Hiệu quả của chuyển đổi số trong việc cắt giảm thủ tục hành chính ở cấp cơ sở vì người dân

VOV.VN - Nhờ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý, điều hành của chính quyền, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, nhiều địa phương trong cả nước đã đơn giản hoá và cắt giảm thủ tục hành chính, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức và chi phí.

Sinh con ở Hà Nội nhưng hộ khẩu ở Lạng Sơn, anh Trần Tuấn Minh muốn làm thủ tục khai sinh con tại quê nhà. Nhờ dịch vụ công trực tuyến, anh Minh không cần phải về quê làm thủ tục cho con mà làm trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, sau đó nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, những năm qua, Lạng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu trong cải cách thủ tục hành chính, mang lại lợi ích rất lớn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã được các cơ quan, đơn vị hành chính triển khai mạnh mẽ trong toàn tỉnh với nhiều giải pháp thiết thực và đạt kết quả quan trọng.

Chỉ tính từ năm 2022 đến tháng 7/2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 1,4 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có hơn 830.500 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến (chiếm trên 59%). 100% hồ sơ thủ tục hành chính đã được tiếp nhận, xử lý đúng quy định và trả đúng hạn. Tính riêng năm 2023, chỉ số thành phần “xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” của Lạng Sơn đạt 85%, tăng 16,95% và tăng 33 bậc so với năm 2022.

Kết quả trên đạt được nhờ vai trò quan trọng của chuyển đổi số, hiện nay, 100% cơ quan, đơn vị có kết nối Internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được xây dựng hoàn thiện. Các thiết bị phụ trợ như máy in, máy photo, máy quét, thiết bị mạng được trang bị cơ bản. 100% cơ quan, đơn vị toàn tỉnh được trang bị đầy đủ máy tính.

Cùng với đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) được duy trì hoạt động ổn định, kết nối thành công đến 42 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, trong đó có 24 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành Trung ương (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, lý lịch tư pháp trực tuyến).

Cũng nhờ chuyển đổi số, Lạng Sơn đã đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Trước đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 243/KH-UBND về việc rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022-2025. Kết quả, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 20/30 TTHC, đạt 66,7%, vượt mức kế hoạch được giao. Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa là 226.378.900 đồng/năm, nay còn 132.940.300 đồng/năm.

Tại thành phố Cần Thơ những năm qua, việc cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh. Là chủ một hộ kinh doanh nhà trọ, anh Lê Văn Thành kể, trước đây anh phải lên phường làm thủ tục đăng ký lưu trú cho khách, nay tất cả các công đoạn đều thực hiện online, giúp anh tiết kiệm rất nhiều thời gian công sức.

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, tính đến tháng 3-2024, thành phố đã kiểm thử, tích hợp 1.321 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Cổng DVC quốc gia. Trong đó, có 279 DVCTT một phần và 1.042 DVCTT toàn trình.

Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tạo môi trường hành chính liên thông, công khai, minh bạch. Hiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tình trạng khai báo, cung cấp thông tin nhiều lần.

Với dịch vụ công liên thông, thủ tục hành chính được đơn giản hóa, tiện lợi cho người dân. Ðồng thời, cơ quan quản lý nhà nước giảm được chi phí sao in hồ sơ, giảm thời gian luân chuyển hồ sơ, khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, làm giả hồ sơ và nâng cao chất lượng phục vụ.

Nhờ đó, chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của thành phố Cần Thơ) đạt 83,12% năm 2023, xếp vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2022 (hạng 36).

Tại nhiều địa phương trên cả nước những năm qua, việc đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính đã được đẩy mạnh. Nhờ đó, giảm phiền hà, nhũng nhiễu, tiết kiệm.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 23/9/2024, đã có 4.454 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (2.649 thủ tục của người dân, 2.372 thủ tục của doanh nghiệp), trong đó có nhiều dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp quan tâm như đăng ký tạm trú, xác nhận thông tin cư trú, cấp đổi giấy phép lái xe, cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước.

Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số

Ngày 20/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chỉ thị nêu, thời gian qua, công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Nhờ đó, công tác cải cách TTHC đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho xã hội.

Tuy nhiên, qua kết quả thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương và phản ánh, kiến nghị của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có việc tiếp nhận, giải quyết TTHC chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, theo địa giới hành chính.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện cải cách, cắt giảm TTHC ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chỉ duy trì những thủ tục hành chính thật sự cần thiết, chi phí tuân thủ thấp nhất.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Thực hiện đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT đồng bộ từ trung ương đến địa phương phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Tập trung triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024 theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát, đánh giá, cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung triển khai thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), xử lý dứt điểm các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu, nguồn nhân lực, kinh phí.

Bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ.

Tất cả các giải pháp trên nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ ngành
Mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ ngành

VOV.VN - Những năm qua, nhiều bộ ngành đã tích cực chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, mang lại lợi ích rất lớn cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp, điển hình như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ ngành

Mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ ngành

VOV.VN - Những năm qua, nhiều bộ ngành đã tích cực chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, mang lại lợi ích rất lớn cho cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp, điển hình như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Bộ Tài nguyên và Môi trường.

VNPT đặt mục tiêu trở thành nhà sáng tạo tiên phong nghiên cứu, làm chủ công nghệ số
VNPT đặt mục tiêu trở thành nhà sáng tạo tiên phong nghiên cứu, làm chủ công nghệ số

VOV.VN - Là một doanh nghiệp viễn thông – công nghệ có vai trò tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia, trong những năm qua, VNPT đã liên tục đầu tư, nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ số để phục vụ các cơ quan bộ ngành, tổ chức và doanh nghiệp.

VNPT đặt mục tiêu trở thành nhà sáng tạo tiên phong nghiên cứu, làm chủ công nghệ số

VNPT đặt mục tiêu trở thành nhà sáng tạo tiên phong nghiên cứu, làm chủ công nghệ số

VOV.VN - Là một doanh nghiệp viễn thông – công nghệ có vai trò tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia, trong những năm qua, VNPT đã liên tục đầu tư, nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ số để phục vụ các cơ quan bộ ngành, tổ chức và doanh nghiệp.

Các nền tảng việc làm trực tuyến: Kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp
Các nền tảng việc làm trực tuyến: Kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp

VOV.VN - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra như vũ bão cùng với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, các nền tảng việc làm trực tuyến cũng đã giúp kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp, giúp tạo ra những cơ hội mới, tận dụng tiềm năng công nghệ để cùng phát triển.

Các nền tảng việc làm trực tuyến: Kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp

Các nền tảng việc làm trực tuyến: Kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp

VOV.VN - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra như vũ bão cùng với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, các nền tảng việc làm trực tuyến cũng đã giúp kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp, giúp tạo ra những cơ hội mới, tận dụng tiềm năng công nghệ để cùng phát triển.