Dịch sởi diễn biến bất ngờ, cha mẹ trở tay không kịp
VOV.VN -Dịch sởi với những diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều địa phương đang khiến nhiều cha mẹ không khỏi lo lắng.
Dịch sởi diễn biến bất thường
Chưa đến 9 giờ sáng, nhưng tại khoa Nhi– Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã đông nghẹt người chờ đến lượt tiêm cho trẻ. Tình trạng quá tải tại khoa Nhi diễn ra trong nhiều tuần qua, số trẻ nằm nội trú thời gian gần đây luôn ở mức trên 100 bé. Vì thế, thường xuyên 4-5 bé nằm chung một giường, đợt cao điểm lên đến 7 bé/giường.
Do phải nằm ghép 4-5 bé/giường, nên nhiều cha mẹ trải chiếu cho con nằm ngoài hành lang bệnh viện. Đến giờ tiêm hoặc uống thuốc, cha mẹ mới cho con trở lại phòng bệnh.
Nhiều cha mẹ trải chiếu cho con nằm ngoài hành lang bệnh viện |
Mệt mỏi sau nhiều ngày chăm cháu nội mới hơn 10 tháng tuổi mắc sởi, bà Phan Thị Mai (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cách đây 5 ngày, trong mắt bé xuất hiện những nốt đỏ. Sau 1 đêm quấy khóc, sốt liên tục, trên cơ thể cháu phát ban đày đặc, kèm biểu hiện ỉa chảy. Giật mình với những dấu hiệu giống bệnh sởi, lúc này gia đình bà Mai mới tức tốc bế cháu vào khoa Nhi-Bệnh viện Bạch Mai để khám.
Theo bà Mai, bệnh sởi diễn biến rất nhanh khiến gia đình bà không kịp trở tay. Tuy nhiên, trường hợp của cháu nội bà vẫn được xem là phát hiện kịp thời, chưa có dấu hiệu biến chứng nặng của sởi. Nên sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện, cháu bé không còn sốt, những nốt ban đỏ trên cơ thể cũng đang dần hết. “Kinh nghiệm chăm mấy đứa con, nên tôi vẫn nghĩ sởi khá lành tính, có thể tự khỏi. Thế nhưng, đến khi cháu nội mắc sởi mới thấy rất nguy hiểm, chỉ lơ là một chút là các cháu có thể gặp những biến chứng khó lường”, bà Mai nói.
Phát ban là một trong những biểu hiện của bệnh sởi |
Sởi lan nhanh do không tiêm phòng vaccine
Mắc sởi vì chưa được tiêm chủng là tình trạng chung của nhiều bé đang điều trị tại khoa Nhi-Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Cháu Phương Anh (2 tuổi) con của chị Phạm Hương Linh (ở Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội) đang điều trị tại bệnh viện sau nhiều ngày có dấu hiệu nghi mắc sởi. Nhìn cơ thể con dày đặc nốt ban đỏ, loét miệng, không ăn uống được, chị Linh không khỏi lo lắng. Chị cho biết: “Do gia đình cũng chủ quan và lo ngại trước những tai biến liên quan đến vaccine nên chưa đưa cháu đi tiêm vaccine phòng chống sởi, nên có thể như thế mà cháu bị nhiễm bệnh”.
Các bác sĩ nhận định dịch sởi ghi nhận đầu năm nay có sự bất thường, bởi căn bệnh này thường gặp ở trẻ trên 9 tháng tuổi. Do ở lứa tuổi này, trẻ vẫn được nhận miễn dịch từ mẹ nên về lý thuyết, ít bị sởi. Chính vì thế, lịch tiêm chủng sởi cho trẻ em cũng bắt đầu từ 9 tháng tuổi trở đi. Trong khi đó, đợt dịch này có cả những trẻ dưới 9 tháng tuổi, thậm chí mới 2,5 tháng tuổi.
Như trường hợp của cháu Quốc Anh (6 tháng tuổi), con của Hương ở Thường Tín, Hà Nội, bị viêm phế quản, nhưng chỉ sau vài ngày thì có dấu hiệu bệnh sởi. Và sau một ngày phát bệnh, từ viêm phế quản chuyển sang viêm phổi rất nhanh và buộc phải chuyển thẳng lên bệnh viện tuyến trên để điều trị.
Các bác sĩ nhận định dịch sởi ghi nhận đầu năm nay có sự bất thường |
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi
Chia sẻ với báo chí, Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, tuy sởi là bệnh lành tính, tùy từng bệnh nhân mà diễn biến nặng hay nhẹ nhưng người dân không nên chủ quan.
Nếu trẻ có biểu hiện sốt, phát ban, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống dưới chân, tay; kèm theo viêm kết mạc mắt; viêm long đường hô hấp thì cha mẹ nên nghĩ đến bệnh sởi.
Khi trẻ đã mắc bệnh, điều đầu tiên là chăm sóc thật tốt dinh dưỡng (ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, uống nhiều nước trái cây), hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa, tắm rửa vệ sinh sạch sẽ cho trẻ (không kiêng tắm như dân gian). Không nhất thiết phải đưa đến viện mà cách ly ở nhà, chăm sóc và theo dõi sát. Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... thì nên đưa con đến ngay bệnh viện để tránh biến chứng nguy hiểm. Nếu cần dùng kháng sinh thì tuyệt đối tuân theo sự chỉ định của bác sĩ.
Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và các biến chứng nặng do sởi gây ra. Bệnh sởi là bệnh rất dễ lây và thường có các biến chứng, do đó khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, chăm sóc và cách ly để hạn chế các biện chứng nặng của sởi và phòng lây nhiễm cho cộng đồng.
Hiện nay phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sởi đã được triển khai thống nhất trên toàn quốc, các bệnh viện tỉnh, huyện đều có thể điều trị bệnh sởi, do đó đối với những trẻ mắc sởi ở các thể nhẹ hoặc các bệnh thông thường khác, các gia đình nên hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên nơi đang điều trị các ca sởi nặng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện./.