Indonesia giải quyết tình trạng phát triển “nóng” tại các điểm du lịch
VOV.VN - Trước sự phát triển quá “nóng” tại một số điểm du lịch, chính phủ Indonesia tiếp tục đưa ra các biện pháp để giải quyết tình trạng này.
Phát biểu bên lề Hội nghị Du lịch chất lượng quốc tế lần thứ nhất mới được tổ chức ở Bali, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia - ông Sandiaga Uno cho biết Chính phủ Indonesia đang hoàn thiện chính sách nhằm giải quyết tình trạng phát triển quá “nóng” gây mất an ninh an toàn, giảm đi sự thoải mái, hài lòng của du khách tại một số điểm du lịch của nước này.
Theo đó, chính phủ có thể ban hành lệnh tạm dừng xây dựng các khách sạn mới, cũng như ngưng chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thương mại ở những điểm du lịch đang quá tải, chẳng hạn như vùng phía nam đảo Bali. Chính sách này cũng nhằm vào các cơ sở lưu trú du lịch thiếu tính bền vững. Hiệu quả của chính sách sẽ được đánh giá trong thời gian từ 3 đến 6 tháng một lần để có sự điều chỉnh.
Sau đại dịch Covid-19, lượng du khách quốc tế thăm Indonesia, đặc biệt tới Bali đã tăng đáng kể trở lại. Tuy nhiên, sự phát triển quá “nóng” của du lịch đại chúng làm dấy lên lo ngại rằng cảnh quan tự nhiên và nền văn hóa lâu đời bản địa sẽ ngày càng bị xói mòn. Gần đây, để bảo tồn văn hóa Bali, chính quyền Indonesia đưa ra một số biện pháp như: ban hành quy định ứng xử và áp thuế du lịch đối với với du khách quốc tế… Cơ quan chức năng Indonesia tiếp tục khảo sát, phân tích kỹ lượng thực trạng phát triển du lịch tại vùng phía nam đảo Bali, đặc biệt ở Denpasar, Badung, Gianyar và Tabanan.
Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia - ông Sandiaga Uno cho biết Tổng thống Joko Widodo sẽ sớm có cuộc họp riêng với Bộ này để quyết định những bước đi vững chắc giúp ngành du lịch Indonesia phát triển bền vững, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm.
Ngay trước Hội nghị Du lịch chất lượng quốc tế lần thứ nhất, bà Dessy Ruhany – người phụ trách chính sách chiến lược của Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia – cũng nhấn mạnh Indonesia đang tìm cách cân bằng giữa du lịch chất lượng và du lịch bền vững thông qua tăng cường trải nghiệm của du khách với sự hỗ trợ của công nghệ; phát triển cơ sở hạ tầng du lịch thân thiện môi trường; quản lý hiệu quả rác thải, nhất là rác thải từ thực phẩm, đồ uống; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn... Bà Dessy Ruhany cho rằng Indonesia cần có các tiêu chuẩn, hướng dẫn về du lịch chất lượng bằng cách dựa vào Chỉ số xếp hạng cạnh tranh Lữ hành và Du lịch (TTDI) của ngành du lịch toàn cầu.
Số liệu của Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng Indonesia (PHRI) cho thấy số lượng khách sạn, nhà nghỉ được phân loại của Indonesia đã lên tới 29.005 cơ sở với hơn 747.000 phòng.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu đón 17 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2024, cao hơn so với con số 11,86 triệu khách quốc tế của năm 2023. Tính đến cuối tháng 8/2024, Indonesia đã đón được 13 triệu du khách quốc tế. Chiến lược thu hút du khách của Indonesia nhằm vào thế hệ Z và Y, các gia đình trẻ, khách du lịch có mức chi tiêu cao, gồm cả những người về hưu.