Người nghệ nhân Bàu Trúc 50 năm xoay tròn quanh bình gốm
VOV.VN - Nghệ nhân Đàng Thị Phan, gần 70 tuổi, đã đưa hình ảnh gốm Bàu Trúc tới bạn bè trong và ngoài nước.
Với tảng đất sét sông Quao, bà cúi khom lưng, đôi chân trần thoăn thoắt lùi xoay tròn theo chiếc chum sành dựng ngược làm trụ. Trong chốc lát, từng chiếc bình hoa, bát ăn cơm, nồi kho cá, chum đựng nước… hiện ra trọn trịa, tinh xảo, mịn màng… Cứ thế, suốt 50 năm qua, nghệ nhân Đàng Thị Phan theo đuổi cái nghề mà người làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) vẫn nói vui là “nặn bằng tay, xoay bằng mông” này.
Nghệ nhân Đàng Thị Phan đang "quay giật lùi" để làm sản phẩm |
Bà kể, từ năm 18 tuổi bà đã học nghề gốm từ cụ cố nội. Đời bà nội, rồi đến mẹ bà đều gắn bó với gốm Bàu Trúc. Năm 2006, bà tự hào là nghệ nhân gốm Việt Nam duy nhất được sang Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản… trong vòng 2 tháng để thi tay nghề và đoạt giải nhất. Khi đó, cá c nghệ nhân nước ngoài mang tới hội thi nào là những bàn xoay, máy móc cắm điện, thì nghệ nhân Đàng Thị Phan chỉ mang theo đất và chiếc… lược gãy đôi. Thế nhưng, ban giám khảo và du khách quốc tế vô cùng ngỡ ngàng và thán phục tài trình diễn làm gốm có một không hai của người nghệ nhân Bàu Trúc này – tất cả đều làm bằng tay và hoa văn được bà tạo ra từ mẩu lược gãy.
Năm 2000, bà lại mang đất ra Hà Nội “đọ tài” cùng các nghệ nhân của Phù Lãng, Bát Tràng. Thấy các nghệ nhân khác làm gốm bằng bàn xoay, láng gốm hay trang trí hoa văn bằng máy, bà cũng thử áp dụng với đất sét sông Quao nhưng không thành công. Thế nên, bà đúc kết rằng gốm Bàu Trúc chỉ có thể làm thủ công, do đó điều độc đáo là các sản phẩm cho dù cùng một kiểu dáng nhưng chẳng cái nào giống cái nào.
Hoa văn được nghệ nhân tạo ra từ mẩu lược gãy |
Điều đặc biệt ở làng gốm được xem là cổ nhất Đông Nam Á này đó chính là những sản phẩm hầu hết do phụ nữ làm, bởi nghề được truyền theo kiểu “mẫu hệ” của người Chăm. Nghệ nhân Đàng Thị Phan nói rằng, các phụ nữ Chăm yêu nghề của bà, của mẹ mà tự mày mò “học mót” rồi tự sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới, ngoài ra chẳng có sách vở nào dạy làm gốm Bàu Trúc cả. Người nào thực sự yêu nghề mới gắn bó được; thêm vào đó phải có sức khỏe, bởi không phải ai cũng có thể cúi mặt “xoay chong chóng” suốt ngày được.
Đất sét để làm gốm Bàu Trúc cũng rất khó tính. Đạp đất bằng chân và nhồi đất bằng tay chính là bí quyết để mẻ gốm thành công. Nếu không “chiều” được đất, mẻ gốm khi nung lên sẽ nổ như pháo và công sức cũng như vốn liếng của người làm gốm sẽ xuống sông xuống biển. “Thế nên tại sao làng gốm ra đời đã hàng trăm năm mà chẳng ai giàu từ gốm cả, chỉ gọi là gốm cũ đổi gốm mới thôi” – nghệ nhân có nước da rám nắng đặc trưng của người Chăm nói.
Nghệ nhân Đàng Thị Phan có 11 người con, trong đó 3 người con gái, nhưng chẳng ai theo nghề của bà. Bà bảo, thanh niên trong làng ít người mặn mà theo đuổi cái nghề “xoay tròn” này. Làng Bàu Trúc có khoảng 400 hộ dân, nhưng những nghệ nhân có kỹ năng điêu luyện như bà Phan chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà trầm ngâm: “Đời mình trót yêu nghề gốm rồi, chồng mất sớm, nuôi con học đại học cũng bằng gốm, nên cố làm nghề đến khi nào không làm được nữa thì mới nghỉ. Cũng muốn truyền nghề cho con cháu nhưng trẻ không thích, chẳng biết nghề gốm Bàu Trúc sẽ đi về đâu?”.
Trong sân nhà nghệ nhân Đàng Thị Phan bày rất nhiều đồ gốm, từ bộ ấm chén, bình hoa, nồi niêu đến đôi lục bình cao quá đầu người, tòa tháp đậm chất văn hóa Chăm to bằng cả gian nhà với họa tiết cầu kỳ… Tất cả đều được sinh ra từ đôi bàn tay và trí óc tưởng tượng của bà.
Chúng tôi tò mò muốn xem đôi bàn tay suốt 50 năm “lấm đất”, người nghệ nhân xòe đôi tay, cười tươi và khoe: “Đây là đôi bàn tay hoàng quý báu, một ngày nghỉ là không được”. Đúng như bà nói, nếu như người làm ruộng có bao tay bảo hộ, thì làm gốm phải để tay trần. Gần trọn cuộc đời gắn bó với “đất và nước”, nhưng đôi tay tài hoa của bà vẫn đẹp, da dẻ mịn màng, không có dấu hiệu bị nước ăn. Đó chính là điều kỳ diệu mà người nghệ nhân gốm Bàu Trúc này có được.
Đang trò chuyện với chúng tôi, bà có điện thoại. Bà vui vẻ nói có khách Sài Gòn đặt hàng xuất sang Mỹ, Úc, cả Trung Quốc nữa. Họ đặt cọc trước một phần ba tiền để bà mua đất. Khi làm xong lô hàng thô, bà gọi khách đến xem. Nếu ưng sẽ đem nung và họ sẽ thanh toán nốt tiền khi mẻ gốm thành công.
50 năm gắn bó với đất sét nhưng da tay của nghệ nhân Đàng Thị Phan vẫn mịn màng |
Những sản phẩm gốm này đều do bàn tay nghệ nhân Đàng Thị Phan làm nên |
Vừa trò chuyện, người nghệ nhân Chăm lại thoăn thoắt nhào đất, khom lưng “xoay chong chóng” và trong chốc lát, những bát đĩa, nồi kho cá… tròn như đúc khuôn, mịn như láng nước lần lượt ra đời./.