Khi du lịch làm khổ người dân
VOV.VN - Nếu nói điểm đến du lịch là thể xác, thì người dân chính là linh hồn. Nhưng tiếc thay, gần như trong tất cả các cuộc họp kích cầu du lịch, chúng ta chỉ quan tâm đến mỗi phần xác, còn phần hồn, điều quan trọng không kém của một sản phẩm du lịch thì gần như bị bỏ qua.
Du lịch Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, từ nhiều năm nay vẫn luôn nỗ lực trong công cuộc cải thiện chất lượng dịch vụ và điểm đến, nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt du khách quốc tế.
Thế nhưng, dường như trong những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, ngành du lịch đã “vô tình” quên đi một trong những nhân tố quan trọng, có thể nói là quyết định đến hình ảnh du lịch Việt Nam và sức hút của điểm đến mà chúng ta vẫn đang “quần quật” khai thác hết năm này, đến năm khác – đó là người dân - người dân sinh sống ở chính những điểm đến du lịch ấy.
Nếu nói điểm đến du lịch là thể xác, thì người dân chính là linh hồn. Nhưng tiếc thay, gần như trong tất cả các cuộc họp kích cầu du lịch, chúng ta chỉ quan tâm đến mỗi phần xác, còn phần hồn, điều quan trọng không kém của một sản phẩm du lịch thì gần như bị bỏ qua.
Có lẽ vì vậy, du lịch Việt vẫn giống như thể mạnh ai nấy làm, ai khoẻ thì giỏi khai thác còn ai yếu hơn thì đành ngồi nhìn, dù cả kẻ mạnh lẫn người yếu thế, đều sống chung trong môi trường du lịch ấy.
Không phải nói đâu xa, ngay như ở Hà Nội – một trong những trung tâm du lịch của cả nước. Việc người dân bị “bỏ rơi” trong hoạt động du lịch có thể nhìn thấy rõ ràng, đặc biệt ở khu phố cổ - địa điểm thu hút du khách bậc nhất của Thủ đô.
Du khách mỗi khi đến với Hà Nội, một trong những điểm ưu tiên là dạo quanh khu phố cổ, một phần vì quang cảnh, nhà cửa, phố xá… nhưng phần được quan tâm hơn cả, đó chính là họ muốn tìm hiểu, tiếp cận với người dân nơi ấy.
Để hiểu thêm về cuộc sống, văn hoá bản địa, thông qua những thực thể sống ở chính nơi họ đã bỏ tiền ra mua dịch vụ.
Tất nhiên, một phần nào đó, du khách đã được thoả mãn lý do này. Nhưng, như đã nói, đó chỉ là bề nổi, là những quán bar, nhà hàng sang trọng lấp lánh mặt phố. Nơi những người dân may mắn sở hữu một căn nhà “mặt tiền”, hoặc là những người từ nơi khác đến thuê lại để kinh doanh, buôn bán, phục vụ du khách.
Và ngành du lịch, cũng chỉ cần nhìn có vậy. Nhưng chính vì thế, sự mất cân bằng bắt đầu xuất hiện. Khi những hộ gia đình, cũng ở trong cùng không gian di sản ấy, cùng địa điểm khai thác du lịch ấy, lại không có được “may mắn” như hàng xóm ngoài mặt đường của mình. Bởi họ sống ở trong những ngôi nhà sâu hun hút trong ngõ hẹp, mà chẳng mấy du khách nào dũng cảm tìm vào.
Mà có ai tìm vào đó, cũng chỉ bởi sự tò mò. Còn với những hộ gia đình, những người dân trong ngõ hẹp phố cổ ấy, họ gần như chẳng kiếm nổi một đồng từ “sự phát triển du lịch của Thủ đô”.
Và, thực tế còn cay đắng hơn nhiều, khi đã không có cơ hội để kiếm thêm nguồn thu, họ lại bị ảnh hưởng rất nặng nề từ môi trường du lịch đó.
“Ngã tư quốc tế”, nơi khách du lịch và người dân ở đây gọi khu vực phố cổ Đinh Liệt - Tạ Hiện – địa điểm thu hút du khách bậc nhất phố cổ Hà Nội. Nơi mỗi ngày đón hàng trăm, hàng ngàn lượt khách cả nước ngoài lẫn trong nước đến đây ngắm cảnh, checkin, ăn uống, vui chơi…
Chính vì sự nhộn nhịp ấy mà nơi đây là một trong những điểm mang về nguồn thu nhập rất lớn cho các quán hàng mặt phố.
Nhưng với người dân sống trên con phố này, ở phía sâu trong những con ngõ nhỏ, đó lại là một cực hình, sự tra tấn về tinh thần kéo dài nhiều năm nay. Nhiều người dân ở đây đã không có cơ hội để kiếm tiền từ việc phát triển du lịch nơi mình sinh sống, mà còn bị đảo lộn cuộc sống đến mức phát bệnh.
Rất nhiều người phải thay đổi nhịp sinh học, khi phải thức trắng cả đêm vì tiếng ồn ào ngoài phố, bên hàng xóm kinh doanh nhà hàng, quán karaoke phía ngoài vọng vào. Và chỉ được ngủ khi tất cả những hoạt động ấy ngừng hẳn.
Có những người, bình minh là vào cuối giờ chiều và phải tìm cách ra khỏi nhà khi trời tối, nếu như không muốn đầu óc nổ tung bởi những tiếng ồn ào bên ngoài, vì lúc này là giờ hoạt động của các nhà hàng, quán bar bên ngoài.
Nhất là những người lớn tuổi và trẻ nhỏ, đối tượng cần được sống trong không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, học tập. Sự ức chế tinh thần là khó tránh khỏi.
Đã có thời điểm, thành phố quyết định di dời cư dân phố cổ, để bảo tồn những gì còn lại của phố cổ, hòng phát triển du lịch. Thế nhưng, dự án này có lẽ khó thành sự thực, khi không thể đáp ứng được yêu cầu và lợi ích của người dân.
Trong các báo cáo cũng như chỉ đạo của ngành du lịch về định hướng phát triển, người ta luôn thấy những hô hào về sự đổi mới sản phẩm du lịch, tăng cường hình ảnh thân thiện với du khách, xây dựng điểm đến, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch lữ hành… Nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến những chủ thể nằm trong điểm du lịch – là người dân. Mà cụ thể là tất cả người dân ở nơi đó.
Phát triển du lịch đảm bảo hài hoà với lợi ích của người dân, điều này đúng, và luôn được nhắc tới trong chiến lược phát triển du lịch. Nhưng còn một vế nữa, đó là sự hài hoà lợi ích giữa những người dân sinh sống trong điểm du lịch, chúng ta ít khi nhắc đến.
Có lẽ vấn đề này quá khó với ngành du lịch? Nhưng dù sao, nếu không muốn sự phát triển mất cân bằng, và khiến xảy ra mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, thì chúng ta phải nhìn lại định hướng phát triển du lịch của mình.
Chính vì sự quan tâm phát triển chỉ ở bề nổi, nên ngành du lịch Việt Nam vẫn đang loay hoay với việc thu hút du khách quay trở lại. Bởi thực trạng, mạnh ai nấy làm, mạnh người nào người đó khai thác, khiến du khách cả trong nước, lẫn nước ngoài khó lòng mà an tâm khi đến một điểm du lịch nào đó, bởi họ luôn trong tâm trạng đề phòng bị chặt chém, chèo kéo…