Doanh nghiệp Việt làm chủ nhiều giải pháp, công nghệ thi công hầm
VOV.VN - Công nghệ, các giải pháp thi công hầm xuyên núi được các chuyên gia, kỹ sư Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu điều chỉnh, cải tiến giúp tăng hệ số an toàn, ứng phó với các điều kiện địa chất phức tạp, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.
Thần tốc thi công 3 hầm xuyên núi ở dự án lớn nhất cao tốc Bắc - Nam
Hơn một thập kỷ qua, nhiều công trình hầm xuyên núi ở Việt Nam đã được hoàn thành bởi các nhà thầu trong nước đảm nhiệm thi công 100%. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, dù lĩnh vực khoét núi đào hầm đã xuất hiện thêm những đơn vị mới nhưng Tập đoàn Đèo Cả vẫn là sự khác biệt lớn so với phần còn lại bởi cách thức triển khai thi công của đơn vị dẫn đầu về hầm ở Việt Nam này.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất, cũng là công trình có nhiều hầm xuyên núi nhất trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025), được Ban QLDA2 (chủ đầu tư) trao cho liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đảm nhiệm thi công.
Những ngày cuối tháng 8/2024, hơn một năm rưỡi kể từ thời điểm công trình khởi công, đặt chân đến thực địa dự án, điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng là tiến độ thi công thần tốc của 3 tuyến hầm xuyên núi, nơi ban đầu được xác định là điểm găng tiến độ của dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Tại hai tuyến hầm số 1 và số 2 đã được đục thông, các mũi thi công của nhà thầu đang hoàn thiện phần nền đường trong hầm, vỏ hầm và lắp đặt thiết bị chuyên dụng. Riêng tuyến hầm số 3, các tổ đội khoan, đào, nổ mìn…đang thi công 3 ca 4 kíp suốt ngày đêm để sớm thông hầm.
"Trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được xây dựng 3 tuyến hầm xuyên núi. Trong đó, hầm số 2 dài 698m được đào thông từ đầu tháng 10/2023, vượt tiến độ 5 tháng. Hầm số 1 dài 610m được đào thông vào cuối tháng 12/2023, vượt tiến độ 2 ", ông Bùi Hồng Đăng - Giám đốc Ban Chỉ huy thi công các công trình hầm của Tập đoàn Đèo Cả nói và cho biết, ở tuyến hầm số 3 dài 3.200m, tính đến cuối tháng 8/2024, ống hầm trái đã đào được 1.500/3.200m, ống hầm phải đào được 1.619/3.200m.
Đại diện Ban QLDA2 (chủ đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) cho biết, tiến độ thi công 3 tuyến hầm ở cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang vượt tiến độ. "Nhà thầu đang thi công hầm số 3 “3 ca, 4 kíp” suốt ngày đêm, dự kiến sẽ đào thông hầm vào tháng 3/2025, vượt tiến độ so với hợp đồng khoảng 8 tháng, phấn đấu hoàn thành toàn bộ cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vào cuối năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT”.
Chia nhỏ gương hầm, gia cố ngay khi khai đào
Trực tiếp đi vào tuyến hầm số 3 đang thi công, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bên trong công địa mỗi ống hầm khá chật hẹp nhưng có đến 3 - 4 mũi thi công đang triển khai. Đây là điều khác biệt dễ thấy nhất so với công tác thi công hầm theo phương pháp NATM do các đơn vị khác đảm nhiệm mà chúng tôi đã từng được chứng kiến.
"Phương pháp thi công này được Tập đoàn Đèo Cả vận dụng, sáng tạo trên nền tảng công nghệ đào hầm NATM của Áo nhằm rút ngắn tiến độ và đảm bảo chất lượng, an toàn cho người lao động. Đối với phương pháp NATM thông thường chỉ bố trí được một mũi thi công ở gương hầm, nhưng với phương pháp NATM hệ Đèo Cả thì tăng được ít nhất 2 mũi thi công trở lên vì có nhiều không gian thi công hơn", ông Đăng nói và giải thích thêm, để làm được điều này, Tập đoàn Đèo Cả đã áp dụng giải pháp chia nhỏ gương đào nhằm làm tăng không gian trong thi công hầm.
"Khi kết cấu được chia nhỏ, hệ thống an toàn sẽ tăng lên 1 - 2 lần so với thông thường, vì vậy các hầm do Tập đoàn Đèo Cả thi công thường không gặp phải sự cố trong quá trình thi công", ông Đăng nói.
Nói thêm về tính ưu việt của phương pháp này, ông Nguyễn Quang Huy - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đối với phương pháp NATM thông thường, sau khi tiến hành đào hầm (bằng máy đào, búa đục, mũi doa, đầu xén hoặc nổ mìn), nhà thầu tiến hành bốc xúc đất đá, sau đó đánh giá địa chất gương hầm và chỉ tiến hành gia cố ngay với các loại kết cấu địa chất yếu. Tuy nhiên, điểm khác biệt của phương pháp đào hầm NATM hệ Đèo Cả là sau khi đào xong với tất cả loại kết cấu địa chất sẽ đưa về trạng trái cân bằng ngay lập tức bằng giải pháp phun bê tông lớp 1 ngay khi vừa khai đào.
"Phương pháp này phù hợp với hầu hết các công trình ngầm, công trình hầm giao thông cả địa chất tốt và yếu, đảm bảo tuyệt đối an toàn thi công qua các lớp kết cấu địa chất khác nhau và luôn đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình", ông Huy chia sẻ.
Giải quyết bài toán địa chất phức tạp chưa từng có tiền lệ trong thi công hầm
Tại hạng mục hầm Tuy An Phú Yên thuộc Gói thầu XL01 Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (Phú Yên) do Liên danh Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, công tác thi công đào hầm gặp điều kiện địa chất phức tạp sai khác hoàn toàn so với hồ sơ thiết kế, dẫn đến thường xuyên xuất hiện hiện tượng cát chảy, sạt lở gương đào, chuyển vị kết cấu chống đỡ… gây ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ và an toàn thi công.
Ông Trương Công Đạt - Giám đốc Ban Điều hành Gói thầu XL01 cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong nói: “Chúng tôi đã thi công nhiều hầm đường bộ lớn trên tuyến cao tốc Bắc – Nam như Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, Thung Thi, Trường Vinh, Núi Vung nhưng chưa bao giờ gặp phải đới địa chất lạ kỳ như vậy. Các chuyên gia hàng đầu về hầm tại Trường Đại học GTVT cũng phải thừa nhận đây là trường hợp chưa từng có tiền lệ.”
Đại diện Ban Điều hành gói thầu cho biết, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động điều chỉnh biện pháp thi công cho phù hợp với điều kiện địa chất thực tế, như tăng cường kết cấu chống đỡ, phun bê tông, cắm neo vượt trước,… và thực hiện công tác khoan thăm dò địa chất (từ 45-50m) trước gương hầm để đánh giá địa chất, đưa ra các giải pháp xử lý, biện pháp thi công, tập kết vật tư, vật liệu tại công trường, tăng gấp đôi nhân lực thi công để sẵn sàng ứng phó kịp thời trước khi tiến hành khoan nổ, tiến gương. Mục tiêu quyết tâm bám sát tiến độ chung của Gói thầu XL01 và toàn Dự án để hoàn thành, đưa vào khai thác trong tháng 9/2025.
Là người có nhiều năm theo dõi các công trình hầm đường bộ, PGS. TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định làm hầm có hai vấn đề khó.
Một là khảo sát địa chất phức tạp, nhiều đoạn đi qua vị trí đất yếu, vùng đứt gẫy, đất đá xen kẹt nên phải tính toán tổ chức các bước đào hợp lý, nếu không sẽ bị sạt. Hai là kiểm soát chất lượng trong hầm, yếu tố an toàn phải đặt nên hàng đầu bởi trong núi thường có khí độc hại, vừa phải đảm bảo an toàn kỹ thuật, đơn vị thi công vừa phải quản trị an toàn.
“Cái được lớn nhất xây dựng hầm đường bộ hơn 10 năm qua là đội ngũ kỹ sư, công nhân người Việt Nam đã kế thừa, làm chủ công nghệ khoan hầm tiên tiến, kiểm soát rủi ro. Những hầm Đèo Cả, Cù Mông hay hầm Hải Vân 2 và đặc biệt là các công trình hầm đường bộ trên cao tốc Bắc - Nam đã khẳng định người Việt Nam có bản lĩnh, đủ trí tuệ làm, thậm chí là làm tốt hơn những việc mà những nước tiên tiến đã và đang làm", ông Trần Chủng đánh giá.