Hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo niềm tin cho người dân trong CĐS
VOV.VN - Bộ Công an đang dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta. Đây sẽ hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp, đồng thời góp phần tạo niềm tin cho người dân tích cực tham gia vào quá trình này.
Theo Bộ Công an, tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng những năm qua, có thể kể đến một số ví dụ điển hình như việc Công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng, Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán của khách hàng.
Bên cạnh đó, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân cũng diễn ra phổ biến, công khai. Theo Bộ Công an, việc mua bán này không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp. Thậm chí xuất hiện một số công ty được thành lập mới, đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống kỹ thuật chuyên thu thập trái phép dữ liệu cá nhân để kinh doanh thu lợi nhuận.
Các công ty này xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân, cài ẩn trong các trang mạng để thu thập thông tin tự động, phân tích thành tệp dữ liệu cá nhân có giá trị, thực hiện tán phát mã độc có chức năng thu thập dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng, đồng thời tổ chức tấn công, xâm nhập hệ thống máy tính của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân.
Trong thời gian qua, bằng chuyên môn nghiệp vụ, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân, phát hiện, đấu tranh và xử lý một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn GB dữ liệu, trong đó nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Chỉ tính riêng năm 2023, Bộ Công an đã chủ động phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ việc lộ mất, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng, phát hiện số lượng lớn dữ liệu bị tin tặc rao bán công khai trên các nền tảng, diễn đàn như BreachedForums, Telegram, Facebook.
Nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng, ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, theo Bộ Công an, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chưa bao quát hết các lĩnh vực, quan hệ của đời sống, xã hội, chưa tương thích với các quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được nêu trong Hiến pháp năm 2013 cùng các quy định trong một số văn bản Luật hiện hành.
Bộ Công an cho rằng, với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay, việc không có chế tài xử lý hoặc chế tài xử lý không đủ mạnh, không đủ sức răn đe sẽ không giải quyết được tình hình. Vì vậy, việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bộ Công an cho biết, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ quy phạm đầy đủ các nội dung bảo vệ dữ liệu cá nhân, các hành vi vi phạm quy định sẽ được căn cứ vào Luật để đề xuất các hình thức, biện pháp xử lý phù hợp. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh hiện nay.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Bên cạnh việc đảm bảo an toàn thông tin người dùng mạng, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân còn kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Theo đại diện Bộ Công an, dữ liệu cá nhân là một trong những nguyên liệu chính để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Với hơn 79 triệu người dùng Internet, dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số nước ta đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau.
Dữ liệu cá nhân từ vị trí chưa thực sự quan trọng, trở thành nguyên liệu chính cho hoạt động của các ngành, nghề, dịch vụ và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng thể lĩnh vực tạo ra giá trị lợi nhuận cao trong nền kinh tế quốc dân. Điều này đặt ra cho Chính phủ bài toán phải quản lý hiệu quả, tương đồng giữa sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân, ứng phó, hạn chế nguy cơ, xử lý vi phạm để giữ vững sự phát triển và giá trị do dữ liệu cá nhân tạo ra.
Do đó, việc quy định cụ thể các hoạt động kinh doanh liên quan tới dữ liệu cá nhân là vô cùng cấp bách và cần thiết, tập trung điều chỉnh về năng lực xử lý dữ liệu cá nhân, năng lực và điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan.
Bộ Công an cho rằng, với quan điểm bảo vệ để phát triển, những vấn đề trên cần được quy định cụ thể vào trong Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm dữ liệu cá nhân được sử dụng vào hoạt động kinh doanh khi bảo đảm đúng quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Vì vậy, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ giúp tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ và nâng cao hơn quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu trước tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay, đồng thời tạo hành lang pháp lý giúp cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng ngừa đấu tranh với các hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cụ thể hóa cam kết quốc tế của Việt Nam trong thực hiện về quyền con người, quyền công dân, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Qua đó tạo dựng niềm tin cho người dùng và thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam.