Du lịch Cao Bằng khởi sắc sau Covid-19
VOV.VN - Nhờ có sự chủ động và tích cực chuẩn bị từ khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, du lịch Cao Bằng đã có nhiều khởi sắc khi dịch được kiểm soát và các hoạt động kinh tế, văn hóa bình thường trở lại.
Từ đầu quý II đến nay, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó đã đón khoảng 200 nghìn lượt khách, bằng cả năm 2019. Ông Đào Văn Mùi, Giám đốc Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng cho rằng: Kết quả này có được một phần do đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát như cải tạo cảnh quan, bố trí khu vực trò chơi dân gian, củng cố hệ thống thuyết minh hiện vật... Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều sự kiện văn hóa, triển lãm cũng đã được tổ chức góp phần thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.
“Từ tháng Tư đến nay lượng khách luôn ổn định với nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm di tích nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là chúng tôi đón nhiều đoàn khách từ các tỉnh miền Nam. Năm 2022, chúng tôi dự kiến có thể đón từ 250-300 ngàn lượt khách, cao hơn so với năm 2019 là thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát”, ông Mùi cho biết.
Còn tại khu du lịch thác Bản Giốc, từ đầu năm đến nay đã có hơn 250 ngàn lượt khách tham quan, tăng 12% so với cả năm 2021. Dự kiến, con số này sẽ còn tăng cao trong tháng 10 này, thời điểm Lễ hội Thác Bản Giốc và cũng là thời điểm sông Quây Sơn, Thác Bản Giốc và non nước Trùng Khánh được đánh giá là đẹp nhất trong năm. Để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu du khách, Ban Quản lý Khu du lịch thác Bản Giốc đã sửa chữa, nâng cấp các bãi đỗ xe, điểm thu phí và hệ thống cầu, đường dẫn khang trang, sạch sẽ đến tận sông Quây Sơn. Khu du lịch cũng tổ chức lại hệ thống hàng quán, điểm dừng nghỉ, nhà vệ sinh công cộng và đưa vào khai thác một số dịch vụ mới.
Từ vài tháng qua, tiếng đàn tính với những điệu then về quê hương Cao Bằng của ông Nông Kim Tướng, một người dân xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy luôn để lại ấn tượng đẹp với du khách du khách khi đến Bản Giốc. Nghệ nhân hát Then đàn tính được bố trí biểu diễn tại một địa điểm phù hợp để du khách tìm hiểu những nét đặc sắc của văn hóa đồng bào Tày, Nùng nơi đây. Ông Nông Kim Tướng chia sẻ:“Tôi vừa làm ruộng, hát đàn tính phục vụ du khách. Khi đồng áng bận thì ở nhà làm đồng áng, khi không bận thì lại ra đây hát cho khách du lịch. Họ thích nghe bài Tày thì hát tiếng Tày, muốn nghe tiếng Kinh tôi cũng có thể biểu diễn được. Chủ yếu các bài do tôi tự sáng tác. Khách nghe cũng đông lắm, họ hào hứng lắm, họ chủ yếu thích bài về Cao Bằng”.
Đến với Cao Bằng mùa du lịch này, du khách có thể trải nghiệm khám phá Động Ngườm Ngao nhánh mới Bản Thuôn; check in tại các danh thắng đẹp như Mắt thần núi; đỉnh Phia Oắc hay nhấm nháp hương vị hạt dẻ Trùng Khánh thơm bùi trên tuyến phố đi bộ ven sông Bằng… Ông Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Cao Bằng cho biết: Nhờ sự chủ động và tích cực chuẩn bị từ khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay Cao Bằng đã đón khoảng 736 ngàn lượt khách, tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động du lịch của Cao Bằng đã có phục hồi khá nhanh chóng. Các hoạt động phục hồi thì theo Kế hoạch của UBND tỉnh Cao Bằng có khoảng 60 hoạt động, qua rà soát thì tất cả các nội dung đó như là tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch, cải thiện cảnh quan môi trường ở các điểm du lịch, cũng như công tác nâng cao năng lực, nguồn nhân lực du lịch…đã được các đơn vị, địa phương làm khá tốt và cơ bản theo đúng lộ trình đề ra”, ông Vinh nói.
Lãnh đạo Sở VH, TT&DL Cao Bằng cũng tiết lộ kế hoạch "làm mới" các sản phẩm du lịch của địa phương trong ngắn hạn và trung hạn như hoàn thiện 4 tuyến trải nghiệm công viên địa chất non nước Cao Bằng; Đưa làng du lịch cộng đồng Hoài Khao (huyện Nguyên Bình), làng văn hóa Khuổi Khon (huyện Bảo Lạc) vào hoạt động cùng các tour, tuyến và các dịch vụ du lịch mới.
Du khách đến với Cao Bằng tăng nhanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát là những tín hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch địa phương, giúp cho mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong 3 mũi nhọn kinh tế của tỉnh Cao Bằng sớm trở thành hiện thực./.