Bảo tồn bền vững Khu dự trữ sinh quyển Langbiang
VOV.VN - Khu dự trữ sinh quyển Langbiang ở tỉnh Lâm Đồng (Đà Lạt) không chỉ có giá trị về sinh học mà còn có giá trị lớn về du lịch và văn hóa.
Từ tháng 8/2013, tiến trình xây dựng hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Langbiang, tỉnh Lâm Đồng đã chính thức bắt đầu với các văn bản, quyết định đồng ý của UBND tỉnh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng như của Ủy ban UNESCO Việt Nam.
Đến nay, sau 1 năm, các bước thực hiện đã cơ bản hoàn tất, để theo kế hoạch đến cuối tháng 9 này, tỉnh Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ có một hồ sơ hoàn thiện, hướng tới Khu dự trữ sinh quyển thứ 9 được UNESCO công nhận.
Giá trị cốt lõi của khu sinh quyển Lang Biang
Cao nguyên Langbiang có vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, một trung tâm đa dạng sinh học của cả nước, đứng đầu danh sách ưu tiên cao về bảo tồn đa dạng sinh học cấp quốc gia. Đây là vùng bảo tồn nguồn gen phong phú với nhiều loài động, thực vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và danh mục Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế. Đây cũng là địa danh nổi tiếng trong nước về cảnh quan, các giá trị đa dạng sinh học và không gian văn hóa bản địa phong phú.
Theo GS.TS Nguyễn Hoàng Trí - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, khu sinh quyển muốn dự trữ thành công, đều phải căn cứ vào mục tiêu cuối cùng là hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Ông khẳng định những khu nào thất bại tức là đã tách con người ra khỏi thiên nhiên, thiên nhiên không được con người bảo tồn và sử dụng đúng mục đích tức là bảo tồn không gắn với phát triển và phát triển cũng không hỗ trợ cho bảo tồn.
Thực tế, số liệu của các đoàn chuyên gia khảo sát thực hiện hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Langbiang cho thấy, Langbiang đã đóng góp khoảng 80% vào tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu theo chiều sâu ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, 50% nguồn thu nhập người dân có được là từ nhận khoán và bảo vệ rừng, bảo tồn càng nhiều thì người dân lại càng được lợi.
Theo ông Võ Chí Trung - chuyên viên Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam, thành viên đoàn khảo sát thực hiện Hồ sơ Langbiang, khi đã đạt được điều này, chính người dân sẽ là tai mắt đắc lực nhất trong công tác bảo vệ rừng, phát hiện lâm tặc. Giá trị cộng đồng tham gia chính là giá trị đầu tiên mà bảo tồn đem đến cho người dân tại Langbiang.
Giá trị thứ hai mà tỉnh Lâm Đồng chuẩn bị đệ trình UNESCO là giá trị bảo tồn đa dạng sinh học với là các loài cây và động vật quý hiếm ở cấp độ thế giới như thông hai lá dẹt, trầm hương, thông Đà Lạt, chim Mi Langbiang…
Giá trị cốt lõi thứ 3 là sự kết nối văn hóa với thiên nhiên. Cũng theo GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, một không gian văn hóa cũng cần đến một không gian đa dạng sinh học xung quanh. Bởi khi đánh một tiếng cồng, tiếng chiêng, nó sẽ vang vọng qua các vách núi, các tán cây và dội lại. Đây gọi là không gian văn hóa của văn hóa cồng chiêng. Vì thế, Việt Nam đề cử khu này tức là đề cử sự giao thoa ấy chứ không phải tách riêng văn hóa, con người khỏi tự nhiên và ngược lại.
Có ý nghĩa với phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng
TS. Phạm S - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng khẳng định việc xây dựng hồ sơ Khu sinh quyển Langbiang còn có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường. Ông cho rằng việc thực hiện hồ sơ này sẽ giúp bảo vệ sự đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa của Tây Nguyên và Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định 704 ngày 12/5, điều chỉnh quy hoạch thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Do đó, khi thực hiện hồ sơ Lang Biang, sẽ góp phần giúp phát triển kinh tế, du lịch, nghiên cứu khoa học, bảo tồn văn hóa, cũng như thu hút các chương trình hợp tác quốc tế, phục vụ du lịch chất lượng cao.
Sau 8 khu dự trữ sinh quyển được công nhận ở Việt Nam, Lâm Đồng đã thu nhận được nhiều bài học và kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ, lộ trình đệ trình hồ sơ. Theo kế hoạch, từ nay đến 25/9, tỉnh Lâm Đồng sẽ hoàn thiện hồ sơ bằng bản tiếng Anh và tiếng Việt để gửi UNESCO Việt Nam rồi UNESCO khu vực tại Jakarta (Indonesia) và Paris (Pháp). Tuy nhiên, trong quá trình thực, hiện địa phương chưa cảm thấy hài lòng nên phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền cho cộng đồng dân cư trong khu vực để du khách trong nước và quốc tế biết đến Khu dự trữ.
Vẫn còn bài học phải khắc phục
Năm nay, Bộ VHTT&DL chọn tỉnh Lâm Đồng để đăng cai Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên, Đà Lạt. Tuy nhiên, việc lồng ghép các chương trình này cũng chưa đảm bảo. TS. Phạm S khẳng định nội dung lộ trình chiến lược cũng cần phải hoàn thiện hơn để đảm bảo mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát triển, phát triển để bảo tồn, hướng đến phục vụ kinh tế bền vững.
Thời gian qua, Việt Nam đã làm tốt các công tác ở phần lớn các khu dự trữ sinh quyển, nhưng vẫn còn khu thực hiện chưa tốt. Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban đã có những công văn, thông báo đề nghị địa phương làm tốt hơn. Nhưng thực tế, công văn chỉ là một chuyện, bởi điều quan trọng nhất chính là ý chí chủ quan của lãnh đạo địa phương và nhận thức người dân chưa đúng, chưa hiểu được việc bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển chính là một công cụ để phát triển địa phương và cải thiện đời sống.
Vì thế, UNESCO đã ra thời hạn cứ 10 năm, các khu dự trữ sinh quyển lại gửi báo cáo đánh giá lại một lần. Đây sẽ là những dịp để các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam và trên toàn thế giới nhìn lại mình và khắc phục những gì đã làm được và chưa làm được./.