Người dân Cà Mau làm du lịch, tạo nét mới thu hút du khách

VOV.VN - Tỉnh Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, vùng đất Cuối trời – huyện Ngọc Hiển có lợi thế rất lớn để phát triển loại hình này. Không chỉ cơ quan chức năng mà người dân địa phương đang ngày càng làm du lịch bài bản hơn để thu hút du khách.

Gia đình ông Nguyễn Minh Đua (ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) làm du lịch cộng đồng từ năm 2019. Khi tập tành làm du lịch, ông Đua cũng đi tham quan, học hỏi nhiều nơi để tìm hướng phát triển. Gia đình đang dùng tất cả các thế mạnh vùng đất mình có để phục vụ du khách. Đó là các sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề truyền thống của người dân địa phương như: Câu, đặt lợp cua; đổ lú; soi ba khía, bắt ốc len,… Đặc biệt, vừa qua gia đình ông mua một chiếc ghe về để sửa sang lại phục vụ du khách, nhất là vào dịp Tết sắp đến.

Khi chúng tôi đến, chiếc ghe ông Đua mua về chưa được đưa vào khai thác nhưng ý tưởng của ông là dùng nó để đưa các nhóm du khách đi quanh vuông tôm trải dài tán rừng đước, rừng mắm 9ha của gia đình. Nó sẽ giống như du thuyền mini, trên chiếc ghe tam bản cỡ lớn sẽ phục vụ những những món ăn đặc sản như: cua, cá thòi lòi, tôm khô và sẽ có cả tiết mục đờn ca tài tử.

Ông Nguyễn Minh Đua bảo, du khách về địa phương ngày càng nhiều vì họ thích cảnh quan, không khí và các sản phẩm trải nghiệm, cũng nhờ đó, các hộ làm du lịch cộng đồng có nguồn thu nhập ngày càng cao: "Làm du lịch thu nhập gấp 10 lần làm vuông. Xu hướng phát triển ngày càng có nhiều người về Đất Mũi du lịch, trải nghiệm, ăn uống. Du lịch cộng đồng lượng du khách đỡ, so với những hộ gia đình không làm du lịch thì thu nhập rất cao, tháng mình thu khoảng 50 – 60 triệu thì người làm vuông chỉ thu khoảng 5 – 6 triệu thôi".

Còn em Nguyễn Trung Kiên mới học xong đại học ngành Quản trị Du lịch ở TP.HCM. Nhưng từ khi còn trên ghế nhà trường Kiên đã dùng kiến thức học được để hỗ trợ cha làm du lịch cộng đồng tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Hiện điểm Du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn đang có sản phẩm du lịch thú vị là cho khách tự trồng rừng và theo dõi được chính cây đước, cây mắm tận tay họ trồng ở vùng đất tận cùng Tổ quốc.

Diện tích trồng cây chính là những không gian trống trong vuông tôm của những hộ dân nhận giao khoán đất rừng ở Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đất Mũi cùng liên kết làm du lịch. Trên các cây khách tự trồng sẽ có bảng tên của từng người. Định kỳ hay khi du khách yêu cầu sẽ được cung cấp những hình ảnh để theo dõi tiến trình cây phát triển. Đây chính là ý tưởng của cậu thanh niên có mong muốn góp phần phát triển du lịch địa phương mang từ trường lớp về áp dụng vào thực tiễn.

Trung Kiên chia sẻ, mỗi gia đình ở địa phương đều có đất rừng, đây là sản phẩm du lịch đáng quý nhưng các bạn cùng trang lứa với em thường không gắn bó đất rừng mà đi làm ở nhiều nơi. Khi về địa phương sinh hoạt trong chi đoàn, Kiên chia sẻ về ý tưởng liên kết phát triển du lịch cộng đồng, cùng phục vụ du khách, cùng hưởng lợi. Đã có những bạn nhận ra thế mạnh và cùng thành lập lên 1 câu lạc bộ với 15 đoàn viên tham gia. Chính những bạn này đưa du khách đi trải nghiệm, trồng cây tại gia đình. Du khách được góp phần vào môi trường sinh thái, tái tạo thiên nhiên sẽ càng thích thú và chính điều này kích thích khách tìm về lần nữa.

"Các bạn trong Câu lạc bộ gia đình đều có vuông, chính các bạn xây dựng lên sản phẩm du lịch. Em sẽ hỗ trợ các bạn để hiểu rõ hơn về nền tảng, các tiềm năng du lịch của địa phương để từ đó các bạn về sẽ phổ biến, nhân rộng ra cho nhiều bạn khác nữa. Xây dựng thêm được nhiều mô hình du lịch cộng đồng sẽ hỗ trợ được nhiều hộ dân cùng làm du lịch, qua đó, cải thiện kinh tế, đời sống. Mong muốn của em là vùng quê mình nhà nhà, người người cùng làm du lịch, phát triển được, nâng tầm du lịch của địa phương mình", Trung Kiên chia sẻ thêm.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, huyện đang có 9 hộ làm du lịch cộng đồng hiệu quả và năm nay có thêm 18 hộ đăng ký phát triển. Bên cạnh các sản phẩm trải nghiệm, huyện sẽ phát triển thêm các sản phẩm du lịch có yếu tố lịch sử, như: tôn tạo, đầu tư thêm Khu đền thờ Bác thành điểm đến; tái hiện đời sống các cô chú ngày trước hoạt động cách mạng tại địa phương để du khách có thể thấy được “cất nước từng lon, đói ăn trái mắm” là như thế nào. Địa phương đã và đang có những chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, làm sao ngày càng nhiều sản phẩm để phục vụ cũng như giữ chân du khách khi về địa phương.

"Huyện tổ chức cho các hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng đi tập huấn về kỹ năng, cách thức để họ biết mở ra một điểm du lịch như thế nào, cần và nên làm cái gì. Đặc biệt, đưa họ đi học tập ở những điểm du lịch thực tế. Bên cạnh đó, cũng phổ cập cấp tốc ngoại ngữ cơ bản cho bà con để có thể giao tiếp cơ bản với khách nước ngoài", ông Trần Hoàng Lạc cho hay.

Những mô hình làm du lịch cộng đồng đã và đang góp phần không nhỏ phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, hiện nay cũng có những khó khăn cần được tháo gỡ, bởi, đa số diện tích đất của người dân hay nhà nước quản lý đều là đất rừng. Ông Đỗ Văn Đồng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, đơn vị chủ quản của Khu du lịch Mũi Cà Mau cho biết, du lịch Mũi Cà Mau thời gian qua phát triển, tuy nhiên, có thể nói là chưa xứng tầm. Chưa phong phú về dịch vụ, ngay cả dịch vụ cơ bản là nghỉ dưỡng. Điều này có khó khăn cơ bản là vướng cơ chế đất rừng, khó thu hút đầu tư.

"Cần có thêm cơ chế để đẩy mạnh, phát triển du lịch, nhất là cơ chế về chính sách đất đai. Bởi, khi phát triển du lịch, đất nằm trong hệ thống Vườn Quốc gia nên còn vướng. Thứ hai nữa là cơ sở hạ tầng hiện chưa đáp ứng, đòi hỏi cần nhiều nguồn lực hơn để đầu tư phát triển hạ tầng", ông Đỗ Văn Đồng cho hay.

Từ năm 2013, những mô hình làm du lịch cộng đồng đầu tiên manh nha phát triển ở huyện Cuối trời - Ngọc Hiển. Đến năm 2016, khi tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền tới điểm mốc cực Nam tổ quốc GPS-0001, du khách về ngày càng đông. Du lịch cộng đồng theo đà phát triển mạnh, người dân địa phương cũng làm du lịch ngày càng bài bản hơn. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn cơ bản cần tháo gỡ để “vùng Đất Mũi” nói chung, du lịch nói riêng phát triển.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nghề bắt lịch độc lạ ở rừng ngập mặn Cà Mau, cho người dân thêm nguồn thu nhập
Nghề bắt lịch độc lạ ở rừng ngập mặn Cà Mau, cho người dân thêm nguồn thu nhập

VOV.VN - Hiện trên thị trường, lịch thương phẩm có giá trên 100.000 đồng/kg, nên những người thợ câu, thọc lịch nhiều khi có thể kiếm vài trăm nghìn đồng/ngày và sống được với nghề.

Nghề bắt lịch độc lạ ở rừng ngập mặn Cà Mau, cho người dân thêm nguồn thu nhập

Nghề bắt lịch độc lạ ở rừng ngập mặn Cà Mau, cho người dân thêm nguồn thu nhập

VOV.VN - Hiện trên thị trường, lịch thương phẩm có giá trên 100.000 đồng/kg, nên những người thợ câu, thọc lịch nhiều khi có thể kiếm vài trăm nghìn đồng/ngày và sống được với nghề.

Chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là: Mốc son lịch sử của tỉnh Cà Mau
Chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là: Mốc son lịch sử của tỉnh Cà Mau

VOV.VN - Ngày 23/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là. Đây là chiến công lớn, mốc son lịch sử của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau.

Chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là: Mốc son lịch sử của tỉnh Cà Mau

Chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là: Mốc son lịch sử của tỉnh Cà Mau

VOV.VN - Ngày 23/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là. Đây là chiến công lớn, mốc son lịch sử của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau.

Cà Mau có nhiều tài nguyên nhưng du lịch phát triển chưa xứng tầm
Cà Mau có nhiều tài nguyên nhưng du lịch phát triển chưa xứng tầm

VOV.VN - Tại Tọa đàm “Thúc đẩy chuyển đổi số du lịch Cà Mau” được tổ chức ngày 9/10, các chuyên gia đánh giá, trong 13 tỉnh vùng ĐBSCL, tài nguyên du lịch trên đất liền của Cà Mau là đa dạng nhất, khác biệt nhất.

Cà Mau có nhiều tài nguyên nhưng du lịch phát triển chưa xứng tầm

Cà Mau có nhiều tài nguyên nhưng du lịch phát triển chưa xứng tầm

VOV.VN - Tại Tọa đàm “Thúc đẩy chuyển đổi số du lịch Cà Mau” được tổ chức ngày 9/10, các chuyên gia đánh giá, trong 13 tỉnh vùng ĐBSCL, tài nguyên du lịch trên đất liền của Cà Mau là đa dạng nhất, khác biệt nhất.

Đầm Thị Tường – điểm hẹn du lịch chưa được đầu tư của Cà Mau
Đầm Thị Tường – điểm hẹn du lịch chưa được đầu tư của Cà Mau

VOV.VN - Đầm Thị Tường là điểm du lịch sinh thái lý tưởng khi du khách đặt chân đến Cà Mau. Mặc dù chưa được đầu tư bài bản nhưng lượng khách tìm về đầm nước tự nhiên lớn nhất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long khá đông.

Đầm Thị Tường – điểm hẹn du lịch chưa được đầu tư của Cà Mau

Đầm Thị Tường – điểm hẹn du lịch chưa được đầu tư của Cà Mau

VOV.VN - Đầm Thị Tường là điểm du lịch sinh thái lý tưởng khi du khách đặt chân đến Cà Mau. Mặc dù chưa được đầu tư bài bản nhưng lượng khách tìm về đầm nước tự nhiên lớn nhất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long khá đông.