Lễ hội Bánh mì Việt Nam tại TP.HCM: Lễ hội hay hội chợ?
VOV.VN - Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM thu hút được rất nhiều người dân, du khách tham quan. Tuy nhiên, sau khi kết thúc, lễ hội nhận được nhiều lời chê hơn khen, bởi một sự kiện tôn vinh món ăn quốc dân chẳng khác nào một hội chợ.
Lễ hội như khu ẩm thực tổng hợp!
“Hội chợ chứ không phải lễ hội”,“không gian trải nghiệm bị chia cắt, chật chội”, “giá bán đắt hơn tại cửa hàng”… Đây là những phản hồi của rất nhiều người sau khi trải nghiệm sự kiện Lễ hội bánh mì Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM vào cuối tuần qua.
Anh Thái Duy Thọ, một người dân ngụ TP. Thủ Đức cho biết, anh đã rất háo hức để bụng đói đến tham gia lễ hội, nhưng thực tế diễn ra khiến anh thất vọng, vì mọi thứ khác rất xa so với những gì anh đã nghĩ: “Lễ hội bánh mì thì khiến tôi thất vọng nhiều hơn là kỳ vọng của mình. Do lượng khách quá là đông nên lúc tôi đến nhiều sạp hàng hết bánh mì, không gian thì chen lấn và chất lượng bánh cũng tệ hơn. Cũng dễ hiểu vì lượng khách quá đông cho nên thực phẩm chế biến không được chỉnh chu. Ngoài ra, tôi thấy giá bánh mì ở trong lễ hội cũng đắt hơn so với giá bán ở ngoài cửa hàng”.
Không chỉ phàn nàn về không gian, khâu tổ chức, sắp xếp các gian hàng lộn xộn nhiều ý kiến còn phản ứng gay gắt khi “lễ hội bánh mì” cũng bày bán những mặt hàng chẳng liên quan như: mắm, trầm hương, yến sào. Thậm chí có cả những món ăn du nhập từ các quốc gia khác. Chính điều này làm “chiếc bánh mì” được tôn vinh trong lễ hội trở nên lu mờ.
Chị Hồ Thị Hà Nội (ở quận Bình Thạnh) cho rằng: “Ở đây tôi thấy số lượng lẻ tẻ đủ thử gian hàng khác nhau. Có cả gian hàng các loại đồ ăn thức uống, gian hàng thuốc thang, rồi đồ gian hàng đồ ăn Hàn Quốc nữa,… Không gian lễ hội như một khu ẩm thực tổng hợp, không có định vị được văn hóa, bánh mì Việt Nam. Do đó, khi tôi bước vào Lễ hội, tôi cảm thấy hình ảnh bánh mì - chủ thể chính của sự kiện bị lu mờ bởi các thành tố khác”.
Xuyên suốt lễ hội là những cuộc mua bán
Theo Thạc sĩ Đặng Thị Kim Chi - Giảng viên bộ môn Tổ chức sự kiện, trường Đại học Văn Lang, Lễ hội Bánh mì lần đầu tiên tổ chức nhận được nhiều lời “chê” hơn lời khen vì không gian lễ hội bị phân mảnh thành các khu riêng biệt ở hai bên Nhà văn hóa Thanh niên. Mặt khác, các hoạt động của lễ hội tập trung chủ yếu ở 2 ngày đầu, những ngày còn lại thiếu hoạt động hấp dẫn, thiếu tính hội hè, thiếu hoạt động vui chơi, trải nghiệm tương tác. Xuyên suốt sự kiện chỉ là những cuộc mua - bán, hoặc nếu có phát bánh mì miễn phí thì công chúng cũng phải đánh đổi bằng thông tin cá nhân khi phải bắt buộc tải một vài ứng dụng trên điện thoại.
Góp ý cho Lễ hội bánh mì, bà Đặng Thị Kim Chi cho rằng, nên tổ chức ở một không gian rộng như sân vận động Hoa Lư (Quận 1) hay Công viên khu du lịch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) sẽ phù hợp hơn so với Nhà văn hóa Thanh niên. Từ không gian này sẽ bố trí thành 3 khu vực tương ứng với 3 miền của nước ta.
“Ở miền Bắc có bánh mì Hà Nội rất nổi tiếng, miền Trung có bánh mì Hội An và miền Nam có bánh mì Sài Gòn. Lễ hội nên có nhiều hoạt động để công chúng vui với nhau hơn, có nhiều trò chơi, hoạt động tương tác hơn. Ví dụ như cho công chúng tham gia, trải nghiệm công đoạn nhào bột bánh hay nướng bánh mì chẳng hạn. Đây là những hoạt động mà những người tham dự có thể tham gia vào, đồng thời biến họ thành một phần của lễ hội. Chứ không đơn thuần để họ chỉ là thực khách đến mua bánh mì và ăn” - bà Đặng Thị Kim Chi nói.
Không thể phủ nhận Lễ hội bánh mì Việt Nam lần đầu tiên đã thành công về mặt truyền thông, khi thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người dân và khách du lịch. Tuy nhiên, tổ chức lễ hội mà nhộn nhạo như hội chợ thì khó có thể giúp giá trị thương hiệu bánh mì Việt bay xa hơn./.