“Hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống sông Hồng”
VOV.VN -Đây sẽ là chủ đề chính của Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2013.
Liên hoan sẽ diễn ratừ ngày 9 – 12/10/2013 tại Cung Thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) nhằm hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013. Đây cũng là dịp để quảng bá thương hiệu và các sản phẩm, dịch vụ du lịch làng nghề truyền thống tiêu biểu; Đồng thời tôn vinh, bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống của Hà Nội và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng, góp phần phát triển làng nghề truyền thống nói riêng và ngành du lịch nói chung. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội về Liên hoan.
P.V: Thưa ông, xin ông cho biết những hoạt động chính sẽ diễn ra tại “Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng 2013”?
Ông Mai Tiến Dũng: Bên cạnh các hoạt động mang tính chất làng nghề, mang tính chất du lịch, chúng tôi tổ chức rất nhiều các hoạt động văn hóa nghệ thuật, biểu diễn văn hóa nghệ thuật cả truyền thống và hiện đại để đáp ứng các nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật khác nhau
Liên hoan sẽ là dịp để quảng bá thương hiệu và các sản phẩm, dịch vụ du lịch làng nghề truyền thống tiêu biểu - Ảnh minh họa (VT) |
Đồng thời Liên hoan còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, khai thác các giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống để tạo sân chơi thực sự cho người dân cũng như khách du lịch đến tham dự.
P.V: Với tính chất là liên hoan về du lịch, như vậy những yếu tố phục vụ du lịch sẽ được khai khác như thế nào để phát huy được hiệu quả thưa ông?
Ông Mai Tiến Dũng: Thứ nhất, phải xác định đây là Liên hoan du lịch làng nghề, do đó, tất cả những gì chúng tôi giới thiệu về làng nghề đều trên góc độ để khai thác và phát triển du lịch còn nếu như chỉ là triển lãm làng nghề nói chung thì có lẽ là cơ quan khác phải chủ trì.
Chúng tôi định hướng rất rõ tổ chức sự kiện này để tôn vinh, giới thiệu rộng rãi các giá trị di sản, không gian làng nghề truyền thống để phát triển du lịch. Như vậy những gì thuộc về làng nghề có thể khai thác, phát triển du lịch thì chúng tôi đặc biệt quan tâm.
Cùng với đó, chúng tôi khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi và các đơn vị sản xuất của làng nghề cố gắng tổ chức trình diễn nghề đồng thời cho khách tham gia một vài công đoạn trong quá trình sản xuất của sản phẩm nghề đó. Qua đó sẽ tạo hứng thú rất cao cho khách du lịch, cho họ cơ hội để trải nghiệm, thậm chí có thể ghi dấu ấn vào trong các sản phẩm cụ thể, ví dụ như vẽ, ký tên vào phôi gốm sau đó đặt nung với thiết bị mini, trong vòng thời gian ngắn có thể cung cấp cho họ sản phẩm đó.
Nếu làm vậy, tôi tin rằng họ sẵn sàng mua sản phẩm đó với giá trị cao hơn so với giá trị của sản phẩm gốm tương tự được làm đồng loạt. Như vậy sẽ tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề, đồng thời cũng là khai thác giá trị làng nghề để phát triển du lịch một cách phù hợp nhất.
P.V: Thưa ông, được biết Liên hoan lần này có sự gắn kết với chương trình kích cầu du lịch thu đông. Ông có thể cho biết một số chương trình ưu đãi mà người dân cũng như khách du lịch tham gia có cơ hội được hưởng?
Ông Mai Tiến Dũng: Trên cơ sở sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp du lịch và đặc biệt là các doanh nghiệp vận chuyển thì mặt bằng giá bình quân của các tour du lịch giảm khoảng 30%.
Nếu người dân mua các sản phẩm, các chương trình du lịch ngay tại các gian hàng của Liên hoan du lịch làng nghề này sẽ còn được giảm thêm từ 10 - 15% nữa. Như vậy, khách đến thăm nếu mua một tour du lịch đi nước ngoài hoặc các địa phương khác thì có thể giảm giá từ 40 45% so với tour du lịch bình thường trước đây họ mua tại doanh nghiệp du lịch.
Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch Việt Nam, cũng như tạo ra thêm giá trị rất thực tế cho người dân và khách đến tham gia vào chương trình du lịch làng nghề lần này.
P.V: Vâng, xin cảm ơn ông./.