Một thoáng Jakarta và miền mưa bay tràn đầy cảm xúc
VOV.VN - Jakarta, hiện là Thủ đô Indonesia, ẩn chứa trong mình sự phong phú, đa dạng về lịch sử, văn hóa, đất và người.., càng khám phá càng giống như ngắm một viên ngọc quý lấp lánh đa sắc màu
Jakarta, hiện là Thủ đô và được ví như trái tim của đất nước Indonesia.
Indonesia luôn là một quốc gia vừa gần gũi vừa bí ẩn trong suy nghĩ của người Việt Nam. Gần vì là 1/11 quốc gia Đông Nam Á- ASEAN, nhưng bí ẩn bởi có rất nhiều khác biệt về văn hóa, cùng những huyền thoại xứ “vạn đảo” thần tiên đầy mê hoặc ly kì này. Và Jakarta là một đại diện ẩn chứa trong mình sự phong phú, đa dạng về lịch sử, văn hóa, đất và người.., càng khám phá càng giống như ngắm một viên ngọc quý lấp lánh đa sắc màu…
Cũng không biết khởi nguồn như thế nào, mà tôi có duyên với chuyến đi Jakarta từ một cuộc thi viết kỷ niệm 100 năm radio quốc tế do Đài Tiếng nói Việt Nam- VOV tổ chức. Có thể tôi đã từng đến đây hơn 13 năm trước từ kỳ Seagames thứ 26- 2011, và những ấn tượng thú vị về xứ sở này vẫn có một khoảng lưu nhớ trong ký ức, làm cho tôi ấn ký một lời hẹn cho riêng mình, sẽ trở lại đây- Jakarta.
Một thoáng Jakarta nhiều cảm xúc
Sân bay quốc tế Sukarno-Hatta là điểm chạm vào Jakarta đầu tiên của tôi và hai người bạn đồng hành chung đoàn. Dù vào lúc giữa trưa, khi mặt trời đang vào đỉnh của ánh sáng và nhiệt độ cao nhất, nhưng vương vào ánh nhìn là một sự dịu dàng dễ chịu của màu xanh hoa lá cỏ phía ngoài thông qua lớp kính trong suốt, y hệt đang bước vào một công viên. Dọc theo hành lang lát đá hoa cương mát lạnh y như một nhà sàn dài thoảng chen vào những phù điêu họa tiết trang trí đậm chất văn hóa truyền thống bản địa, tạo chút háo hức “tôi đã thích từ cái chạm đầu tiên”...
Giống như một phấn khích khám phá bất ngờ, tôi hiểu ngay ý nghĩa cái tên Garuda của Hãng Hàng không Quốc gia Indonesia, là con chim thần trong bộ sử thi thần thoại Ramayyana nổi tiếng của xứ sở huyền thoại này. Hình tượng chim thần có rất nhiều trong trang trí sân bay, vừa là biểu tượng vừa là một niềm tự hào đầy kiêu hãnh của Hàng không quốc gia Indonesia- Chim thần vừa đẹp, vừa mạnh mẽ, vừa có rất nhiều “phép lạ” mang đến niềm vui hạnh phúc bất tận đến mọi người khi đến với Garuda.
Ấn tượng thân thiện của Jakarta có lẽ bắt đầu từ chính nhân viên an ninh làm thủ tục nhập cảnh, anh mỉm cười lịch thiệp và chúc tôi có một chuyến du lịch an lành vui vẻ. Rồi tới nhân viên hải quan, cũng nụ cười thân thiện hướng dẫn tôi cách làm thủ tục khai báo điện tử… Cảm giác đầu tiên với Jakarta là một sự dễ chịu, hứa hẹn chuyến đi chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt lành đầy thú vị để khám phá và trài nghiệm.
Hai bạn phóng viên thường trú của VOV tại Jakarta đón chúng tôi ngoài sảnh với nụ cười rất tươi, quan tâm hỏi thăm chuyến đi, giống như gặp người thân chứ không phải là khách, chỉ vài phút thôi, chúng tôi đã trở thành “năm anh em trên chiếc xe” của VOV, thẳng tiến vào trung tâm Thủ đô Jakarta.
Jakarta hấp dẫn ngay từ con đường từ sân bay về trung tâm thành phố. Không chỉ là cao tốc có từ 6-10 làn xe, rồi những cầu vượt, đường tàu điện trên cao, là xe hơi nhiều hơn gấp nhiều lần xe gắn máy, là càng gần trung tâm thì càng thấy nhiều ngôi nhà cao mấy chục tầng…, mà là dọc theo đường đi, qua cửa kính xe, bên ngoài nắng chói chang, bầu trời rất xanh và cao, nhưng sao cảm thấy mát mắt bởi rất nhiều cây xanh, trong trí tưởng tượng của tôi, những hàng cây đó như đại sứ dễ thương đại diện cho chủ nhà đón chào khách đến với Jakarta.
Một vài nét lịch sử thành phố Jakarta. Tên đầy đủ là Tỉnh Đặc khu Thủ đô Jakarta, là thủ đô và là thành phố lớn nhất của Indonesia. Trước đây thành phố được biết đến với những cái tên như là Sunda Kelapa (397-1527), Jayakarta (1527-1619), Batavia (1527-1619), Djakarta (1942=1972), Jakarta (1972 đến nay). Jakarta có nguồn gốc từ từ Jayakarta - được dịch là “thắng lợi”, “nhiệm vụ hoàn thành” hay “chiến thắng huy hoàng”.
Và một thoáng Jakarta trong mấy ngày thôi đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc vừa lạ vừa quen. Có thể cái quen bởi vài nét hao hao như ở quê hương tôi vùng sông nước miền Tây Nam bộ - Việt Nam, cũng bầu trời mây xanh trong veo, nắng vàng như mật, gió lồng lộng lướt trên các vòm cây, cũng mưa mùa ào tới rồi tạnh nhanh, rồi cây lá cũng hơi giông giống. Đường phố cũng đông đúc, cũng kẹt xe vào giờ cao điểm sáng chiều… Nhưng nhiều cái lạ lắm, lạ từ ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, rồi kiến trúc, rồi mùi hương, rồi ẩm thực… Ngay cả tiếng kinh Coran mỗi ngày mấy lần được phát trên loa công cộng cũng là một thú vị hiếm có.
Trong cái lạ đó, có những kỳ thú khi khám phá Jakarta theo các chiều, mà biên độ cách biệt cứ như từ cực này sang cực khác, để luôn tạo những xúc cảm mạnh mẽ khi trài nghiệm. Từ kiến trúc xưa và nay, từ các bảo tàng đến các tượng đài, từ nhà thờ Hồi giáo đến Thiên Chúa, từ siêu thị với các nhãn thương hiệu lừng danh ở các trung tâm thời trang thế giới quy tụ đến chợ đường phố, từ các khu phố hào nhoáng rực rỡ đế các phố cổ như trăm năm ngàn năm trước tồn tại.. Ngay cả ẩm thực cũng là trả nghiệm luôn luôn mới và kỳ lạ khác biệt, dù cũng là cơm, là thịt là rau, là tiêu- ớt- gừng- muối- đường, nhưng rất đặc biệt, rồi cái trái mây Bali cũng mang hương vị ăn một lần là nhớ hoài…
Tôi đặc biệt ấn tương với các tượng đài, những tác phẩm điêu khắc hình như hiện diện khắp nơi ở Jakarta, bắt đầu từ sân bay và chạm vào cửa ngõ thành phố, từ khu trung tâm, đến khu chợ nhỏ, từ đại lộ đến một con phố xinh xinh, ngoài quảng trường hay trước của một biệt thự, và ngay cả trong siêu thị cũng có các bức điêu khác như phù điêu, tượng…
Mỗi tác phẩm điêu khắc dù lớn hay nhỏ, mang phong cách cổ điển hay hiện đại, truyền thống hay tân hiện thực, trầm mặc hay rực rỡ, bí ẩn hay chân thực… đều rất đẹp, tinh xảo, tinh tế, sinh động, thật sự là một tác phẩm nghệ thuật giá trị. Đặc biệt các bức điêu khắc đó phần lớn đều mang phong cách văn hóa bản địa, nền văn hóa phong phú với nhiều sắc màu tôn giáo cùng những truyền thống, tập tục lâu đời, lại có nhiều ảnh hưởng của một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan…
Một thoáng Jakarta là những cuộc khám phá những địa danh thuộc hàng “quốc bảo” mang đến cho tôi không chỉ là sự trầm trồ vẻ đẹp, mà còn là ấn tượng đánh mạnh vào cảm xúc giá trị tinh thần- giá trị biểu tượng văn hóa- lịch sử- đất nước và con người đặc trưng của Indonesia.
Đài tưởng niệm quốc gia Monas Jakarta Indonesia, cao 132m, được xây dựng để ghi công những người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Indonesia, tại quảng trường Merdeka. Đây là một công trình mang tính biểu tượng quốc gia với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, và ở đây lưu trữ những tài liệu cực kỳ quý giá, tư liệu lịch sử gh chép về quá trình độc lập của quốc gia. Tháp này có sự ký thú, đợi hoàng hôn sẽ thấy mặt trời từ đỉnh tháp lặn dần và mất hút chân trời.
Đất nước Indonesia với 90% theo Hồi giáo, vì thế, nhà thờ Hồi giáo là địa danh khám phá đầu tiên ở Jakarta. Và nhà thờ Hồi giáo Masjid Istiqlal, là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á, được xây dựng năm 1978- kỷ niệm độc lập của Indonesia- Istiqlal nghĩa là “Độc lập”. Thiết kế kiến trúc độc đáo và đồ sộ, vào bên trong, mái vòm oval màu ánh sáng mặt trăng nhìn như bầu trời cùng các tinh tú, cảm nhận sự uy nghiêm, linh thiêng, trang trọng.
Jakarta từng là nơi người châu Âu tới đây chiếm giữ, nên đi cùng họ ngoài các kiến trúc dân sinh, công sở, còn là nhà thờ. Cũng khá thú vị, khi đến các khu phố, nhà thờ Thiên Chúa hay Tin Lành đan xen nhà thờ Hồi giáo rất nhiều và với người dân thì đó là rất bình thường. Và cũng vô cùng thú vị khi đối diện với nhà thờ Hồi giáo to nhất Đông Nam Á là nhà thờ Lớn Jakarta nằm ở góc phía bắc của Quảng trường Banteng, với hai ngọn tháp màu ngà cao 60m.
Đây là công trình Kitô giáo đẹp nhất và lớn nhất Indonesia, tên đầy đủ là Nhà thờ Đức Mẹ Thăng Thiên- The Church of Our Lady of Assumption, do tu sĩ người Hà Lan Antonius Dijkmans thiết kế và được xây dựng vào năm 1901. Những chi tiết đá được chế tác tinh xảo và khung cửa sổ lớn hình tròn bằng kính màu nằm ở phía trên cửa ra vào. Và bước vào bên trong, chiêm ngưỡng trần nhà bằng gỗ hình mái vòm tuyệt đẹp, đặc biệt ở các bức tường, có nhiều tác phẩm nghệ thuật trong đó là hình ảnh độc đáo của nhà thờ được vẽ trên những chiếc lá chuối khô.
Muốn tìm hiểu về một quốc gia hay lịch sử thành phố thì nên đến bảo tàng. Và một cuộc “lướt qua” Bảo tàng quốc gia Indonesia, gần kề tháp Monas- còn gọi Bảo tàng Voi- Gedung Gajah, bởi bức tượng voi ở tiền sảnh, là kho tàng sở hữu bộ sưu tập lớn các cổ vật lịch sử và khảo cổ đã định hình văn hóa và lối sống của người Indonesia. Một bảo tàng nữa cũng đầy hấp dẫn bởi những hiện vật được lưu giữ trong đó là các cổ vật mang nhiều “quốc tịch”, nguồn gốc, trong đó có cả của Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Fatahillah, một tòa nhà mang kiến trúc châu Âu mà bản thân nó cũng là “cổ vật” từ thời Hà Lan chiếm giữ.
Nằm gần với Bảo tàng Fatahillah, là Toko Merah- Red Shop, một trong những tòa nhà lâu đời nhất ở Jakarta, thu hút sự chú ý với màu đỏ tươi quyến rũ như một hấp lực. Tòa nhà này được xem là nơi huyền bí với nhiều giai thoại, và ngay cả người dân ở đây cũng khá dè dặt e ngại khi nói đến tòa nhà này.
Khu phố cổ Old Town- Old Batavia, là khu phố cổ nhất ở Jakarta. Trong khu phố này cũng có rất nhiều bảo tàng ấn tượng. Và điều đặc biệt khi đến khu phố này, là cảm giác bàng bạc mơ hồ xuyên không mấy trăm năm trước, sống trong một khu phố Tây, có lẽ do các kiến trúc của khu phố cổ này đều gợi nhớ một châu Âu thế kỷ 16-17-18…
Tôi nhớ khi chiều muộn, không gian phố đã loang màu tím nhạt, vài ngọn đèn thắp sáng màu vàng có chút ảo mờ, và con phố cổ Jalan Surabaya nổi tiếng ở Jakarta như nhuốm màu liêu trai bởi hàng ngàn món đồ xưa, đồ cổ, giả cổ, phục chế… Có một chút mơ hồ lành lạnh mà đầy phấn khích, khi đưa tay sờ nhẹ một cái hộp đựng trang sức khảm trai cầu kỳ, cẩn trọng cầm trên tay món đồ sứ ngắm nghía, dè dặt ướm vào tay chiếc vòng đá chạm khắc cổ quái, trầm trồ một cây đèn ngủ phong cách tiffany, thích thú nghe một đoạn nhạc từ chiếc máy hát đĩa than quay tay …
Như để cho trọn vẹn ham muốn khám phá những khu phố mang phong cách khác biệt, điểm dừng chân của tôi là khu vực Chinatown Jakarta- Petak Sembilan, một khu phố nhộn nhịp có chút lộn xộn, ồn ào, náo nhiệt, với các tòa nhà theo phong cách Trung Quốc được xây theo kiểu truyền thống của đại đa phần người dân có gốc là người Trung Quốc đã sinh sống mấy đời ở Indonesia.
Đến đây, từ khu chợ không thiếu bất cứ vật phẩm hay nguyên liệu nào để làm nên một bàn tiệc thuần món ăn Trung Quốc, theo đủ văn hóa ẩm thực của người Quảng, người Triều châu, người Tứ Xuyên, Hồ Nam hay Sơn Đông…, và còn có những đền chùa miếu mạo hoàn toàn mang dấu ấn nguyên thủy của người Trung Quốc.
Jakarta còn được ví là nơi tập trung toàn bộ nền ẩm thực Indonesia phong phú đa dạng đềy hương sắc mùi vị. Tôi là một người luôn có hứng thú với văn hóa ẩm thực của những nơi mình đến, không chỉ là khám phá mà còn là thưởng thức, dù quen hay lạ cũng đều muốn thử, nên đến Jakarta, ngoài đi ngó nghiêng khắp nơ, thì việc “nếm” các hương vị cũng là những trải nghiệm cực kỳ lý thú.
Được biết, các món ăn cơ bản của Indonesia đều có thể ăn ở bất cứ đâu, từ các quán ăn khiêm tốn ven đường, quán lưu động trên những chiếc xe đẩy, từ một quán ăn bình dân cho đến các nhà hàng bậc sao... Và nhiều món ăn truyền thống từ các vùng xa xôi ở Indonesia đều có thể “nếm” ở Jakarta. Như các nhà hàng Padang truyền thống và quầy thức ăn bình dân Warteg (Warung Tegal) có mặt khắp nơi ở Jakarta.
Văn hóa ẩm thực Indonesia gồm nhiều phong cách, từ ẩm thực Betawi chịu ảnh hưởng của ẩm thực Peranakan Mã Lai-Trung Quốc, ẩm thực Sunda và Java ảnh hưởng ẩm thực Ấn Độ, Ả Rập và châu Âu. Một trong những món ăn địa phương phổ biến nhất của ẩm thực Betawi là Soto Betawi được chế biến từ thịt bò và nội tạng bò trong nước dùng là sữa bò hay nước cốt dừa và đặc biệt là cay.
Các món ăn Betawi phổ biến còn gồm: soto kaki, nasi uduk, kerak telor (trứng tráng cay), nasi ulam, asinan, ketoprak, rujak và gado-gado Betawi (salad sốt đậu phộng). Và các món ăn đường phố phổ biến: nasi goring (cơm chiên Indonesia), sete (thịt xiên nướng), pecel lele (cá trê chiên), bakso (thịt viên), bakpau (bánh bao) và siomay (há cảo cá)…
Tôi cực kỳ ấn tượng với hai món là bakso và sate. Món ăn cũng vừa lạ vừa quen, dễ ăn và ăn ngon, có chút gì rất Việt Nam trong món ăn nhưng cũng rất Indonesia trong gia vị được nêm và chấm. Cảm giác ngay trong món ăn có sự hòa trộn văn hóa ẩm thực của hai dân tộc, một sự hòa trộn rất “ngon”, rất đậm vị và tạo nên mỹ vị thật dễ thương.
Vâng! Rất duyên. Tôi đã có một chuyến đi cực kỳ thú với nhiều khám phá, trải nghiệm độc đáo, nhiều kỳ lạ dù chỉ ít ngày, nhưng đều lưu trong tôi cảm xúc sâu đậm, để tôi lại thêm một lần hẹn- Sẽ gặp lại Jakarta./.