Du lịch Tây Bắc sẵn sàng cho ngày mở cửa
VOV.VN - Các địa phương Tây Bắc đã sẵn sàng cho ngày mở cửa, chào đón du khách quốc tế đến chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng bản sắc văn hóa lâu đời của các tộc người bản địa, sau hơn 2 năm đình trệ vì dịch Covid-19.
Khách sạn Amazing ở Sa Pa (Lào Cai) đang mong chờ ngày mở cửa vì phân khúc khách quốc tế chiếm tới 80% doanh thu của đơn vị này. Ngoài trang hoàng cơ sở vật chất, khách sạn cũng chủ động phán đoán tình hình để kiện toàn lại nhóm nhân sự cấp cao, ngoại ngữ tốt vì hơn một nửa trong số đó thời gian qua đã phải chuyển đổi việc làm do Covid-19.
Ông Đỗ Khắc Hiếu, cán bộ phụ trách kinh doanh tại khách sạn Amazing chia sẻ: "Chúng tôi cũng đang cố gắng chốt lại giá với các doanh nghiệp đón khách quốc tế. Nhân sự thì khách sạn đã bắt đầu tuyển dụng lại từ trước Tết, trên quan điểm bổ sung dần dần, vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa bảo đảm doanh thu và chất lượng của khách sạn".
Theo ông Vương Trinh Quốc - Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, suốt thời gian dịch Covid-19 bùng phát, địa phương không hề tuyên bố đóng cửa du lịch nên vẫn có lượng nhỏ khách quốc tế hiện sinh sống, làm việc tại Việt Nam tìm đến.
Trải qua thăng trầm cũng là cơ hội giúp Sa Pa nhìn lại và hoàn thiện mình. Từng là điểm ghé chân của du khách đến từ 74 quốc gia trên khắp thế giới, đỉnh điểm với hơn nửa triệu lượt khách quốc tế tham quan năm 2019, Sa Pa tràn trề hy vọng khi Việt Nam mở cửa, đặc biệt là mùa cao điểm khách inbound vào cuối năm nay.
Ông Vương Trinh Quốc nói: "Thị xã cũng đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng, về các sản phẩm du lịch, không gian phát triển du lịch không chỉ ở khu vực trung tâm mà cả ở vùng ven, nơi có thế mạnh về du lịch cộng đồng; đồng thời phát triển, bảo tồn các nét văn hóa để du khách sau 2 năm trở lại sẽ thấy được sự khác biệt, được trải nghiệm các sản phẩm mới, có ấn tượng mới đối với Sa Pa".
Tương tự như Lào Cai, tỉnh Sơn La cũng đã sẵn sàng cho sự kiện mở cửa du lịch. Sở hữu 3 cửa khẩu giáp Lào, cao nguyên Mộc Châu thơ mộng khí hậu ôn hòa suốt 4 mùa, cùng vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, Sơn La quyết tâm phát huy tối đa thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu đón 500.000 lượt khách quốc tế từ nay đến năm 2025.
Ông Trần Xuân Việt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: "Sơn La đã chủ động đi trước đón đầu. Cụ thể như tổ chức chương trình 'Du lịch an toàn - trải nghiệm trọn vẹn' do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động; phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức đoàn famtrip với hơn 100 doanh nghiệp, công ty lữ hành, đến khảo sát, đánh giá các khu điểm, sản phẩm du lịch để chuẩn bị cho việc đưa đón khách du lịch, nhất là khách quốc tế".
Ngoài cảnh quan thiên nhiên được ưu đãi, Sơn La cũng như các địa phương Tây Bắc còn hút khách quốc tế bởi chính những nét văn hóa của các tộc người bản địa. 12 dân tộc Sơn La đoàn kết, sáng tạo, cần cù chịu khó, thêm lòng mến khách, 2 năm qua đã tận dụng khoảng lặng thời gian để đẩy những nét mộc mạc của bản làng thêm đậm đà, tinh tế.
Ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, huyện Mường La – địa danh được ví như “miền cổ tích” của Sơn La bày tỏ: "Để thu hút khách và giữ khách ở lại lâu, chúng tôi đã khẩn trương hoàn thiện các sản phẩm du lịch cộng đồng. 25 homestay, 15 bản với 15 sản phẩm du lịch riêng biệt, Ngọc Chiến đã lựa chọn mỗi bản 10 hộ dân, chỉnh trang, cải tạo nhà cửa để đáp ứng nhu cầu cửa khách; xây dựng khu không gian văn hóa đồng bào Mông tại bản Chom Khâu, khu không gian văn hóa đồng bào La Ha tại bản Kẻ; 4 nhà thờ tín ngưỡng tâm linh cũng đã hoàn thành".
Điện Biên Phủ - địa danh chuẩn bị kỷ niệm 68 năm chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào tháng 5 tới cũng hứa hẹn nhiều điều mới mẻ với du khách quốc tế. Ngoài các di tích đồi A1, hầm Đờ Cát, cầu và sân bay Mường Thanh cùng loạt cứ điểm lịch sử, một trong số điểm đến thu hút đông đảo khách quốc tế nhất là Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã bố trí đầy đủ đội ngũ thuyết minh viên thông thạo ngoại ngữ; bức tranh panorama về toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đã cơ bản hoàn thành.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga - Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ thông tin: "Tới đây dự án nâng cấp hiện đại hóa bảo tàng cũng sẽ được triển khai. Để hướng tới đối tượng khách nước ngoài thì các hạng mục dự án này sẽ được thiết kế 3 với ngôn ngữ Việt – Anh – Pháp, cùng các thiết bị tham quan phục vụ riêng đối tượng khách nước ngoài để du khách hiểu sâu hơn về các tài liệu, hiện vật trưng bày cũng như ý nghĩa của điểm đến này".
Tỉnh Điện Biên mở màn dịp mở cửa du lịch bằng Lễ hội Hoa Ban được đầu tư công phu. Từ nay đến cuối năm, miền cực Tây này của Tổ quốc còn dự kiến tổ chức các sự kiện lớn mang ý nghĩa quốc tế khác như Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch vùng biên giới Việt – Lào lần thứ 3 và Ngày hội Văn hóa Hàn Quốc.
Ông Đoàn Văn Chì - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: "Trong năm 2021 chúng tôi cũng đã tổ chức được rất nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về vấn đề đón tiếp khách, phục vụ buồng, bàn, kể cả việc đón tiếp ở các bản văn hóa du lịch, và các cơ sở. Có thể nói đến giờ phút này, công tác chuẩn bị về nhân sự, cơ sở lưu trú và các sản phẩm du lịch của Điện Biên hoàn toàn đủ các điều kiện để đón tiếp khách".
Những năm gần đây, ngành công nghiệp không khói đã và đang khẳng định vai trò mũi nhọn kinh tế của các tỉnh Tây Bắc, được chú trọng từ chính sách địa phương đến hợp tác quốc tế, liên kết vùng. Những dự án trọng điểm như xây mới cảng hàng không Sa Pa; nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên; nâng cấp cửa khẩu Lóng Sập (Sơn La) thành cửa khẩu quốc tế; đường kết nối 3 tỉnh Tây Bắc của Yên Bái, hầm xuyên đèo Hoàng Liên của Lai Châu… với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư chiến lược sẽ tạo “cú hích” mạnh mẽ cho du lịch Tây Bắc trong thời gian tới.
Trên tinh thần thích ứng, linh hoạt, đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vaccine, bảo đảm an toàn cho du khách là trên hết, du lịch Tây Bắc sẽ là một trong những lựa chọn không thể bỏ qua đối với du khách nước ngoài khi Việt Nam mở cửa trở lại./.