“Phổ cập bơi lội vào trường học”: Bao giờ mới xong?

VOV.VN - Mỗi ngày nước ta có 12 trẻ em chết vì đuối nước, bởi thế phổ cập môn bơi lội vào trường học càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Nước ta có hơn 3.200 km bờ biển, 392 con sông lớn chảy liên tỉnh, với tổng chiều dài các con sông hơn 41.000 km và rất nhiều kênh, mương, rạch chằng chịt. Ðó cũng là lý do làm cho trẻ em ở nước ta chết vì đuối nước rất cao.

Tháng 5-2012, Bộ LÐ-TB-XH công bố kết quả "Cuộc khảo sát tai nạn thương tích quốc gia năm 2010". Trong đó, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, với khoảng 4.500 em chết mỗi năm. Tính trung bình, mỗi ngày có 12 em bỏ mạng vì chết đuối.

Trường Tiểu học Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội) đã phổ cập bơi lội cho hơn 400 em học sinh

Trên đây là những con số “biết nói” đáng báo động cho toàn xã hội. Năm 2010, Bộ GD-ĐT ra công văn chỉ đạo các Sở giáo dục triển khai đề án phòng chống đuối nước trong trường tiểu học (giai đoạn 2010 – 2015). Ban đầu, tập trung vào khối lớp 4, sau đó mở rộng cho học sinh khối 3 và 5. Bể bơi được xây dựng trong trường, theo cụm hoặc ở trung tâm các tỉnh, thành phố. Các trường chủ động tổ chức tập huấn cho giáo viên chuyên trách để dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, tình hình vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Mặc dù đề án phòng chống đuối nước của Bộ GD- ĐT rất đáng hoan nghênh, nhưng dường như việc triển khai vẫn mang hình thức tuyên truyền là chính.

Đại diện nhiều Sở GD-ĐT nhất loạt than phiền về những khó khăn trong việc triển khai công tác dạy bơi cho trẻ như đội ngũ giáo viên có chuyên môn bơi, có thể dạy bơi cho trẻ em ở cơ sở giáo dục hầu như không có. Bên cạnh đó, cái khó nhất để thực hiện đề án là kinh phí và diện tích xây bể. Chất lượng giảng dạy ra sao, vệ sinh nguồn nước thế nào cũng là vấn đề cần bàn đến.

Khó nhưng vẫn phải làm

Chúng tôi đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Sinh, hiệu trưởng trường Tiểu học Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội). Đại Áng là một trong những trường tiểu học thí điểm thành công phổ cập bơi. Qua hai mùa hè (năm 2012 và năm 2013), bà Sinh cho biết trường đã phổ cập bơi lội cho hơn 400 em học sinh. Giáo viên dạy bơi lội là giáo viên giáo dục thể chất của trường được cử đi tập huấn.

Lãnh đạo các ban ngành thăm một giờ dạy bơi của Trường tiểu học Đại Áng

Ông Vũ Văn Nhàn – Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội cho hay năm 2012 toàn huyện đã xây dựng được 8 bể bơi trong các trường THCS, tiểu học. Cùng năm ấy, huyện đã triển khai thí điểm việc dạy bơi tại 8 trường THCS và tiểu học với khoảng 800 học sinh tham gia học bơi. Kết thúc mùa hè 2012, đã có gần 600 em học sinh biết bơi đạt tỷ lệ 71,8%.

Ngoài ra, theo văn bản trả lời chính thức của Bộ GD- ĐT về chương trình môn bơi lội năm 2013, tại một số địa phương đã có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất rất lớn cho công tác này (tại Đà Nẵng đã có gần 20 bể bơi mini (6m x 12m) được trang bị cho các trường tiểu học và một số bể bơi tự tạo đặt trên bãi biển; tại Hải Dương đang triển khai đề án giáo dục bơi, hiện tại đã có 18 hồ bơi trong các trường tiểu học và THCS được đưa vào sử dụng). Nhiều cơ sở giáo dục (nhất là ở TP Hồ Chí Minh)  đã phối hợp tốt với ngành văn hóa và cha mẹ học sinh để các em được thực hành bơi ở các bể bơi công cộng, bể bơi do tư nhân xây dựng. Một số địa phương đã có sáng tạo tổ chức dạy bơi theo mô hình dựng lồng bơi tại ao, hồ, sông, suối… tùy theo điều kiện thực tế.

Kết quả trên dù còn khá “khiêm tốn”, nhưng đã phần nào đã cho thấy được rằng hiện thực hóa đề án không phải là không làm được.

Xây dựng đề án phổ cập bơi năm 2013: vẫn phải chờ

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng đề án đưa môn dạy bơi vào chương trình của học sinh tiểu học. Đề án này sự kiến sẽ hoàn thành và trình Chính phủ năm 2014.

Tuy nhiên thời gian, kinh phí để thực hiện thực hóa đề án, đến nay Bộ GD- ĐT vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Từ giấy tờ đến thực tiễn vẫn còn là khoảng cách khá xa, buộc người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Có thể thấy rằng đưa môn bơi vào trường học là một nhu cầu hết sức cấp thiết, đáp ứng được mong mỏi của các em học sinh, các bậc phụ huynh và cũng là mong muốn của toàn xã hội. Bơi lội là kĩ năng sống quan trọng được UNESCO đánh giá cao, đồng thời là môn giáo dục thể chất rất có lợi cho sức khỏe. Triển khai càng sớm đề án đã đặt ra, mới có thể nhanh chóng ngăn ngừa những chuyện đau lòng vì đuối nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát động “Tuần lễ dạy bơi, học bơi” cho thiếu nhi
Phát động “Tuần lễ dạy bơi, học bơi” cho thiếu nhi

10 tỉnh khu vực Bắc miền Trung và đồng bằng sông Hồng được lựa chọn triển khai điểm “Tuần lễ dạy bơi, học bơi” cho thiếu nhi.

Phát động “Tuần lễ dạy bơi, học bơi” cho thiếu nhi

Phát động “Tuần lễ dạy bơi, học bơi” cho thiếu nhi

10 tỉnh khu vực Bắc miền Trung và đồng bằng sông Hồng được lựa chọn triển khai điểm “Tuần lễ dạy bơi, học bơi” cho thiếu nhi.

Dạy bơi miễn phí giúp trẻ phòng chống đuối nước
Dạy bơi miễn phí giúp trẻ phòng chống đuối nước

Từ 6-21/7, các em thiếu nhi sẽ được thực hành những kỹ thuật bơi cơ bản, xử lý tình huống khi đuối nước hoặc cứu người bị đuối nước

Dạy bơi miễn phí giúp trẻ phòng chống đuối nước

Dạy bơi miễn phí giúp trẻ phòng chống đuối nước

Từ 6-21/7, các em thiếu nhi sẽ được thực hành những kỹ thuật bơi cơ bản, xử lý tình huống khi đuối nước hoặc cứu người bị đuối nước

Hải Dương dạy bơi trong trường tiểu học
Hải Dương dạy bơi trong trường tiểu học

Học sinh học bơi trong dịp hè em được các thầy cô giáo hướng dẫn các thao tác, kỹ năng trong bơi lội.

Hải Dương dạy bơi trong trường tiểu học

Hải Dương dạy bơi trong trường tiểu học

Học sinh học bơi trong dịp hè em được các thầy cô giáo hướng dẫn các thao tác, kỹ năng trong bơi lội.