Giải bài toán “khát” lao động có tay nghề trong lĩnh vực giao thông
VOV.VN - Năm 2024, Tập đoàn Đèo Cả cần tuyển dụng hơn 3.000 lao động trên khắp mọi miền đất nước cho các dự án của đơn vị. Với định hướng phát triển bền vững-con người là yếu tố then chốt làm nên thành công, việc tuyển dụng nhân sự luôn được chú trọng để đáp ứng sự phát triển của tổ chức.
Lấy con người làm gốc
Trong nhiều năm qua, không chỉ xây dựng nên dựng công trình giao thông hiện đại, an toàn, Tập đoàn Đèo Cả còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại các địa phương nơi có dự án đường cao tốc, hầm chui…đi qua.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, với khối lượng công việc tiếp tục tăng mạnh đến từ các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam như Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Chí Thạnh - Vân Phong hay những công trình hầm xuyên núi đã tăng tốc hoàn thành trong năm là hầm Thung Thi, hầm Trường Vinh cùng nhiều dự án trọng điểm tại các địa phương;
Tập đoàn Đèo Cả đã tăng cường đội ngũ nhân sự, tạo công ăn việc làm thêm cho 2.874 người lao động trong đó bao gồm 280 nhân sự khối văn phòng và gần 2.594 nhân sự khối công trường, hiện trường dự án. Trong đó, tại các công trình Đèo Cả thực hiện, việc sử dụng lao động địa phương luôn được ưu tiên, góp phần giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương.
Những năm qua, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả luôn dành sự quan tâm đặc biệt và chế độ đãi ngộ tốt nhất cho các cán bộ, người lao động cống hiến và gắn bó với doanh nghiệp.
Cũng trong năm 2023, Tập đoàn Đèo Cả đã thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác với Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng miền Trung, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường bộ…Sinh viên, học viên ở các đơn vị đào tạo này được tạo điều kiện để tiếp cận môi trường làm việc thực tế và nếu phù hợp có thể “đầu quân” cho Đèo Cả.
Bên cạnh công tác tuyển dụng, hoạt động đào tạo cũng được người đứng đầu Tập đoàn này chú trọng đẩy mạnh, tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nâng cao trình độ, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng “thực chiến”. Tiêu biểu phải kể đến là lớp thạc sĩ điều hành cao cấp tại Trường Kinh tế quốc dân dành cho hơn 30 nhân lực chủ chốt của Đèo Cả vừa tốt nghiệp đầu năm 2023.
Tháng 9/2023, Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải, nghiên cứu khoa học và ứng dụng - tư vấn - chuyển giao công nghệ thực hiện các dự án. Trước đó, từ tháng 4, Trung tâm Huấn luyện thực hành Đèo Cả được khánh thành, phục vụ mục tiêu đào tạo, tập huấn cho nhân lực Tập đoàn và các công ty thành viên.
Công tác đào tạo nội bộ cũng được xây dựng thường xuyên dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá về thế mạnh, tồn tại, nhu cầu của từng dự án, đơn vị, bộ phận chuyên môn. Qua đây có thể thấy, người lao động “đầu quân” và gắn bó tại Tập đoàn Đèo Cả không chỉ có thu nhập và các chế độ đãi ngộ ổn định, mà về lâu dài còn có cơ hội được củng cố kiến thức, tay nghề và nâng cao hiệu quả công việc, phát triển năng lực nghề nghiệp cho chính bản thân mình.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Ông Ngọ Trường Nam-Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, ở Tập đoàn Đèo Cả, dù trong hoàn cảnh khó khăn, công việc ổn định cùng các chế độ, chính sách đãi ngộ dành cho người lao động luôn được đảm bảo.
Đặc thù hoạt động đầu tư, xây dựng các dự án công trình giao thông, không phải lúc nào mọi công việc cũng trôi chảy thuận lợi. Khi là khó về cơ chế chính sách, khi là bởi vấn đề nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng, khi là do thời tiết không ủng hộ… cản trở hoạt động thi công.
“Thay vì để người lao động tạm nghỉ, cắt giảm lương chờ khó khăn qua đi, Tập đoàn Đèo Cả luôn chủ động khắc phục vượt khó, bố trí công việc phù hợp cho người lao động. Không chỉ là để đảm bảo tiến độ dự án, mà bởi ban lãnh đạo Tập đoàn luôn ý thức về việc gánh trên vai là kế sinh nhai của hàng trăm, hàng ngàn lao động dự án”, ông Ngọ Trường Nam cho biết.
Còn nhớ giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành khiến nền kinh tế chao đảo, mọi hoạt động sản xuất kinh tế trong nước và quốc tế bị xáo trộn, thì guồng máy của doanh nghiệp này vẫn luôn được ban lãnh đạo nỗ lực vận hành.
Có thể khi ấy, nếu ở một doanh nghiệp khác, một dự án nào đó khác, thường trực đối với người lao động là những lo toan về những trang trải sắp tới. Nhưng bởi là người Đèo Cả, hàng ngàn cán bộ, nhân viên, kỹ sư, công nhân vẫn luôn được tạo điều kiện tốt nhất để vững tâm lao động và cống hiến, tận tâm làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhiều giải pháp đồng loạt được thực hiện để đảm bảo thu nhập cho người lao động, mục tiêu là “không ai bị bỏ lại phía sau”.
“Các tích lũy tài chính luôn được dự phòng để doanh nghiệp quản trị rủi ro mà ưu tiên hàng đầu là chế độ cho người lao động. “Nợ lương” hay “cắt giảm lương” là những điều chưa từng có trong hệ thống Đèo Cả...”, ông Nam cho hay.
Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau…
Năm 2024, với những nhiệm vụ mới mà Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục được Nhà nước, các địa phương tin tưởng giao phó, nhu cầu tuyển dụng lao động tại Tập đoàn giao thông này dự kiến lên đến hơn 3.000 lao động trên khắp mọi miền đất nước.
Bên cạnh tuyển dụng, các hoạt động đào tạo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tiếp cận tri thức mới và vận dụng vào thực tiễn công việc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có thể nói, Đèo Cả không chỉ là một môi trường doanh nghiệp lý tưởng để làm việc, đây còn là nơi góp phần “tôi luyện” những thế hệ nhân tài “thực chiến” cho đất nước.
“Dư địa phát triển ngành giao thông ở Việt Nam còn rất lớn, không chỉ ở lĩnh vực đường bộ, phát triển đường sắt đang được Nhà nước chú trọng quan tâm, định hướng triển khai trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Đèo Cả định hướng phát triển mạnh mẽ cả về quy mô doanh nghiệp và các sản phẩm thực mang giá trị thực cho đất nước, mở rộng hoạt động sang lĩnh vực đường sắt, tăng cường hợp tác, tiếp cận và cải tiến khao học công nghệ để đón đầu xu thế”, ông Nam khẳng định.
Theo ông Ngọ Trường Nam, Đèo Cả không chỉ định hướng phát triển lĩnh vực giao thông ở trong nước, mà đang có ý định vươn tầm quốc tế. Mục tiêu đặt ra trước hết để tiến ra biển lớn là đội ngũ nhân sự phải có tầm quốc tế.
"Hiện, có những nhân sự chúng tôi trả lương lên đến 15.000USD/tháng để cùng đồng hành để triển khai các nhiệm vụ hướng đến mục tiêu vươn tầm quốc tế.
Các nhân sự nước ngoài có kinh nghiệm được Đèo Cả mời về làm việc với vai trò chuyên gia ở các lĩnh vực mới mà Tập đoàn quan tâm như: cầu dây văng, đường sắt tốc độ cao, metro, hầm vượt biển…", ông Nam nói.
Theo ông Nam, tính đến hết năm 2023, tổng số nhân sự toàn Tập đoàn Đèo Cả là 7.377 người, tăng 46% so với 31/12/2022 (tương ứng sản lượng công việc tăng 60%).
Riêng năm 2023, Đèo Cả đã tuyển dụng 3.080 nhân sự, tăng 79% so với năm 2022. Trong đó, khối công trường là 2.756 người (chiếm tỷ lệ 90%), khối văn phòng là 324 người (chiếm tỷ lệ 10%).
"Bên cạnh việc tuyển dụng, năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều chuyển, bố trí nhân sự để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, hệ thống các đơn vị.
Trong đó, Đèo Cả sẽ điều chuyển, giải quyết chế độ tại các dự án hoàn thành, gồm: cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (hoàn thành vào tháng 3/2024), đường ven biển Bình Định, cụm Dự án Quảng Ninh... Điều chuyển, tuyển dụng tại các dự án mới như: cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 TP.HCM…", Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả thông tin.
Chia sẻ thêm về chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng tại doanh nghiệp, theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, thời gian qua, Tập đoàn đã có chiến lược đào tạo phát triển toàn diện, từ cấp lãnh đạo, ban chuyên môn đến người lao động.
Các hoạt động đào tạo được triển khai đa dạng với nhiều hình thức, gồm cả nội bộ và kết hợp với đơn vị bên ngoài, cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
“Nhận thức rõ con người là yếu tố quan trọng, chúng tôi thay đổi khái niệm "lán trại hiện trường" thành "văn phòng, nhà ở hiện trường" với cơ sở vật chất trang thiết bị tốt nhất (có điều hòa, bình nước nóng, khu thể thao). Những điều kiện này không chỉ dành cho các cấp quản lý mà từng công nhân cũng được chăm lo để tái tạo sức lao động, tăng hiệu suất làm việc”, ông Nam khẳng định.
Theo ông Nam, việc song hành với công cuộc phát triển của nước nhà thông qua các công trình hạ tầng giao thông, thì chúng ta cần có tinh thần trách nhiệm với xã hội.
“Việc tạo công ăn việc làm với chế độ đãi ngộ xứng đáng, tạo cơ hội để người lao động phát triển chuyên môn nghiệp vụ và gắn bó đồng hành cùng tổ chức. Đây cũng chính góp phần vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội, mang lại cuộc sống an toàn, sung túc cho con người đất nước Việt Nam”, ông Nam chia sẻ.