Việt Nam thu hút các “đại bàng công nghệ về làm tổ”

VOV.VN - Với các chính sách tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư từ phía Chính phủ, bộ ngành và các địa phương, đi kèm những điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, con người, Việt Nam đã đang trở thành điểm đến hấp dẫn để các “đại bàng công nghệ về làm tổ”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng còn tồn tại không ít khó khăn buộc chúng ta phải khắc phục để giữ chân các nhà đầu tư lớn ở lại Việt Nam.

“Thiên thời địa lợi nhân hòa”

Theo báo cáo của HSBC, Việt Nam đang là điểm đến ưa chuộng của dòng vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Sự quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia đối với Việt Nam đang tăng mạnh nhờ chi phí cạnh tranh đi cùng các chính sách hỗ trợ FDI.

Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã đạt hơn 17 tỷ USD. Vốn giải ngân đạt 12,55 tỷ USD, đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cả nước có 8 địa phương thu hút vốn FDI đạt trên 1 tỷ USD gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai.

Một số khoản đầu tư lớn có thể kể đến Tập đoàn Amkor với mức điều chỉnh thêm 1,07 tỷ USD cho việc mở rộng nhà máy sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm vật liệu và thiết bị bán dẫn ở Bắc Ninh, nâng tổng mức đầu tư lên 1,6 tỷ USD; 3 dự án thuộc ngành công nghiệp bán dẫn của công ty TNHH Coherent Việt Nam thuộc tập đoàn Coherent (Mỹ) đầu tư vào KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai) với tổng vốn rót vào 127 triệu USD… Hồi tháng 5/2024, Tập đoàn Marvell của Mỹ cũng công bố mở thêm một trung tâm thiết kế chip tại Đà Nẵng. Trước đó, tập đoàn này cũng đã mở liên tiếp các văn phòng tại Đà Nẵng, TP.HCM.

Các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất bán dẫn ở Việt Nam, ngoài Amkor với 1,6 tỷ USD, các doanh nghiệp tiếp tục có mức đầu tư “khủng” trong thời gian tới bao gồm Hana Micron Vina đầu tư 600 triệu USD (1 tỷ USD vào năm 2025), Intel Vietnam (hơn 1 tỷ USD), Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD, sắp sản xuất linh kiện bán dẫn. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.

Gã khổng lồ bán dẫn của Mỹ là Nvidia hồi tháng 4 năm nay, trong sự kiện tới thăm Việt Nam, Phó Chủ tịch Keith Strier cũng đã công bố dự án 200 triệu USD cùng với FPT thành lập nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI) để phục vụ phát triển AI tại khu vực, đồng thời nâng cao năng lực triển khai dịch vụ AI và Cloud trên toàn thế giới.

Đáng lưu ý, không chỉ Nvidia, Việt Nam hiện đang có hơn 50 doanh nghiệp bán dẫn đang hoạt động với những tên tuổi hàng đầu thế giới như Intel, Amkor, Nana Micron, Ampere, Marvell, Renesas, Synopsys, Qorvo, Lam Research, Coherent…

Có thể nói, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn hơn bao giờ hết của các tập đoàn công nghệ số toàn cầu. Hiệp hội Bán dẫn Mỹ (SIA) trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm nay cũng cho biết nhiều doanh nghiệp đã tăng gấp đôi đầu tư vào Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ đầu tư vào ngành chip bán dẫn sẽ là tiền đề, là cơ hội để Việt Nam phát triển chuỗi sản xuất, tiến tới phát triển sức mạnh “nội sinh” chuyên về thiết kế và từng bước làm chủ chuỗi sản xuất bán dẫn. Đây cũng sẽ là cơ sở để chúng ta có thể phát triển nhiều ngành công nghệ quan trọng khác, đồng thời cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia từ nay đến 2030.

Những thành quả kể trên, xuất phát từ sự đồng bộ của các yếu tố thuận lợi, đặc biệt là từ chính sách thu hút các nhà đầu tư mà Đảng, Chính phủ và các địa phương, bộ ngành đã nỗ lực triển khai thời gian qua.

Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế đặc thù ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn công nghệ, bao gồm ngành chip, bán dẫn. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung thì "Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đang được áp dụng các ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam”.

Để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư chiến lược vào Việt Nam, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cũng đang trong quá trình hoàn thiện với mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp này trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, đồng thời biến Việt Nam thành môi trường lý tưởng để ươm mầm và phát triển các doanh nghiệp công nghệ số. Luật này hướng tới chuyển đổi từ mô hình lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế và sản xuất ngay tại Việt Nam, từ đó góp phần xây dựng chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và xã hội số.

Một số điều kiện thuận lợi khác đối với các nhà đầu tư khi tìm đến Việt Nam là thị trường rộng lớn, tiềm năng; cơ sở hạ tầng đã và đang hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của ngành. Việt Nam cũng đã tập trung phát triển được các khu công nghệ cao; có nhiều đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn cũng như các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển…

Tiềm năng của Việt Nam trong việc thu hút các “đại bàng” trên thế giới về làm tổ là vô cùng to lớn. Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài thì, những ông lớn trong ngành sản xuất bán dẫn thế giới như Intel, Samsung không dại gì mà không đầu tư vào Việt Nam bởi chúng ta đang nắm giữ chiếc “chìa khóa vàng” của ngành bán dẫn là đất hiếm. Theo tính toán, Việt Nam có trữ lượng khoảng 22 triệu tấn đất hiếm sẽ là lợi thế rất lớn trong việc phát triển, đón đầu công nghệ tương lai. Nếu Việt Nam sản xuất được một lượng đất hiếm hàng năm như Trung Quốc là 220 nghìn tấn, với thời gian một mỏ khai thác hàng trăm năm, thì số tiền thu được về Việt Nam có thể lên tới lên tới mười mấy tỷ USD mỗi năm. “Có thể nói, chúng ta đang nắm bảo bối trở thành cường quốc về bán dẫn, pin, công nghệ tương lai”, GS.TS Nguyễn Mại chia sẻ.

Thời cơ và thử thách để giữ chân các “đại bàng” ở lại “làm tổ”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc. Chất lượng các dự án đầu tư có sự cải thiện đáng kể. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố bởi các chính sách của Chính phủ và tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam. Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện, điện tử ngày càng được củng cố. Nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử có xu hướng tìm đến với Việt Nam. Nước ta có triển vọng đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định, 3 xu hướng đáng chú ý trong dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ đến từ các thị trường Mỹ, châu Âu (EU) và Trung Quốc. Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh, cũng như ghi nhận sự “lột xác” về chất. “Trước đây, dự án của Trung Quốc thường có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, đến nay, công nghệ của Trung Quốc không thua kém các nước phát triển, đặc biệt là công nghệ dân dụng, có khả năng chuyển giao”, ông Toàn cho biết.

Với các đối tác Mỹ, EU, Việt Nam có lợi thế sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, hay thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Đó là những điều kiện vô cùng thuận lợi để Việt Nam có thể nắm bắt, biến thành cơ hội để thực sự thu hút được các “đại bàng công nghệ” với nguồn vốn FDI khổng lồ.

Mặc dù vậy, theo Phó Chủ tịch VAFIE, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam còn thấp so với tiềm năng, chưa cân xứng với quan hệ thương mại hai nước. Sự chưa hợp lý này lại chính là tiềm năng cho chúng ta đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Riêng với công nghệ bán dẫn, mặc dù Việt Nam đang đứng thứ 3 châu Á về xuất khẩu sản phẩm bán dẫn sang thị trường Mỹ, các chuyên gia vẫn cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước vẫn còn nhiều thách thức. Sự phân bố đầu tư chưa đồng đều, hệ thống dây chuyền sản xuất chưa hoàn chỉnh và thiếu hụt nhân lực chất lượng cao là những vấn đề cần được giải quyết để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội từ xu hướng dịch chuyển đầu tư công nghệ cao toàn cầu.

Thực tế, dù đã sở hữu các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cả về chính sách, hạ tầng và con người nhưng vẫn có thực trạng nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn tới Việt Nam khảo sát rồi lại lựa chọn đầu tư ở nơi khác vì không đáp ứng được cơ chế hỗ trợ theo chi phí, số lượng lao động công nghệ cao có sẵn…. Nhiều dự án FDI khác cũng bị chững lại như dự án sản xuất thiết bị y tế 500 triệu đến 1 tỷ USD tại Đồng Nai của SMC (Nhật Bản), dự án mở rộng đầu tư các thiết bị phụ trợ cho Apple, IBM, Sisco của Foxconn, Compal, Quanta… Việc không có các giải pháp kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến quyết định duy trì đầu tư mở rộng của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Chính phủ cần phải có giải pháp cấp bách để ứng phó, ngăn làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Việt Nam của một nhóm các nhà đầu tư lớn. Bộ nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước hàng năm, phương thức chi trực tiếp bằng tiền để hỗ trợ doanh nghiệp đạt tiêu chí.

Để tháo gỡ tình trạng “Đại bàng gõ cửa” nhưng “nhân lực khép cửa”, Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư và cử nhân cho ngành bán dẫn đến năm 2030, quá trình triển khai hiện cũng đang đạt được những thành tựu đầy khả quan.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyển đổi số cho ngư dân: Thử thách và quyết tâm của các địa phương
Chuyển đổi số cho ngư dân: Thử thách và quyết tâm của các địa phương

VOV.VN - Hiện nay, nhờ các thiết bị số hóa, việc xác định luồng cá trở nên dễ dàng hơn, năng suất cũng nhờ đó tăng vượt trội. Nhờ số hóa, nguồn gốc sản phẩm dễ dàng được truy xuất, ngư dân cũng có thể đưa hải sản lên các sàn TMĐT để bán với giá trị cao hơn. Tuy nhiên, cùng với thuận lợi, cũng tồn tại không ít khó khăn buộc các địa phương phải nỗ lực, quyết tâm vượt qua…

Chuyển đổi số cho ngư dân: Thử thách và quyết tâm của các địa phương

Chuyển đổi số cho ngư dân: Thử thách và quyết tâm của các địa phương

VOV.VN - Hiện nay, nhờ các thiết bị số hóa, việc xác định luồng cá trở nên dễ dàng hơn, năng suất cũng nhờ đó tăng vượt trội. Nhờ số hóa, nguồn gốc sản phẩm dễ dàng được truy xuất, ngư dân cũng có thể đưa hải sản lên các sàn TMĐT để bán với giá trị cao hơn. Tuy nhiên, cùng với thuận lợi, cũng tồn tại không ít khó khăn buộc các địa phương phải nỗ lực, quyết tâm vượt qua…

Văn hóa số và những tác động mạnh mẽ tới quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp
Văn hóa số và những tác động mạnh mẽ tới quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp

VOV.VN - Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện về nâng cấp công nghệ, đó còn là câu chuyện của sự thay đổi toàn diện về cách sống, cách làm việc, sản xuất của con người trong xã hội, từ đó hình thành nên khái niệm mới: “văn hóa số”. Để gỡ bỏ được các rào cản đầu tiên trong chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xây dựng được niềm tin và văn hóa số.

Văn hóa số và những tác động mạnh mẽ tới quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp

Văn hóa số và những tác động mạnh mẽ tới quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp

VOV.VN - Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện về nâng cấp công nghệ, đó còn là câu chuyện của sự thay đổi toàn diện về cách sống, cách làm việc, sản xuất của con người trong xã hội, từ đó hình thành nên khái niệm mới: “văn hóa số”. Để gỡ bỏ được các rào cản đầu tiên trong chuyển đổi số, doanh nghiệp cần xây dựng được niềm tin và văn hóa số.

Doanh nghiệp số Việt Nam mở rộng thị trường Trung Đông
Doanh nghiệp số Việt Nam mở rộng thị trường Trung Đông

VOV.VN - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Vương quốc Saudi Arabia, FPT đã khai trương văn phòng khu vực tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Hoạt động này nằm trong chiến lược mở rộng toàn cầu của Tập đoàn nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ và giải pháp số ngày càng tăng trên thế giới.

Doanh nghiệp số Việt Nam mở rộng thị trường Trung Đông

Doanh nghiệp số Việt Nam mở rộng thị trường Trung Đông

VOV.VN - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Vương quốc Saudi Arabia, FPT đã khai trương văn phòng khu vực tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Hoạt động này nằm trong chiến lược mở rộng toàn cầu của Tập đoàn nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ và giải pháp số ngày càng tăng trên thế giới.