Nhiều địa phương thay đổi đáng kể thứ hạng chuyển đổi số
VOV.VN - Từng gặp khó khăn khi khởi động chuyển đổi số, đến nay nhiều địa phương đã có sự thay đổi vượt bậc trên bảng xếp hạng Chuyển đổi số quốc gia, điển hình như Vĩnh Phúc, Yên Bái hay Ninh Thuận.
Vĩnh Phúc tăng 43 bậc xếp hạng
Năm 2020, khi Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu xếp hạng chuyển đổi số quốc gia, Vĩnh Phúc xếp gần cuối bảng, ở vị trí 55/63 tỉnh thành phố về chuyển đổi số. Trước thực tế này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch số 327 năm 2021 cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch đặt mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở cho hoàn thiện Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số, đồng thời phấn đấu vào Top 20 trong bảng xếp hạng Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022 và top 10 năm 2025.
UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, hình thành các cơ chế, chính sách để kinh tế số đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Nhờ những nỗ lực trên năm 2021, Vĩnh Phúc có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số quốc gia, riêng về chỉ tiêu thể chế số, Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước. Trong bảng xếp hạng mới đây, Vĩnh Phúc tiếp tục nằm trong Top 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số, trong đó Tỉnh giữ vị trí cao về phát triển kinh tế số.
Tính đến nay, quá trình chuyển đổi số của Vĩnh Phúc được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Nổi bật có thể kể đến như trên địa bàn tỉnh có hơn 700.000 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt. Toàn bộ các cơ sở giáo dục của tỉnh sẵn sàng triển khai nền tảng dạy học trực tuyến trong công tác dạy và học khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra cũng như sử dụng kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số.
Trong lĩnh vực Y tế, tính đến ngày 12/6, Sở Y tế đã tạo lập được hơn 1,2 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân chiếm trên 96% tổng dân số trên địa bàn tỉnh. Triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng VneID: 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện nâng cấp phần mềm khám chữa bệnh HIS và đầu tư thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VneID.
Cục thuế tỉnh đã tăng cường công tác triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, tạo điều kiện thuận lợi cho người bán hàng khi áp dụng hóa đơn điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về việc được xuất hóa đơn ngay khi mua hàng hóa, dịch vụ, nâng cao hiệu quả của việc áp dụng chính sách pháp luật về hóa đơn điện tử. Nhờ những kết quả đạt được, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Tỉnh nghèo Yên Bái vào Top 20
Yên Bái cũng là một điểm sáng của chuyển đổi số. Năm 2020, Tỉnh đứng ở vị trí thứ 40/63 tỉnh/thành phố trên bảng xếp hạng chuyển đổi số quốc gia. Ngày 22/7/2021, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025 với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
UBND tỉnh cũng ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 51-NQ/TU, các kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Các ban, ngành, địa phương cũng nhanh chóng, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chuyển đổi số của từng ngành, lĩnh vực địa phương, đơn vị.
Với tinh thần nghiêm túc và nỗ lực, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được kết quả tích cực qua từng năm. Trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2021, Tỉnh nâng 13 bậc xếp hạng, từ vị trí 40 lên vị trí thứ 27. Trong bảng xếp hạng mới nhất, Tỉnh tiếp tục có sự thăng hạng vững chắc, từ vị trí thứ 27 lên vị trí thứ 16, riêng chỉ tiêu kinh tế số, tỉnh xếp trong Top 7.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực hạ tầng, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Là địa bàn vùng cao khó khăn, địa hình núi non chia cắt, Tỉnh phối hợp cùng các địa phương nỗ lực xoá vùng lõm sóng. Đến nay, đã xoá 39 vùng lõm sóng, nâng cấp 137 trạm thu phát sóng, nâng tổng số trạm phát sóng di động lên 2.468. Viettel Yên Bái đã phủ sóng 4G cho 257 hộ dân tại xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, và có 23 khu vực phát sóng 5G tại các địa phương. VNPT đã thử nghiệm mạng 5G tại 2 khu vực trong thành phố Yên Bái. Ngoài ra, Cổng dịch vụ công tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết hơn 120.000 hồ sơ trực tuyến, xếp thứ 8/63 toàn quốc về hệ thống giải quyết thủ tục hành chính.
Về kinh tế số, 100% doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng nền tảng số, với tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh, đạt 68,72%. Mô hình Chợ 4.0 đã triển khai rộng rãi với hơn 700 điểm thanh toán QR. Sản phẩm OCOP cũng được đẩy mạnh lên sàn thương mại điện tử, giúp quảng bá hiệu quả. Nhiều mô hình công nghệ số như ứng dụng số trong quản trị du lịch, quản lý thuế điện tử đã được áp dụng.
Về xã hội số, Tổ chuyển đổi số cộng đồng ở các địa phương đã tuyên truyền mạnh mẽ về việc phổ cập công nghệ số. Đề án 06 về định danh điện tử cũng ghi nhận gần 400.000 tài khoản VNeID kích hoạt mức độ 2. Nền tảng này giúp người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần giấy tờ bản cứng. Đồng thời, 100% các cơ sở giáo dục đã đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia và triển khai mô hình chuyển đổi số trường học.
Phong trào “Bình dân học AI” cũng được lan toả, nhiều địa phương đã chủ động ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả công việc, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện tại Yên Bái.
Ninh Thuận là địa phương có sự tăng trưởng ngoạn mục nhất trong bảng xếp hạng chuyển đổi số. Từ vị trí đội sổ năm 2020 (xếp thứ 63/63 tỉnh/thành phố), địa phương ven biển này đã có bước phát triển đột phá khi vươn lên xếp thứ 27 trong bảng xếp hạng mới nhất do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
Tháng 11/2021, tỉnh Ninh Thuận ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Tỉnh thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhằm đổi mới hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân trên môi trường số.
Tỉnh xác định một số lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistic, thương mại điện tử, năng lượng, tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, Ninh Thuận chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại bền vững, triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế hải quan, kho bạc, tài chính ngân hàng.
Đến nay, Ninh Thuận đã thành lập 446 tổ chuyển đổi số cộng đồng với 2.439 thành viên. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư; triển khai thí điểm phát sóng 5G tại 75 trạm; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 87,5%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng cố định đạt 81,7% cao hơn mức trung bình cả nước là 81%, xếp hạng 15 toàn quốc.
Theo ông Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Thuận, thời gian tới, Tỉnh tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phát triển các nền tảng, ứng dụng số dùng chung cũng như đảm bảo an toàn thông tin, đưa chuyển đổi số thực sự trở thành động lực tăng trưởng ở địa phương.