Trời nắng nóng, nhiều trẻ em nhập viện
(VOV) - Riêng Bệnh viện Nhi TW, mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp từ 2.500-3.000 trường hợp tới khám và điều trị.
Mấy ngày nay, nắng nóng diễn ra trên diện rộng từ các tỉnh miền Bắc tới miền Trung khiến đời sống và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Tại nhiều nơi, nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ làm gia tăng đột biến số bệnh nhi nhập viện điều trị do mắc các bệnh sốt, phát ban, ngộ độc thực phẩm.
Tại Nghệ An, một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đợt nắng nóng, số người đến bệnh viện khám và điều trị tại các bệnh viện tăng đột biến, nhiều nơi xảy ra tình trạng quá tải. Tại Bệnh viện Nhi, hai ngày nay số ca đến khám và điều trị tăng từ 130 đến 140% so với ngày thường. Nắng nóng khiến nhiều trẻ nhập viện do bị sốt, tiêu chảy, sốt virus, cảm cúm, ngộ độc thức ăn, tai nạn đuối nước.
Bác sĩ Trần Văn Cương, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Nghệ An nói: “Quá tải thì có, nhưng các khoa phải bố trí thêm giường, cắt cử kíp trực ngoài giờ, khi trẻ điều trị đỡ rồi thì cho điều trị tại nhà. Cố gắng giảm thời gian nằm viện, chỉ trường hợp nặng phải nằm viện. Bệnh nhân ở gần thành phố cho điều trị tại nhà để đỡ vất vả.”
Các bệnh nhi nhập viện vì nắng nóng (ảnh: phapluatvn) |
Tại các tỉnh miền Bắc, số lượng bệnh nhi nhập viện do nắng nóng cũng tăng đột biết so với ngày thường.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương trong mấy ngày nắng nóng, trung bình mỗi ngày Khoa khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận từ 2.500 tới 3.000 trường hợp tới khám và điều trị các bệnh viêm họng, viêm phế quản, hen, tiêu chảy...
Tại Vĩnh Phúc nắng nóng, oi bức, cộng với việc cắt điện sinh hoạt, nhiều trẻ em tại tỉnh Vĩnh Phúc phải nhập viện điều trị. Còn tại Bắc Giang, mặc dù số bệnh nhi đến khám tăng không nhiều, nhưng những ngày nắng nóng vừa qua có tới 70% số trẻ nhập viện do sốt phát ban, sốt co giật. Điều đáng nói là nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa có kiến thức về chăm sóc cho trẻ trong thời tiết nắng nóng.
Bác sĩ Đồng Xuân Sắc, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang nói: “Khi có trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 1 tuổi nên tránh ra ngoài đường vào giờ nắng nóng cao điểm. Nếu ra ngoài trời nắng thì nên có phương tiện che chắn cho trẻ. Thứ hai, khi trẻ bị sốt, bậc phụ huynh phải có kiến thức về cấp cứu ban đầu cho trẻ. Và mùa hè nóng, da trẻ mỏng, mất nước nhanh, cha mẹ cần bù đủ nước cho trẻ và cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng. Đồng thời đi tiêm phòng cho trẻ phòng tránh bệnh trong mùa hè”.
Theo dự báo, thời gian tới sẽ còn có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, số người nhập viện tăng. Do vậy, người dân cần chủ động các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và gia đình, đặc biệt là với người già và trẻ em.
Các bác sĩ khuyến cáo không nên đi ra ngoài đường lúc trời quá nóng, sử dụng quạt, điều hòa nhiệt độ khoa học, hợp lý. Nếu có biểu hiện bất thường về sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được điều trị, không nên tự điều trị tại nhà, có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng./.