Bệnh dại ở Thanh Hóa có nguy cơ bùng phát
Sở NN&PTNT Thanh Hóa yêu cầu tất cả chó, mèo vật nuôi không được thả rông, nếu không sẽ bị tịch thu tiêu hủy.
Ngày 22/2, Trung tâm y tế dự phòng Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn vừa có thêm một ca tử vong do bị chó dại cắn. Nạn nhân là ông Phạm Quang Ngọc (52 tuổi), trú thôn Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa.
Người thân cho biết, khoảng giữa tháng 12/2013, ông Ngọc bị một con chó thả rông cắn vào bắp chân. Do không theo dõi kỹ bệnh tình nên đến đầu tháng 2/2014, khi thấy ông Ngọc có biểu hiện rối loạn ảo giác, sợ gió, sợ nước và sốt cao nên mới được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do bệnh quá nặng, ông Ngọc đã tử vong vào ngày 18/2.
Tính cả ông Ngọc, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn Thanh Hóa đã xảy ra 3 trường hợp chết vì bệnh dại. Trước đó, hồi cuối tháng một, người đàn ông 55 tuổi, ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân và bé trai mới 4 tuổi ở xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa cũng đã qua đời vì bệnh dịch nguy hiểm này.
Trước tình trạng bệnh dại có nguy cơ bùng phát cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa vừa gửi công văn đến các địa phương có người tử vong do bị chó dại cắn yêu cầu phải giám sát chặt chẽ tình hình và có các biện pháp phòng dịch triệt để.
Trường hợp chủ vật nuôi không chấp hành tiêm phòng cho chó, mèo thì phải xử lý cưỡng chế tiêu hủy. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia tiêu diệt, tiêu hủy, tiêm phòng cho chó, mèo.
Tất cả chó, mèo trên địa bàn xã phải được nhốt, theo dõi trong thời gian có bệnh dại; tất cả chó, mèo thả rông phải được tiêu hủy. Lập chốt kiểm dịch động vật trên các tuyến giao thông ra, vào khu vực có dịch, trực 24/24g; đặt biển báo khu vực có dịch; nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ chó mèo, sản phẩm chó, mèo tại địa phương…
Hiện Chi cục thú y tỉnh Thanh Hóa đã cấp 1.000 liều vắcxin phòng bệnh dại để tiêm phòng cho đàn chó, mèo và hàng trăm lít hóa chất để tiến hành tiêu độc, khử trùng môi trường tại vùng dịch.
Ông Lê Văn Luận, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa nhận định, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát mạnh trước hết là do tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại đạt quá thấp. Công tác thống kê đàn chó, mèo, một số địa phương làm qua loa dẫn đến tình trạng bỏ sót vật nuôi khi tổ chức tiêm phòng./.