Nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến
VOV.VN - Kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại các bộ, ngành, địa phương hiện chưa đồng đều. Cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp DVCTT trên phạm vi cả nước.
Còn hạn chế, bất cập
Cung cấp DVCTT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai nhiệm vụ này, song kết quả bước đầu giữa các bộ, ngành, địa phương hiện chưa đồng đều.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là một trong những đơn vị có kết quả tốt nhất, hiện đã cung cấp 25/25 (100%) thủ tục hành chính dưới dạng DVCTT toàn trình (là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng; việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích). Các DVCTT được cung cấp trên nhiều nền tảng như: Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Cổng Dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VssID, các nhà cung cấp dịch vụ IVAN (dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 13,5 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (nếu tính số lượng hồ sơ gắn với từng người lao động thì lên tới gần 100 triệu hồ sơ).
Bộ Quốc phòng cũng là một “điểm sáng” về DVCTT trong khối các bộ, ngành. Đại tá Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp (Tập đoàn Viettel), cho biết: Viettel đã áp dụng những công nghệ mới nhất và hiện đại nhất vào xây dựng giải pháp Cổng Dịch vụ công, với quy trình tiếp nhận, xử lý minh bạch và dễ theo dõi, mang đến nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Người dân có thể thực hiện DVCTT ngay tại nhà, trên nhiều loại thiết bị kết nối mạng Internet, không cần phải tới các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng. Thời gian tới, Cổng Dịch vụ công của Bộ Quốc phòng sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng chatbot, callbot nhằm trả lời tự động các thắc mắc của người dân. Nhiều công nghệ tiên tiến khác như hệ thống OCA tự động nhận dạng văn bản, hệ thống EKYC giúp tự định danh… sẽ đem lại trải nghiệm tốt hơn nữa cho người dân khi thực hiện các DVCTT.
Trong khối các địa phương, từ năm 2020 đến nay, Đà Nẵng luôn nằm trong Top dầu về chuyển đổi số nói chung và DVCTT nói riêng. Hiện tại, Đà Nẵng đã triển khai cung cấp 96% thủ tục hành chính là DVCTT toàn trình; xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình cao với tỷ lệ 66% tổng hồ sơ, gấp gần 4 lần tỷ lệ trung bình của khối địa phương.
Tuy nhiên, theo bà Thu Hương, Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là về hồ sơ trực tuyến toàn trình.
“Một số địa phương đạt tỷ lệ lên tới 69%, song vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ dưới 5%, trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 18%”, bà Hương nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cho thấy, đến tháng 10/2024, trên phạm vi cả nước, tỷ lệ thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình mới chỉ đạt 49%; Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đối với các DVCTT toàn trình của các bộ, ngành đạt 61%, cấp tỉnh, thành phố đạt 18%, trung bình toàn quốc đạt 43%.
Tính đến ngày 19/10/2024, vẫn còn 13 thủ tục hành chính chậm muộn, chưa hoàn thành tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/2/2024, thuộc các lĩnh vực: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch – Đầu tư, Y tế, Công thương, Tài chính.
Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT
Hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến lên 80% vào năm 2025, mới đây, một sáng kiến đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội, đó là mô hình đại lý DVCTT (dự kiến sẽ triển khai rộng rãi trên toàn thành phố từ tháng 3/2025). Đối tượng làm đại lý DVCTT gồm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; doanh nghiệp công nghệ thông tin; các tổ chức được cấp phép làm đại lý…
Các đại lý sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố; số hóa hồ sơ, tài liệu; tư vấn, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về các nội dung liên quan khác trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Ông Cù Ngọc Trang, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố Hà Nội nhận định, triển khai mô hình đại lý DVCTT là bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển và đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công cuộc cải cách hành chính, chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Để tạo hiệu quả đồng đều hơn cho hoạt động cung cấp DVCTT trên phạm vi cả nước, ngày 17/12/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả DVCTT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đề án đặt mục tiêu: Đến năm 2030, 100% cơ quan nhà nước, tổ chức cung cấp DVCTT liên tục cải tiến chất lượng để phục vụ người dân tốt nhất; 70% người dân trưởng thành sử dụng DVCTT; 100% học sinh trung học phổ thông, sinh viên trên toàn quốc được phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng DVCTT thông qua các hoạt động học tập, bồi dưỡng, tập huấn.
Đặc biệt, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về xếp hạng Chỉ số DVCTT (OSI) của Liên Hợp Quốc.
Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng DVCTT qua nhiều kênh, thì nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT cũng là một giải pháp sẽ được thực thi nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong Đề án.
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, nâng cấp, thiết kế, thiết kế lại giao diện, trải nghiệm người dùng của hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, ưu tiên các dịch vụ công thiết yếu, có nhiều người sử dụng. Đặc biệt chú trọng tới việc cung cấp thông tin hướng dẫn đơn giản, trực quan, dễ hiểu, dễ làm, giúp người dân có thể tự hiểu và tự thực hiện một cách dễ dàng, thuận tiện.
Cùng với đó, Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức sẽ được triển khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để lưu giữ dữ liệu giải quyết dịch vụ công, phục vụ chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu trong thực hiện dịch vụ công.
Nhiều giải pháp, nền tảng công nghệ số sẽ hỗ trợ cho các bộ, ngành, địa phương có thể theo dõi hiệu quả hoạt động cung cấp DVCTT, từ đó xác định những điểm còn hạn chế, đưa ra phương án tiếp tục nâng cao chất lượng DVCTT để gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.