Du lịch miền Tây gắng gượng phục hồi sau "hiệu ứng domino" do Covid-19

VOV.VN - Để phục hồi hoạt động sau đại dịch Covid-19, sự đồng hành giữa phát triển nông thôn và du lịch sẽ mang lại nhiều lợi ích, vừa mở rộng đầu ra, khẳng định thương hiệu cho nông sản, vừa tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân.

Hội thảo “Phục hồi và phát triển du lịch nông thôn tại đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức bởi Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã chỉ ra nhiều thách thức mà du lịch nông thôn tại miền Tây đang phải đối mặt.

Bà Phạm Thị Ngọc Trinh – Phó Giám đốc công ty Mekong Travel và Homestay Út Trinh (Vĩnh Long) cho biết kể từ tháng 3/2020, mọi hoạt động của đơn vị dừng lại, doanh thu quay về con số 0, trong khi chi phí lương nhân viên, dịch vụ, mặt bằng, bảo dưỡng tàu và quản lí các homestay vẫn phải chi trả. Nhưng rồi dịch bệnh cứ bùng phát hết đợt này đến đợt khác, đơn vị ngừng hẳn hoạt động để nhân viên đi tìm việc làm mới.

"Chúng tôi không thể thu hồi nợ từ các đối tác, họ cũng không thể thu nợ từ các hãng lữ hành. 'Hiện tượng domino' đã xảy ra, chúng tôi nợ thuế, nợ bảo hiểm, liên tục nhận giấy báo nợ và phạt lãi đóng chậm, nguy cơ bị thu hồi giấy phép kinh doanh, phong tỏa tài khoản công ty… Tôi phải lấy quỹ dự phòng ra để thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên, quỹ dự phòng cũng đã cạn kiệt, chúng tôi phải vất vả kiếm sống bắng nhiều cách khác nhau" – bà Trinh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Bích (Công ty Mekong Rustic và Crystal Holidays) cho rằng thiếu hụt nguồn nhân lực sau đại dịch Covid-19 cũng là thách thức lớn với du lịch nông thôn tại miền Tây. "Tình trạng di dân tại đây cao gấp 3-4 lần các vùng khác, gây ra thiếu lao động ở vùng nông thôn và thiếu lao động cho ngành du lịch; nhất là sau Covid-19 khi lao động ngành du lịch bị mất việc 2 năm và không được hỗ trợ". Đó là chưa kể ngành du lịch đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm qua đối mặt với hàng loạt thách thức như biến đổi khí hậu, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, tình trạng kiên cố hóa nông thôn khiến hệ thống chợ nổi phai nhạt…

Trong quá trình triển khai du lịch nông thôn, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong việc vận hành, quản lý và đặc biệt là duy trì và thu hút khách du lịch. Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết nhiều nơi du lịch nông thôn chỉ manh nha, chưa có dấu ấn rõ ràng: "Khách mới chỉ đến miền Tây trải nghiệm sông nước, nhưng giá trị ở đây là chiều sâu văn hóa chứ không chỉ là cảnh quan. Thực tế là đồng bằng sông Cửu Long cũng có rất nhiều vùng sinh thái, các dân tộc và truyền thống canh tác khác nhau". Ông Lê Thanh Tùng cho rằng nếu các sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, trái cây, thủy sản… chỉ đơn thuần là lương thực, thực phẩm, nhưng nếu kết hợp cùng du lịch thì nông sản được nâng cao giá trị, khi gắn với bản sắc văn hóa, đời sống người dân địa phương.

Đồng quan điểm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh phát triển du lịch nông thôn bền vững cần đến sự chung tay của nhiều bên tham gia. Cùng với việc xây dựng chiến lược, chính sách, hỗ trợ tài chính của các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ, nhận thức và sự hưởng ứng của cộng đồng, sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch là hết sức cần thiết. Du lịch nông thôn góp phần bảo tồn bản sắc cho cộng đồng, tính độc đáo của điểm đến và đa dạng sản phẩm du lịch; vừa mở rộng đầu ra cho nông sản, vừa góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc thù vùng miền; đồng thời góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về xây dựng nông thôn mới, như tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân.

Để hỗ trợ phục hồi hoạt động du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long, bà Phạm Thị Ngọc Trinh cho biết các doanh nghiệp rất cần được vay vốn không lãi suất để sửa chữa tàu bè, nâng cấp homestay, đào tạo thu hút lại nhân sự đang thiếu: "Chúng tôi thật sự không còn đồng vốn nào để tái đầu tư, mà đi vay cũng không được vì công ty chỉ có mấy chiếc tàu là tài sản di động không thể thế chấp, mà ngân hàng thương mại nào nghe đến du lịch cũng đều từ chối hết".

Theo bà Trinh, chính quyền địa phương cần tạo thuận lợi để du khách nội địa đủ điều kiện đến Vĩnh Long tham quan trải nghiệm, ngủ homestay, chi tiêu và mua sắm đặc sản địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân. Gần đây Út  Trinh homestay (Vĩnh Long) đã đón một số đoàn khách nội địa theo nhóm nhỏ, trải nghiệm nghỉ ngơi, câu cá, làm vườn, hái trái cây tuy nhiên các điểm tham quan chưa mở cửa. Ngoài ra người dân và cơ sở kinh doanh du lịch rất cần được tập huấn về phòng chống dịch Covid-19, cũng như đào tạo miễn phí nghiệp vụ du lịch. Các doanh nghiệp cũng hi vọng cơ quan nhà nước "gánh vác" việc quảng bá xúc tiến, tổ chức các đoàn famtrip và thu hút khách du lịch quay trở lại.

Theo kinh nghiệm của phía Thái Lan, bà Wanvipa Phanumat - Giám đốc Văn phòng Phát triển du lịch cộng đồng thuộc DASTA (cơ quan quản lý các khu du lịch bền vững ở Thái Lan) cho rằng trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch Covid-19, người dân và doanh nghiệp làm du lịch nông thôn cần phải tổ chức tiếp thị trực tuyến, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng trên mạng Internet. Quan trọng hơn, các cơ sở du lịch nông thôn cũng phải tuân theo một quy trình an toàn đạt chuẩn để du khách yên tâm quay lại, giống như tiêu chuẩn SHA Plus mà chính phủ Thái Lan đang triển khai tại nước này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đan Phượng thúc đẩy du lịch nông nghiệp và giáo dục học đường
Đan Phượng thúc đẩy du lịch nông nghiệp và giáo dục học đường

VOV.VN - Huyện Đan Phượng đang hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch truyền thống, thân thiện với môi trường, hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu để thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đan Phượng thúc đẩy du lịch nông nghiệp và giáo dục học đường

Đan Phượng thúc đẩy du lịch nông nghiệp và giáo dục học đường

VOV.VN - Huyện Đan Phượng đang hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch truyền thống, thân thiện với môi trường, hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu để thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới ở Quảng Ninh
Du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới ở Quảng Ninh

VOV.VN - Về xã Việt Dân (Đông Triều, Quảng Ninh) hôm nay, nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng bởi đời sống người dân sung túc, cảnh quan khang trang, sạch đẹp.

Du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới ở Quảng Ninh

Du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới ở Quảng Ninh

VOV.VN - Về xã Việt Dân (Đông Triều, Quảng Ninh) hôm nay, nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng bởi đời sống người dân sung túc, cảnh quan khang trang, sạch đẹp.

Tây Ban Nha hướng khách về nông thôn thay vì du lịch biển
Tây Ban Nha hướng khách về nông thôn thay vì du lịch biển

VOV.VN - Chính phủ Tây Ban Nha hi vọng khách du lịch sẽ cứu vãn những ngôi làng đang "chết dần" vì suy giảm dân số.

Tây Ban Nha hướng khách về nông thôn thay vì du lịch biển

Tây Ban Nha hướng khách về nông thôn thay vì du lịch biển

VOV.VN - Chính phủ Tây Ban Nha hi vọng khách du lịch sẽ cứu vãn những ngôi làng đang "chết dần" vì suy giảm dân số.