Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam thiếu và năng lực nghề kém
VOV.VN - HDV du lịch “chui” xuất hiện ngày càng nhiều tại các điểm du lịch nổi tiếng là một trong những hệ lụy từ việc đào tạo không theo kịp nhu cầu.
Thời gian gần đây ở một số tỉnh thành lớn xảy ra nhiều sự cố về việc HDV du lịch nước ngoài hoạt động bất hợp pháp và gây ảnh hưởng đến văn hóa du lịch cũng như vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Và cũng chính từ những sự cố này, nhìn lại HDV du lịch Việt Nam, thấy rõ sự yếu kém, không chỉ thiếu nhiều kỹ năng nghề mà còn thiếu ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ như một đại sứ văn hóa, một chiến sĩ góp phần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Đội ngũ HDV du lịch đang chênh giữa cung và cầu
Việc các HDV du lịch nước ngoài hoạt động trái phép ở Việt Nam, có một phần do chính các HDV du lịch Việt đã không hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của mình. Thậm chí có một bộ phận HDV du lịch Việt Nam đã chấp nhận làm sitting guide (chỉ đi theo đoàn, nhận liên hệ các dịch vụ của Việt Nam khi đặt ăn, phòng nghỉ, mua sắm...). Bộ phận này sẵn sàng trình thẻ, nhận mình đang hướng dẫn cho đoàn khách nước ngoài khi có cơ quan kiểm tra, thanh tra… tiếp tay cho HDV du lịch nước ngoài qua mặt các cơ quan chức năng, có những hành vi sai trái ở Việt Nam.
(Ảnh minh họa) |
Để cho những vụ việc HDV du lịch nước ngoài tác quái ở Việt Nam, ngoài việc quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu là HDV du lịch đặc biệt là HDV du lịch nước ngoài của Việt Nam vừa thiếu vừa yếu năng lực nghề, ý thức nghề cũng rất kém. Không ít các HDV du lịch chỉ vì ham lợi cá nhân (hay cho công ty của mình) đã không ngần ngại để cho các HDV nước ngoài thao túng tour.
Thay vì hoàn thành chức trách HDV của mình, giới thiệu những cái hay cái đẹp, lịch sử của vùng miền, địa điểm tham quan, tự hào về đất nước con người Việt Nam, truyền đến khách sự thân thiện, sự thú vị khám phá, để khách yêu quý đất nước Việt Nam, hẹn quay lại… thì các HDV du lịch Việt lại rất lơ đãng, giới thiệu qua quýt (có thể kém kiến thức, hay ý thức nghề kém), rồi chỉ chăm chăm đưa khách đến các nơi mua sắm để kiếm hoa hồng…
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), trong những năm tới nghề HDV du lịch sẽ khan hiếm nhân lực do học sinh, sinh viên theo học ngành này ít, trong khi bởi những đòi hỏi khắt khe về nghề nên không phải ai cũng đáp ứng được. Mỗi năm, cả nước có khoảng 30.000 sinh viên du lịch ra trường, trong đó hơn 40% là hệ đại học. Và chỉ khoảng 1/3 sinh viên trung cấp - cao đẳng du lịch ra trường làm việc gắn với ngành học, còn hệ đại học chưa tới 5%. Hệ đại học thường đào tạo thập cẩm kiểu “quản trị du lịch” và đủ thứ chuyên ngành, từ “địa lý du lịch”, “môi trường du lịch’’ đến “Việt Nam học”... Trong khi các công ty lữ hành chỉ cần HDV hoặc thiết kế hay điều hành tour.
Chính vì thế thực trạng hướng dẫn viên không đáp ứng được yêu cầu của du khách vẫn là bài toán chưa có lời giải của Ngành Du lịch nói chung và các công ty lữ hành nói riêng. Bởi nhiều HDV “được” ngoại ngữ, thì lại “trống” hoàn toàn về nghiệp vụ. Đó là chưa kể, không ít HDV còn không có bằng cấp, không có thẻ hành nghề, không khác gì hành nghề “chui”.
Và dễ dàng nhận thấy, đội ngũ HDV du lịch đang chênh giữa cung và cầu. Ngoài ngoại ngữ là “vốn” cần có, thì các nghiệp vụ nghề cũng không được trang bị kiến thức đầy đủ. Cho đến nay, vẫn không phân biệt được nhiệm vụ và chức năng nên thường ghép chung và cho rằng chức năng lớn hơn nhiệm vụ. Ngay như trong giáo trình giảng dạy ở Khoa du lịch của các trường Đại học cũng chỉ dạy những điều cơ bản như: 1. Người dẫn đường; 2. Thuyết minh tuyến điểm; 3. Sắp xếp và thực hiện các dịch vụ theo chương trình; 4. Xử lý các tình huống; 5. Đại diện công ty.
Và thiếu rất nhiều các vấn đề kỹ năng như: Kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam; Linh hoạt đa năng và nhạy cảm; Thân thiện với khách như một đại sứ ngoại giao; Có ý thức của một công dân yêu nước có trách nhiệm nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Thực tế, ai cũng nhận ra rằng tình trạng HDV du lịch “chui” xuất hiện ngày càng nhiều tại các điểm du lịch nổi tiếng trong nước, đây là một trong những hệ lụy từ việc đào tạo không theo kịp nhu cầu mà ngành Du lịch đang phải đối mặt. Có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do lực lượng HDV du lịch chưa phát triển đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Đại sứ văn hóa và chiến sĩ bảo vệ chủ quyền
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đang hướng đến một thị trường khách đa dạng. Bên cạnh nguồn khách đến từ các thị trường truyền thống châu Âu, châu Á, còn quan tâm các thị trường mới như Ấn Độ, Ả Rập… Để "đón đầu" được những dự báo và những "mục tiêu" phấn đấu này, không gì khác là phải cân đối ngay lập tức quan hệ cung - cầu HDV du lịch.
Nghề HDV du lịch ngoài ý thức yêu nghề cao, có trách nhiệm mang lợi nhuận kinh tế, còn phải tròn trách nhiệm như là một đại sứ ngoại giao văn hóa, một chiến sĩ “biên phòng” bảo vệ chủ quyền đất nước. Đây cũng chính là yêu cầu thiết thực, cấp bách, một trong những “chuẩn” của một HDV du lịch Việt Nam, để có thể tránh việc HDV nước ngoài thao túng, khách du lịch nước ngoài khinh thường, vi phạm luật của Việt Nam.
Khánh Hòa: Huy động hướng dẫn viên người Việt đón du khách Trung Quốc
HDV du lịch Việt được xem như là người phát ngôn đại diện của Việt Nam với du khách về các vùng miền suốt chiều dài đất nước. Thông qua lăng kính của HDV, du khách sẽ hiểu được lịch sử từng vùng, miền, các phong tục dân gian, văn hóa truyền thống của đất nước Việt Nam. Đây cũng là hình thức quảng bá Việt Nam tại chỗ hiệu quả nhất để khách có thể quay lại lần tiếp theo hay giới thiệu bạn bè cùng đến Việt Nam.
Ngoài kiến thức về mặt chuyên môn nghiệp vụ nghề, cần lắm trong các giáo trình giảng dạy HDV du lịch tương lai phải thêm các chuyên mục về kiến thức địa lý, lịch sử, văn hóa của nước mình và các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt cần giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, như nhiệm vụ- trách nhiệm của HDV du lịch Việt. Mỗi HDV du lịch Việt còn phải là một chiến sĩ bảo vệ đất nước bằng ý thức công dân.
Để khi đứng trước du khách, HDV du lịch Việt ngoài một nhà kinh doanh tiếp thị, còn phải là một đại sứ ngoại giao văn hóa, một người lính biên phòng bảo vệ chủ quyền đất nước… vừa làm hài lòng khách, đồng thời ngăn ngừa và ứng xử đúng luật với những vị khách “khiếm nhã” xúc phạm đất nước Việt Nam./.