Phát triển dữ liệu số trong các cơ quan nhà nước
VOV.VN - Đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoạch định rõ và ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của mình, với tổng số gần 3 nghìn cơ sở dữ liệu.
Nỗ lực số hóa dữ liệu
Dữ liệu số là yếu tố không thể thiếu của chính phủ điện tử, chính phủ số. Bởi thế, các cơ quan nhà nước đều phải nỗ lực số hóa dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, để dần hoàn thiện hệ thống dữ liệu số.
Chẳng hạn, Bộ Nội vụ đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý khoảng 2,5 triệu hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi cả nước với 36 bộ, ngành và 63 địa phương hoàn thành việc kết nối, đồng bộ hơn 2,3 triệu dữ liệu (đạt 100%), trong đó có gần 286 nghìn dữ liệu của các bộ, ngành và hơn 2 triệu dữ liệu của các địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đôn đốc các địa phương xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai với 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành, số hóa hơn 46 triệu thửa đất tại 461/705 huyện trên toàn quốc, đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp.
Về dữ liệu hộ tịch, theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến hết tháng 9/2024, đã có 14 địa phương (Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hải Dương, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Thuận, Bạc Liêu, Hà Nam, Cà Mau, Đắk Nông) hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch với 111,5 triệu dữ liệu, trong đó có 17,1 triệu dữ liệu được số hóa trên nền dân cư (chiếm 15,39%); 20 địa phương cơ bản hoàn thành, đang hoàn tất việc đẩy dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; 19 địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự kiến hoàn thành trước ngày 1/1/2025.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, tính đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cấp bộ là 46,36% (tăng 22,14% so với cùng kỳ năm 2023), của địa phương đạt 58,12% (tăng 14,56% so cùng kỳ năm 2023).
Bà Thu Hương, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu một loạt số liệu khá tích cực: Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoạch định rõ và ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của mình, với tổng số gần 3.000 cơ sở dữ liệu.
100% hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương đã được kết nối thông suốt qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Từ ngày 1/1/2024 đến 20/10/2024, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục là trên 9 triệu văn bản. Lũy kế đến nay đã có hơn 44,2 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia, đến tháng 9/2024, đã có 10 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (gồm Hải Dương, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Hà Nam, Đắk Lắk).
Cần tăng cường kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước
Dù các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực số hóa dữ liệu, song cần phải ưu tiên tập trung hơn nữa hoạt động kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu số.
Tổ Công tác triển khai Đề án 06 thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong các cơ quan nhà nước vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Việc tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần chưa được triển khai nhiều. 6 tháng đầu năm 2024, cấp ở địa phương mới đạt 10,23% và ở bộ, ngành mới chỉ có 1,17% hồ sơ thủ tục hành chính có tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa.
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia lưu ý, suốt một thời gian dài, tại các bệnh viện, phần dữ liệu số nằm trên phần mềm, rất khó khai thác khi cần (mất rất nhiều thời gian để truy xuất, tìm kiếm dữ liệu).
Dựa trên cơ sở các hệ thống hạ tầng nền tảng Bộ Y tế đã xây dựng, tổ chức triển khai tạo lập, xây dựng kho dữ liệu số y tế phục vụ kết nối chia sẻ thông tin khám chữa bệnh.
“Thời gian tới, triển khai khám chữa bệnh thì bệnh viện phải hình thành kho dữ liệu khám bệnh, không chỉ cho chính bệnh viện đó khai thác sử dụng mà còn chia sẻ cho cơ quan quản lý như các sở y tế hoặc cơ quan chính phủ khi cần”, ông Nam khuyến nghị.
Để khắc phục hiện trạng nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định có tính định hướng quan trọng về phát triển dữ liệu, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kết nối, liên thông dữ liệu số. Có thể kể tới: Chiến lược dữ liệu quốc gia; Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Các cơ quan nhà nước đã và đang tích cực rà soát, chỉnh lý để quy định rõ việc quản lý, sử dụng đối với các dữ liệu số trong các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.
Nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã được xây dựng, hiện đang kết nối 103 bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức ở Trung ương; kết nối 10 cơ sở dữ liệu, 15 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP.
Thống kê của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy, đến nay, 18 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bảo mật cảnh báo, dữ liệu số trong nhiều cơ quan nhà nước có tính chất nhạy cảm cao, một số dữ liệu được coi là dữ liệu mật. Khi chuyển đổi số, liên thông, kết nối các kho dữ liệu, luôn tiềm ẩn rủi ro nguy cơ về mất an toàn thông tin. Các cơ quan nhà nước cần chú ý hơn nữa tới vấn đề này.