Các nền tảng việc làm trực tuyến: Kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp
VOV.VN - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra như vũ bão cùng với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, các nền tảng việc làm trực tuyến cũng đã giúp kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp, giúp tạo ra những cơ hội mới, tận dụng tiềm năng công nghệ để cùng phát triển.
Giải pháp việc làm trong thời đại số hóa
Dịch Covid-19 giống như một phép thử mà ở đó, mọi lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội đều phải đặt mình vào những thử thách mới và phải tìm cách vượt qua, trong đó có lĩnh vực tuyển dụng việc làm. Và cũng giống như hầu hết các lĩnh vực khác, số hóa đang trở thành sự lựa chọn, là đáp án mới cho thị trường này khi đơn vị tuyển dụng có thể thông qua internet để đăng tuyển, phỏng vấn, đán giá ứng viên. Ứng cử viên tìm kiếm việc làm cũng có cơ hội để tìm hiểu thông tin về đơn vị tuyển dụng bao gồm quy mô, lĩnh vực, uy tín, môi trường làm việc. Việc phỏng vấn online tạo ra sự khác biệt chưa từng có nhưng cũng hiệu quả không kém gì so với phương thức truyền thống mà lại tiết kiệm được tối ưu thời gian, công sức, tiền bạc cho cả hai bên trong suốt quá trình tuyển dụng.
Với một thị trường việc làm rộng lớn và trẻ như Việt Nam, việc tiếp cận các công nghệ mới không phải quá khó khăn khi người lao động có khả năng nhanh chóng thích nghi và áp dụng công nghệ. Sử dụng công nghệ trở thành một kỹ năng và cũng là điểm mạnh của người lao động, vì vậy tuyển dụng trực tuyến và các nền tảng việc làm trực tuyến đã trở thành cơ hội không chỉ đối với đơn vị tuyển dụng, người lao động mà còn cả với các cơ quan quản lý, giúp điều tiết thị trường một cách hiệu quả.
Nhu cầu về các sàn giao dịch việc làm trực tuyến đã đặt ra, việc nắm bắt và hiện thực hóa điều này cũng đã được các bộ ngành, địa phương tích cực triển khai.
Mới đây nhất, ngày 24/10/2024, với mục đích hỗ trợ người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm trên địa bàn TP.Hà Nội tìm hiểu, lựa chọn việc làm phù hợp, tham gia phỏng vấn sơ tuyển tạo việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố phía bắc gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn và Ninh Bình.
Phiên giao dịch việc làm trực tuyến ngày 24/10/2024 có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, uy tín tại các tỉnh, thành phố, như: Công ty cổ phần nhân lực AMA, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Công ty cổ phần Hoki Tech Việt Nam, Công ty Cổ phần hệ thống bệnh viện gia đình Việt Nam – Phòng khám đa khoa Favina nam Hà Nội, Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam, Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Công ty TNHH Crystal Martin,…tuyển dụng các vị trí: Trưởng, phó các phòng ban, nhân viên kỹ thuật, công nhân sản xuất linh kiện điện tử, nhân viên kinh doanh – marketing, bảo vệ - tạp vụ, lái xe, công nhân may, nhân viên bán hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng, kế toán, biên dịch viên, điều dưỡng, kỹ sư thiết kế,..
Trong tổng số 31 doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm có 19 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất 61,3% còn lại thuộc lĩnh vực khác, như: Sản xuất, y tế,..
Theo kết quả tổng hợp các chỉ tiêu tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến này, có 122 doanh nghiệp tham gia với tổng số 44.504 chỉ tiêu tuyển dụng. Tỉnh có chỉ tiêu tuyển dụng lớn nhất là Bắc Giang với 32.839 chỉ tiêu, tiếp theo Thái Nguyên: 4.640 chỉ tiêu và Ninh Bình: 4.069 chỉ tiêu. Các doanh nghiệp Bắc Kạn tuyển dụng ít lao động nhất với 543 chỉ tiêu.
Về trình độ, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng – đại học trở lên là 408/1.051 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 38,8%; Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật là 372/1.051 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 35,4%; Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ lao động phổ thông là 271/1.051 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 25,8%.
Việc triển khai các sàn giao dịch việc làm trực tuyến dành cho lao động tìm việc tại các địa phương đã trở thành một hoạt động thường xuyên tại các Trung tâm việc làm, được tổ chức bởi các sở ngành, tổ chức, địa phương trong cả nước thời gian qua, nằm trong mục tiêu chuyển đổi số lĩnh vực tuyển dụng và việc làm, nhằm gia tăng cơ hội tìm kiếm nhân sự cho các doanh ngiệp, giúp người lao động tiếp cận được những cơ hội mới phù hợp với mức thu nhập như mong muốn.
Theo Bộ Lao động thương binh và Xã hội, hiện cả nước hiện có 52,4 triệu lao động, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động hiện nay là 68,9%. Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền công nghệ số, chuyển đổi số, chúng ta đang đối mặt với khó khăn trong tiếp cận người lao động.
Trong quý III/2024, cả nước có 1,05 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 22,2 nghìn người so với quý II và giảm 24,3 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi duy trì ở ngưỡng 2,24%, song tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn ở mức cao, với 7,75%. Nhận định thị trường lao động quý IV, dự báo khoảng 51,68 triệu người có việc làm, tăng thêm 116 nghìn người so với quý trước.
Những con số kể trên cho thấy nhu cầu về thị trường việc làm tại Việt Nam đang đặt ra những bài toán lớn đối với các cơ quan chức năng, tổ chức, doanh nghiệp trong việc vừa tận dụng được nguồn lao động dồi dào trong cả nước, vừa giải quyết hiệu quả tình trạng thất nghiệp, giảm áp lực xã hội và thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Việc phát triển các nền tảng việc làm trực tuyến đang là một giải pháp quan trọng giúp giải quyết vấn đề này.
Mục tiêu kết nối người lao động và việc làm với chi phí thấp nhất
Trước đó, từ tháng 3/2023, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã chủ trì chương trình thí điểm công cụ quản lý điều hành sàn giao dịch việc làm trực tuyến vào việc thực hiện phiên giao dịch việc làm kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (215 Trung Kính, Hà Nội) đã trở thành điểm kết nối với 9 Trung tâm dịch vụ việc làm khác gồm Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Dương và Cần Thơ, kết nối 79 doanh nghiệp tham gia thử nghiệm. Sự kiện nhằm triển khai Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và hiệu quả, bền vững, hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Sau khi thí điểm thành công, sàn giao dịch việc làm trực tuyến này đã được triển khai kết nối đến 63 địa phương trên toàn quốc, đảm bảo sự thống nhất của thị trường lao động Việt, giúp người lao động và doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối với nhau.
Điểm đặc biệt là, với hệ thống việc làm trực tuyến này, các doanh nghiệp chỉ cần có tài khoản, ngồi tại cơ quan cũng có thể tham gia tuyển dụng lao động trực tuyến, người lao động cũng có thể ngồi ở bất kỳ đâu, khi biết thông tin có phiên giao dịch việc làm thì cũng có thể kết nối vào hệ thống để ứng tuyển phỏng vấn.
Theo các chuyên gia đánh giá, hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến được xem là bước chuyển mình quan trọng trong công tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động để có sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường lao động.
Theo thống kê từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì hiện nay cả nước có 82 Trung tâm dịch vụ việc làm công lập và 500 doanh nghiệp dịch vụ việc làm tư nhân để kết nối cung cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, pháp luật chưa thống nhất tên gọi, các giao dịch trực tuyến hoặc trực tiếp. Hạ tầng công nghệ còn lạc hậu; cơ sở dữ liệu việc làm chưa đồng bộ; các trung tâm, doanh nghiệp chưa có sự chia sẻ. Công tác kiểm tra, giám sát tính minh bạch trong giao dịch việc làm còn hạn chế.
Được biết, Cục Việc làm (Bộ Lao động thương binh và Xã hội) đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) triển khai hệ thống dữ liệu giao dịch việc làm kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư. Khi hệ thống này hoàn chỉnh, hiện đại với thông tin, dữ liệu có cơ chế chia sẻ thông tin minh bạch nhưng cũng bảo mật thông tin. Điều này sẽ đảm bảo người lao động và doanh nghiệp kết nối với nhau ở mức chi phí thấp nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, việc xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia là rất cần thiết để kết nối với các sàn hiện có. Chính phủ cần có quy chuẩn về thu thập, cập nhật dữ liệu việc làm toàn quốc trên sàn này.