Gỡ vướng trong triển khai hợp đồng điện tử
VOV.VN - Bên cạnh những lợi ích lớn về kinh tế, thời gian qua, quá trình áp dụng hợp đồng điện tử vẫn tiềm ẩn nhiều vướng mắc, rủi ro. Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan đã và đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ.
Hoàn thiện hành lang pháp lý về hợp đồng điện tử
Hợp đồng điện tử là một yếu tố cấu thành của nền kinh tế số, với nhiều lợi ích lớn như: giúp doanh nghiệp tối ưu truy trình kinh doanh, giúp minh bạch hóa thị trường, tránh thất thu thuế khi mọi giao dịch đều có tính minh bạch…
“Hợp đồng điện tử đóng vai trò quan trọng trong chuỗi chuyển đổi số, đảm bảo sự minh bạch và tự động hóa giữa các bên tham gia, từ khách hàng, đối tác đến quản lý nội bộ”, ông Đỗ Quang Yên, Công ty TNHH Tổng Công ty Công nghệ và giải pháp CMC khẳng định.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương ước tính, ứng dụng hợp đồng điện tử toàn diện sẽ giúp đất nước tiết kiệm 50.000 – 70.000 tỷ đồng/năm, bao gồm chi phí in ấn giấy tờ, chi phí chuyển phát và bảo quản hồ sơ, chứng từ giấy theo thời gian quy định.
Và theo nhiều chuyên gia, ứng dụng hợp đồng điện tử trong giao thương quốc tế sẽ sẽ giúp Việt Nam không bị tụt hậu trong bối cảnh hầu hết các nước phát triển và các nền kinh tế có ký thỏa thuận tự do thương mại với Việt Nam đều đã ứng dụng hợp đồng điện tử hiệu quả.
Tại Việt Nam, từ năm 2005, Luật Giao dịch điện tử đã công nhận “giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.
Năm 2013, Nghị định số 52 của Chính phủ về thương mại điện tử quy định chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại có giá trị pháp lý như bản gốc nếu đáp ứng cả hai điều kiện: Có sự bảo đảm đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong chứng từ điện tử từ thời điểm thông tin được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng chứng từ điện tử; đáp ứng quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử.
Năm 2023, Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định và làm rõ các nội dung gồm: Vai trò chữ ký số, dấu thời gian, dịch vụ tin cậy là nền tảng công nghệ cung cấp hạ tầng cho giao dịch điện tử trong các lĩnh vực; Hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử; Mô hình toàn trình để đảm bảo hợp đồng điện tử an toàn…
Năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 48 với những điểm nhấn như: Nền tảng liên thông cơ sở dữ liệu định danh xác thực và chữ ký số; Đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử, và đến năm 2030 nâng tỷ lệ lên 100%.
“Đến thời điểm hiện tại, với hành lang pháp lý cơ bản đã hoàn thiện, doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam”, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương khẳng định.
Việt Nam hiện có 3 Bộ liên quan đến câu chuyện hợp đồng điện tử: Bộ Công Thương – đơn vị được giao quản lý nhà nước về lĩnh vực giao dịch điện tử trong hoạt động thương mại; Bộ Thông tin và Truyền thông – đơn vị được giao quản lý nhà nước về hạ tầng công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo được tính an toàn của thông tin; Bộ Công an – giải quyết bài toán về định danh để xác thực các chủ thể trong giao dịch điện tử.
Gỡ vướng trong triển khai hợp đồng điện tử
Bên cạnh những lợi ích đem lại cho nền kinh tế, trong quá trình triển khai hợp đồng điện tử, các tổ chức/doanh nghiệp vẫn khá lo lắng về những rủi ro tiềm ẩn liên quan tới hợp đồng điện tử không an toàn, chẳng hạn như lộ lọt thông tin dẫn đến dữ liệu hợp đồng bị chỉnh sửa, mạo danh người ký hợp đồng để lừa đảo…
Theo tư vấn của nhiều chuyên gia, để giảm thiểu rủi ro liên quan hợp đồng điện tử không an toàn, các doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA).
Hiện đã có 11 CeCA đã được Bộ Công Thương cấp phép, gồm: Viettel vContract; Mobifone eContract; FPT CeCA; CMC C-Contract; VNPT eContract; MISA AMIS WeSign; VNPay CeCA; Bkav eContract; Savis; EFY; Fast.
“Đến năm 2024, chúng tôi đã cung cấp hơn 1 triệu hợp đồng điện tử trong nhiều lĩnh vực như: dịch vụ viễn thông, điện, nước; ngân hàng, chứng khoán; vận tải, giao dịch của các doanh nghiệp SME...”, ông Đỗ Kế Công, Giám đốc Trung tâm Chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT cho hay.
Tính tới tháng 30/8/2024, các CeCA đã triển khai dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tới 48.533 doanh nghiệp.
Dự kiến, từ nay tới năm 2030, tại Việt Nam mỗi năm sẽ có khoảng 1 tỷ hợp đồng điện tử an toàn được ký kết, gồm cả hợp đồng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và B2C (doanh nghiệp với cá nhân).
Trong đó, số lượng hợp đồng B2C rất lớn. “Bộ Công Thương quản lý hợp đồng mẫu (9 loại gồm điện, nước, viễn thông, mua bán – cho thuê căn hộ chung cư….), mỗi năm có khoảng 600 triệu hợp đồng được ký kết giữa các cá nhân với doanh nghiệp. Tuy nhiên, những hợp đồng này trước kia vướng ở chỗ cá nhân thường chỉ ký bằng những phương thức kém tính an toàn, khó chứng minh giá trị pháp lý để đảm bảo quyền lợi nếu chẳng may xảy ra tranh chấp”, ông Đức Anh lưu ý.
Để gỡ vướng, tháng 5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 48 sửa đổi Nghị định 130/2018 hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, trong đó có quy định về hình thức cấp chữ ký số bằng việc định danh và xác thực qua của ứng dụng VneID (do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an Việt Nam phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử để định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số).
“Khi cá nhân ký hợp đồng, thông tin xác thực sẽ hiển thị trên app VneID. Đây sẽ là bước ngoặt rất lớn về triển khai hợp đồng điện tử tại Việt Nam”, ông Đức Anh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đức Anh, Bộ Công Thương đang phối hợp triển khai một số bài toán công nghệ liên quan tới câu chuyện hợp đồng điện tử. Đáng chú ý là App Tokenization - các cá nhân chỉ cần định danh 1 lần, sau khi gắn với thiết bị cá nhân, có thể ký kết các hợp đồng điện tử.
Về hợp đồng điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương đang thiết kế mô hình để các CeCA hợp tác với DocuSign. Trên cơ sở có sự chứng nhận của Trục Phát triển hợp đồng điện tử quốc gia, các chủ thể trong nước có thể ký kết hợp đồng với chủ thể nước ngoài (phía nước ngoài dùng DocuSign để ký, còn phía Việt Nam dùng các hệ thống CeCA của Việt Nam để ký).