Nội dung số - ngành công nghiệp tỷ USD cần quản lý thế nào?
VOV.VN - Nội dung số được đánh giá là ngành công nghiệp có thể mang đến hiệu quả kinh tế lớn trị giá hàng tỷ USD, cần có chính sách quản lý nào cho phù hợp?
Nghiên cứu của Alpha Beta (công ty chuyên nghiên cứu thị trường và tư vấn chiến lược kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương) cho thấy, vào năm 2022, khoản đầu tư dành cho các dịch vụ nội dung số địa phương tại châu Á có thể tăng gấp 3,7 lần năm 2017, lên mức 10,1 tỷ USD, với tác động kinh tế tạo ra có thể lớn gấp 3 lần khoản đầu tư này.
Năm 2022, khoản đầu tư dành cho các dịch vụ nội dung số sẽ lên mức 10,1 tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT) |
Alpha Beta nhận định, nội dung số không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn mang lại hiệu quả kinh tế từ chi tiêu liên quan gián tiếp như ngành du lịch, âm nhạc, hàng hóa thương mại, dịch vụ… với tác động kinh tế gộp của nội dung số có thể gấp 3 lần chi phí đầu tư vào năm 2022 (tương đương 30,4 tỷ USD).
Ví dụ như ngành nội dung số Ấn Độ thông qua các bộ phim để giới thiệu các địa danh nổi tiếng của địa phương, từ đó thu hút lượng lớn khách du lịch đến thăm quan. Hay ngành nội dung số của Hàn Quốc đã thành công khi tạo ra “làn sóng” Hàn Quốc trên toàn thế giới không chỉ thu hút khách du lịch mà còn tạo ra loạt hiệu ứng Hàn Quốc như ngành thương mại dịch vụ kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ ăn uống của sao Hàn, trang thiết bị, vận chuyển, tiếp thị… Làn sóng này mang đến tác động kinh tế gộp không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế.
Theo ông Konstantin Matthies, chuyên gia kinh tế của Alpha Beta “Câu hỏi đặt ra là những quốc gia nào có thể nắm bắt được cơ hội và Việt Nam liệu có thể nắm bắt được “làn gió mới” này một cách tốt nhất để phát triển ngành công nghiệp nội dung số của mình?”.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cũng cho rằng, công nghiệp nội dung số có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, giữa dịch vụ số cung cấp qua hình thức OTT (nội dung số cung cấp trên nền tảng internet) có sự khác biệt căn bản với dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống, do đó yêu cầu và cách thức quản lý nhà nước đối với các nhóm OTT nên có sự khác biệt.
“Cần xây dựng một khung pháp lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của loại hình dịch vụ này. Chính phủ nên xem xét và quản lý loại hình dịch vụ nội dung số trên nền tảng internet dưới một khung pháp lý mới, thay vì gộp chung với việc quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình truyền thống”, ông Đồng nêu ý kiến.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp lý, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong những bất cập giữa việc đánh đồng quản lý dịch vụ nội dung số và phát thanh – truyền hình truyền thống là khái niệm kênh, dẫn đến thủ tục hành chính phức tạp.
“Đối với dịch vụ nội dung số trên nền tảng internet không còn khái niệm kênh, chỉ còn chương trình, danh mục chương trình được thay đổi liên tục đáp ứng nhu cầu người xem. Việc đơn giản hóa, nhập các loại giấy phép, chuyển sang thủ tục thông báo đối với các loại giấy phép quản lý kênh, danh mục sẽ giúp tạo sự cạnh tranh bình đẳng”, ông Đức đề xuất.
Việt Nam đã đưa vào thử nghiệm 5G, với tốc độ tải dữ liệu nhanh gấp 20 lần so với 4G, tiến tới sử dụng rộng rãi vào năm 2020. Nhờ đó, một bộ phim full HD sẽ chỉ cần 1 cú click (2 giây) để tải về.
Điều này sẽ đẩy tốc độ phát triển của ngành công nghiệp nội dung số lên nhanh chóng, khiến cho các chính sách quản lý thường bị trễ so với thực tiễn, nếu chưa muốn nói đến là quá chậm đến mức có thể gây khó khăn thêm cho các loại hình kinh doanh công nghệ mới như dịch vụ nội dung số.
Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam và Hiệp hội Truyền hình đa kênh Châu Á chia sẻ, các doanh nghiệp lĩnh vực nội dung số hiểu và tôn trọng mục tiêu của cơ quan quản lý về tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình truyền thống và loại hình mới, tránh bảo hộ ngược cũng như mong muốn thúc đẩy phát triển ngành nội dung số trong nước. Tuy nhiên, mục tiêu này cần thực hiện trên tư duy kiểm soát để tăng trưởng.
“Chúng tôi hy vọng cơ quan quản lý xây dựng các chính sách theo tư duy kiểm soát để tăng trưởng thay vì tư duy truyền thống kiểm soát rủi ro vì nếu kiểm soát hoàn toàn theo kiểu truyền thống sẽ vô hình chung bóp nghẹt doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình mới”, ông Thành chỉ rõ./. Việt Nam đang “nhập siêu” nội dung số nhưng thất thu thuế!
“Make in Vietnam“ giải bài toán thoát bẫy thu nhập trung bình
Việt Nam có nắm bắt được cơ hội để “hóa rồng”?