Hiểu rõ thực phẩm và chế độ ăn cho một sức khỏe tốt

VOV.VN - Bữa ăn gia đình có vai trò vô cùng quan trọng nên cần được đảm bảo, cân đối cả về số lượng và chất lượng.

Theo quan điểm hiện đại, một bữa ăn cân đối là có đủ các nhóm thực phẩm ở tỷ lệ cân đối: nhóm ngũ cốc – chất bột đường, nhóm thực phẩm giàu đạm, nhóm thực phẩm giàu chất béo và nhóm thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất. Trong mùa dịch, ý thức về chế độ ăn cần được nâng cao hơn nữa để tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch.

Nguyên tắc cân bằng dinh dưỡng

Theo Viện Y học Ứng dụng, “Y học hiện đại hay đúng hơn cả là dinh dưỡng học hiện đại (DDYHHĐ) luôn đưa ra lời khuyên nên thực hành một chế độ ăn cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng. Hơn nữa, chế độ ăn uống hợp lý còn cần phải tuỳ thuộc theo tuổi, giới và thể chất của từng đối tượng".

Theo đó, các nhóm thực phẩm cần có tỉ lệ cân đối bao gồm:

+ Nhóm ngũ cốc (năng lượng từ ngũ cốc nên chiếm 55-67% tổng năng lượng khẩu phần, nên ăn thay đổi các loại ngũ cốc khác nhau để làm đa dạng bữa ăn);

+ Nhóm thực phẩm giàu đạm (cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ…);

+ Nhóm chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K…);

+ Nhóm rau, quả (cung cấp vitamin và khoáng chất) giúp cơ thể phát triển và khỏe mạnh, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi.

Mất cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn

Về cơ bản, không có món ăn riêng lẻ nào có thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng mà cần phối hợp, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm. Khi chúng ta sử dụng thiên về một loại, với tần suất liên tục, vô hình trung đã tự làm mất tính cân bằng của các yếu tố dinh dưỡng. Ví dụ như: mì ăn liền – món ăn vẫn được nhiều người coi là không cân bằng khi cung cấp một lượng chủ yếu là tinh bột trong khi các yếu tố khác lại thiếu.

Tuy nhiên, về mặt bản chất, mì ăn liền dù là một thực phẩm ăn nhanh, nhưng vẫn được xem như bữa ăn cơ bản, có thể dùng thay bữa chính. Để cân bằng dinh dưỡng khi ăn mì ăn liền, cần bổ sung các nhóm chất dinh dưỡng còn thiếu qua các thực phẩm ăn kèm như trứng, thịt, rau xanh…. Như vậy, 1 bữa ăn với mì ăn liền vẫn đảm bảo 15-20% nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày cho cơ thể.

Có thể nhận thấy rằng, ăn gì và mất cân bằng dinh dưỡng ra sao là do chính bản thân chúng ta, chứ không phải là do thực phẩm gây ra. Phối hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau chính là cách đem đến bữa ăn dinh dưỡng hoàn hảo.

Thực phẩm có gây nóng trong người hay không?

Người Việt thường có câu cửa miệng là “Thực phẩm này nóng nên ăn ít, đừng ăn thực phẩm kia nóng không tốt”. Vậy thực sự có thực phẩm nóng hay không?

Chuyên gia Viện Y Học Ứng Dụng cho biết thêm “đa số mọi người đánh giá thực phẩm nóng – lạnh dựa theo kinh nghiệm bản thân và mang tính truyền miệng. Thực ra, thực phẩm nóng hay lạnh không đơn thuần dựa vào cảm giác gây cay nóng tại cơ quan khứu giác, vị giác, tiêu hóa…. mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó bao gồm thể trạng, tình trạng chuyển hóa và bệnh tật của mỗi người, cũng như thành phần dinh dưỡng của thực phẩm. Có thể là cay nóng với người này là không tốt, nhưng với người khác lại là bình thường thậm chí là tốt”.

Ở khía cạnh y học hiện đại, nóng trong người không phải là một bệnh, và cũng không có quan điểm hay định nghĩa rõ ràng. Do đó, khó có thể nói thực phẩm là nguyên nhân gây nóng trong. Hiện tượng nóng trong người sau khi ăn ở một số người có thể xuất phát từ chế độ ăn uống không hợp lý. Ví dụ, sau khi ăn các thực phẩm chiên rán như khoai tây chiên, gà rán hay mì ăn liền, nhiều người cảm thấy nóng trong người và đổ lỗi cho những thực phẩm này là nguyên nhân, nhưng thực ra, đó là do họ vừa có một bữa ăn chưa cân bằng về dinh dưỡng: nạp vào quá nhiều chất béo, tinh bột (khoai tây chiên, mì ăn liền), đạm (gà rán) nhưng lại thiếu chất xơ, không có rau xanh, trái cây trong bữa ăn và không uống đủ nước.

Ngoài ra, một số biểu hiện mà nhiều người cho rằng là nóng trong người như mẩn ngứa, mụn nhọt, nóng da, chảy máu chân răng, nhiệt miệng hay nóng da… thì theo chuyên gia đây là những dấu hiệu hoặc triệu chứng mà cơ thể bạn đưa ra để thông báo cho bạn biết có gì đó không ổn hoặc để cảnh báo bạn về những vấn đề sức khỏe sắp xảy ra. Bạn có thể tiến hành ghi chép lại các triệu chứng nóng trong người, đi kèm nhật ký ăn uống, dùng thuốc và đến gặp bác sỹ để tìm ra nguyên nhân thực sự gây ra các ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ thể bạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người Nhật làm ra một thực phẩm “ăn liền” như thế nào?
Người Nhật làm ra một thực phẩm “ăn liền” như thế nào?

VOV.VN - Acecook, một công ty sản xuất mì ăn liền từ Nhật Bản hiện đang chiếm khoảng 50% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam.

Người Nhật làm ra một thực phẩm “ăn liền” như thế nào?

Người Nhật làm ra một thực phẩm “ăn liền” như thế nào?

VOV.VN - Acecook, một công ty sản xuất mì ăn liền từ Nhật Bản hiện đang chiếm khoảng 50% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam.