng đề xuất 7 nhóm giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số gồm nhận thức số; hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Với các giải pháp trên, Bộ Kế hoạch Đầu tư kỳ vọng, chuyển đổi số của Bộ sẽ góp phần chung và phát triển Chính phủ số của Việt Nam, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thăng hạng chuyển đổi số
Tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề chuyển đổi số cũng được đặt biệt quan tâm trong những năm qua và bước thăng hạng vượt bậc trong Bảng xếp hạng chuyển đổi số quốc gia.
Một số kết quả nổi bật của Bộ có thể kể đến như cung cấp 86 Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó 33 DVCTT mức độ toàn trình trong tổng số 40 DVCTT đủ điều kiện toàn trình (chiếm tỷ lệ 82,5% năm 2024 đạt 100%).
Ngành Tài nguyên và Môi trường cũng đã triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Dự kiến trong năm 2024 sẽ số hóa 100% các hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực. Bộ cũng đã hoàn thành xây dựng, thiết lập Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thủ tục giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết nối với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Là đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, Bộ đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu lớn thông qua việc hoàn thiện các quy định kỹ thuật về CSDL, các nền tảng về dữ liệu, dữ liệu lớn; an toàn thông tin, chống thất thoát dữ liệu; kết nối, tích hợp, chia sẻ, sử dụng thông tin dữ liệu.
Về xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia – một trong bốn cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng nhất, Bộ đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần, gồm dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.
Các cơ sở dữ liệu khác như cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn, cơ sở dữ liệu môi trường, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, các bản đồ số địa chất khoáng sản, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, cơ sở dữ liệu viễn thám đều được Bộ chú trọng quan tâm, thực hiện triển khai và đạt được kết quả tốt.
Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh chuyển đổi số.
Trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, cơ chế tạo thuận lợi chuyển đổi số tài nguyên và môi trường; hoàn thiện quy định kỹ thuật tạo cơ sở pháp lý về CSDL tài nguyên và môi trường, kết nối, liên thông các CSDLQG phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, quản lý, chuyên môn.
Tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đúng thời hạn được giao tại Luật Đất đai 2024.
Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện các CSDL quốc gia, lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đồng thời thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06/CP; nhiệm vụ được giao của UBQG về chuyển đổi số.
Cuối cùng, tiếp tục hoàn thiện, duy trì, vận hành hạ tầng số, nền tảng số bảo đảm hạ tầng số dùng chung cho các đơn vị thuộc Bộ, các hệ thống thông tin dùng chung của Bộ, hỗ trợ các Sở Tài nguyên và Môi trường; đảm bảo an toàn thông tin, hoạt động thông suốt phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ, ngành trên môi trường điện tử trực tuyến.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kỳ vọng, công cuộc chuyển đổi số sẽ tiếp tục mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi căn bản hoạt động, điều hành của Bộ cũng như mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.