Sát thủ tuổi 17 và nỗi đau người mẹ
(VOV) -Người mẹ mất con, vật vã tại phiên tòa, bà vẫn chưa muốn tin, đứa con trai duy nhất của mình không còn trên cõi đời này.
Bình thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc, dạy dỗ của cha khi mới 6 tuổi. Học hết lớp 11, Bình đã phải lao vào cuộc sống để tự mưu sinh lo cho bản thân mình. Cám dỗ ở “trường đời” đã tạo cho Bình một bản tính lạnh lùng, tàn nhẫn như khi xuống dao giết chết anh Toàn.
Vụ việc xảy ra cách đây chưa đầy 1 năm. Đấy là một đêm tháng 6/2012, tại số 2B Hoa Lư (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng). Do hiểu nhầm nên giữa Bình và Kim Tiến Toàn (SN 1990, xã Liên Hòa, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) và Nguyễn Văn Cường (SN 1990, trú tại xã Thụy Vân, TP Việt Trì, Phú Thọ) xảy ra xô xát.
Bà Tuân không giữ được bình tĩnh khi tòa đọc cáo trạng |
Khi bị Toàn tát một cái vào mặt, Bình đã không do dự rút dao dao gấp trong túi quần đâm liên tiếp 4 nhát vào ngực, bụng, tay và đùi trái Toàn, khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Thấy vậy, Cường quay lưng bỏ chạy nhưng bị vấp ngã, liền bị Bình đâm một nhát vào mông. Hậu quả của vụ xô xát khiến anh Toàn tử vong, còn Nguyễn Văn Cường bị thương tật với tỷ lệ 3%.
Đứng trước hội đồng xét xử, Bình không tỏ vẻ ăn năn hối hận mà vẫn giữ cho mình một khuôn mặt bình thản đến lạ lùng. Bình sẵn sàng đối đáp không một chút băn khoăn những câu hỏi của Hội đồng xét xử.
Nhiều người dự phiên tòa đã phải thay đổi suy nghĩ, phải chăng đấy chính là bản chất thật trong con người Bình, bản chất mà theo như đại diện Viện Kiểm sát tuyên tại phiên tòa là: Côn đồ, hung hãn, cần phải sống tách rời khỏi xã hội trong một thời gian dài.
Khi thẩm phán phiên toà đưa ra câu hỏi: Vì sao khi bị cáo dùng dao để đâm anh Toàn trong khi hoàn toàn có thể đánh trả bằng tay chân. Bình đã không do dự trả lời “Vì anh ấy to hơn”.
Hội đồng xét xử nhấn mạnh: Việc bị cáo dùng dao đâm Toàn, thấy anh Cường bỏ chạy, bị cáo vẫn đuổi theo để đâm thì bị cáo có thấy hành vi của mình thể hiện tính chất côn đồ và hung hãn không. Bình trả lời như cãi: “nhưng các anh ấy đánh cháu trước”.
Với tội giết người khi mới hơn 17 tuổi, Bình bị tòa tuyên mức án 16 năm tù giam. Khác với sự suy sụp tinh thần của người thân, khi nghe tòa tuyên án, Bình nhận án bình thản như chính những câu trả lời của mình tại phiên xét xử.
Nỗi đau người mẹ
“Cô giờ chỉ có một mình biết làm sao, cô đơn lắm cháu ơi!”, giọng của bà Tạ Thị Tuân (SN 1961, TP Việt Trì, Phú Thọ) – mẹ của Kim Tiến Toàn khàn đặc lẫn trong tiếng nấc.
Suốt cả phiên tòa bà Tuân chỉ khóc. Bà khóc vì tất cả niềm hy vọng của mình giờ đã tan vào cõi hư vô. Cứ mỗi lần tòa đọc bản cáo trạng, bản án, bà lại ôm mặt chạy ra ngoài. Bà không muốn tin những gì trong bản cáo trạng là sự thật.
Khi phiên tòa kết thúc, Bình bị dẫn giải lên xe tù, mọi người dự phiên tòa bắt đầu rời phòng xét xử, người mẹ này vẫn cố nán lại, ngồi lặng đi như đang cố níu kéo, đứa con trai duy nhất.
Cuộc đời của người đàn bà nghèo ở miền núi trung du này cũng lắm gian truân. Gần 30 tuổi, bà lập gia đình với một người đàn ông quê ở Hải Dương. Năm 1991, bà sinh con trai và đặt tên là Kim Tiến Toàn.
Nhưng khi Toàn lên 3, người đàn ông mà Toàn gọi bằng cha đã rời bỏ mẹ con Toàn. Bà vẫn một mình tần tảo nuôi con với niềm hy vọng về chỗ dựa tinh thần lúc tuổi xế chiều. Toàn cũng không phụ công nuôi dưỡng của mẹ.
Toàn chịu thương chịu khó, chu toàn cuộc sống với vai trò của một người đàn ông trụ cột trong gia đình. “Cháu nó ngoan lắm, rất thương và nghe lời mẹ”, ông Ngự - bác ruột của Toàn chia sẻ.
Thương mẹ sống khổ cực, sửa sang lại ngôi nhà, Toàn quyết xuống Hà Nội đi làm thuê, vừa đỡ đần cho mẹ, vừa kiếm tiền trả nợ. “Mới xuống Hà Nội được khoảng hai năm, vậy mà….”, giọng người mẹ đứt nghẹn.
Kể từ ngày Toàn bị sát hại, bà mất ăn mất ngủ, khóc suốt ngày đêm, chứng bệnh về thần kinh lại hành hạ bà.
Nỗi đau tinh thần, thể xác dày vò bà kể từ ngày đứa con trai duy nhất của mình ra đi, nó đeo đẳng cho đến tận phiên tòa ngày hôm nay, nhưng điều khiến những người dự phiên tòa xúc động là trong tim của người mẹ mất con không có chút nào sự nhẫn tâm.
Trước phiên tòa, bà Tuân đã xin giảm nhẹ hình phạt cho kẻ đã cầm dao sát hại con mình. Có lẽ với cái tâm của một người mẹ, bà hiểu, những người thân của Bình giờ đây cũng rất đau khổ khi đứa con mới mười tám, đôi mươi của mình phải rơi vào vòng lao lý, sống trong cảnh tù tội.
Giờ đây, trong căn nhà mới sửa sang ấy, một người mẹ mà cả cuộc đời chưa thoáng một chút niềm vui, đang phải sống trong nỗi đơn côi. Không biết đến bao giờ, người mẹ này mới vơi bớt được nỗi đau./.