Xác thực định danh và thanh toán sinh trắc học: Tương lai thanh toán số Việt Nam
VOV.VN - Trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, thói quen tiêu dùng thay đổi từ tiền mặt sang giao dịch trực tuyến, việc xác thực định danh và thanh toán sinh trắc học được xem là nền tảng, là tương lai thanh toán số Việt Nam.
Giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần phải xác thực sinh trắc học
Để đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, Ngân hàng Nhà nước bàn hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN quy định sinh trắc học khuôn mặt trên các ngân hàng số, mang đến nhiều sự thay đổi trong thanh toán số ở Việt Nam. Theo Quyết định 2345, từ ngày 1/7/2024, tất cả các giao dịch trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng điện tử với giá trị trên 10 triệu đồng/lần; hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên thì lần chuyển tiếp theo trong ngày đó khách hàng sẽ phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học. Các giao dịch chuyển tiền dưới các mức này thì xác thực bằng mã OTP như thông thường, không cần xác thực bằng khuôn mặt. Với quy định này, các ngân hàng phải đầu tư nâng cấp hệ thống, kết nối với hệ thống dữ liệu của Bộ Công an; còn khách hàng thì phải cài đặt/cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng.
Quy định này nhằm gia tăng thêm một lớp bảo mật cho khách hàng, ngoài các lớp bảo mật truyền thống là mã đăng nhập tài khoản và mã OTP như trước đây. Đây cũng là xu hướng công nghệ phổ biến trên thế giới (một cuộc khảo sát tại 99 quốc gia đăng trên TechReport cho thấy, 80% các quốc gia sử dụng công nghệ sinh trắc học vào hoạt động ngân hàng).
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất của Quyết định 2345 là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và đem lại tiện ích cho người dân khi tạo ra một lớp bảo vệ cho khách hàng. Các vụ lừa đảo, trộm tiền qua ngân hàng thời gian qua hầu hết đều do các cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại hoặc hacker lấy cắp mã đăng nhập tài khoản và mã giao dịch. Trong tình huống xấu này, kẻ gian khó có thể chuyển tiền đi với số lượng lớn hơn 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày vì không thể xác thực khuôn mặt. Bên cạnh đó, việc xác thực sinh trắc học còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Sau khi quy định mới về sinh trắc học có hiệu lực, số tài khoản lừa đảo đã giảm rõ rệt. Số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.
Chia sẻ tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 do Hiệp hội ngân hàng tổ chức ngày 29/10/2024, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhận định xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng rõ rệt. Hiện nay, hơn 87% người trưởng thành ở Việt Nam đã có tài khoản tại ngân hàng và nhiều nhà băng có tỷ lệ giao dịch trên kênh số trên 95%. Trong 7 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng hơn 58% về số lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ 2023. Giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng gần 50% và 33%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 59% và 38%, giao dịch qua QR Code cũng tăng hơn 100% về số lượng và giá trị.
Thẻ ngân hàng, ví điện tử phải xác thực sinh trắc học
Theo Thông tư 18/2024 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng và Thông tư 40/2024 quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1/1/2025, các chủ thẻ, ví điện tử muốn chuyển tiền, rút tiền, thanh toán… phải hoàn tất xác thực sinh trắc học. Ngoài ra, theo quy định, khách hàng cũng cần cập nhật giấy tờ tùy thân mới nếu giấy tờ cũ đã hết hạn để không bị gián đoạn giao dịch. Theo đó, khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán (tài khoản ngân hàng) chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử (chuyển tiền online) trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tuỳ thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức).
Trước đó, kể từ ngày 1/10/2024, các tổ chức, ngân hàng phát hành thẻ, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian đã phải thu thập thông tin sinh trắc học của khách hàng. Đây là một bước nâng cao so với quy định bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ trên 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày theo Quyết định 2345 của NHNN có hiệu lực từ 1/7/2024.
Quy định này yêu cầu dữ liệu sinh trắc học của chủ tài khoản phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ CCCD gắn chip hoặc thẻ CC của chủ tài khoản do cơ quan công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử… Quy định này nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng giấy tờ giả và loại bỏ các tài khoản không chính chủ, giúp làm sạch tài khoản ngân hàng, giảm thiểu rủi ro gian lận và đảm bảo tài khoản ngân hàng chính chủ.
Dữ liệu sinh trắc học của chủ tài khoản phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hoá của thẻ CCCD gắn chip hoặc thẻ CCCD của chủ tài khoản đã được xác thực chính xác do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Như vậy, với Thông tư 18, từ ngày 1/1/2025, nếu chủ tài khoản chưa xác minh sinh trắc học với ngân hàng thì chỉ có thể nạp/rút/chuyển khoản tiền tại quầy của ngân hàng, thậm chí người dùng còn không thể sử dụng các cây ATM/CDM của hệ thống liên ngân hàng để nạp/rút tiền.
Các giao dịch khác trên tài khoản mà trước đây vẫn có thể thực hiện trực tuyến như đặt lịch thanh toán hóa đơn điện/nước/bảo hiểm tự động, thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ/chạm, thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử đều không thể thực hiện được nếu chủ sở hữu tài khoản, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng chưa xác thực sinh trắc học.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, từ khi áp dụng sinh trắc học đối với giao dịch trực tuyến, ngân hàng xác thực được tài khoản chính chủ, hạn chế tình trạng mua bán tài khoản như thời gian qua. Đồng thời, các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng có giảm đi. Những vụ lừa đảo chuyển tiền lớn, có vụ lên đến hàng tỉ đồng vẫn chủ yếu là do khách hàng chủ động đến ngân hàng thực hiện chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Việc này không liên quan đến vấn đề có sinh trắc học hay không mà do kẻ gian mạo danh cơ quan công an, tòa án… để hù dọa người dân thực hiện chuyển tiền.
Theo các chuyên gia, trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, thói quen tiêu dùng thay đổi từ tiền mặt sang giao dịch trực tuyến, việc xác thực định danh và thanh toán sinh trắc học được xem là nền tảng, là tương lai thanh toán số Việt Nam. Xác thực sinh trắc học cung cấp một lớp bảo mật bổ sung cho thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc, nhờ đó có thể giúp lĩnh vực tài chính loại bỏ hoàn toàn những hạn chế của phương thức thanh toán hiện tại, bao gồm việc phải ghi nhớ mã PIN và tương tác vật lý với các mã PIN. Trên thực tế, theo đánh giá và dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, các giải pháp thanh toán thông minh đã và đang chiếm ưu thế trong các phương thức thanh toán trên thị trường.