Phát triển du lịch bền vững tại huyện Vân Hồ, Sơn La
VOV.VN - Cách Hà Nội chưa đến 170 km, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nằm trong vùng quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Đây chính là tiềm năng phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thay đổi căn bản đời sống cho vùng đồng bào dân tộc nơi đây.
Huyện Vân Hồ được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, độ che phủ của rừng trên 56%. Nơi đây thường được ví với những điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng như Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt. Du khách khi đến với Vân Hồ sẽ cảm nhận được không khí trong lành, với nhiều điểm du lịch cảnh quan đẹp như thác Tạt Nàng, suối nước nóng Chiềng Yên, rừng già Xuân Nha…
Trước kia ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ đời sống bà con vô cùng khó khăn. Tuy nhiên sau một thời gian làm du lịch, đến nay trong bản đã có 5 mô hình homestay, đời sống người dân đã dần thay đổi. Theo chị Tráng Thị Dụ ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (quản lý tại homestay A Chu), cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động được hơn 8 năm, có 10 lao động thường xuyên, thu nhập trung bình một người được 6 triệu đồng/tháng. "Khi làm du lịch bản làng đẹp hơn, đời sống bà con tăng lên, tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn chưa có việc. Từ khi làm du lịch nhiều tệ nạn không còn ở bản Hua Tạt".
Thời gian qua, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nguồn lực cho địa phương phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành với doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục về đầu tư, khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư. Đồng thời, bảo vệ cảnh quan, phát hiện ngăn chặn kịp thời tình trạng vi phạm trật tự xây dựng giữ gìn môi trường tự nhiên ở huyện Vân Hồ.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vân Hồ cho biết: "Vấn đề quy hoạch rất rõ, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch liên vùng, liên huyện. Căn cứ vào đó Phòng Kinh tế hạ tầng đã tham mưu cho huyện cùng phòng Tài nguyên và Môi trường về quản lý về đất đai, trật tự xây dựng. UBND huyện cũng có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể tới các xã về quy định, chấp hành xử lý về đất đai, trật tự xây dựng, huyện cũng có đoàn kiểm tra thường xuyên đi tới các xã".
Huyện Vân Hồ mới được thành lập 10 năm, với 14 xã, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần ở vùng sâu, vùng xa, biên giới thuộc diện khó khăn. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, việc mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn hạn chế. Đa số homestay chỉ dừng lại ở dịch vụ lưu trú, tham quan, thưởng thức ẩm thực địa phương, giao lưu văn nghệ, chưa có những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng.
Để phát triển du lịch, huyện Vân Hồ đã xây dựng Chương trình hành động về phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Trong đó, đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mang tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, có sự tương hỗ của ngành nông nghiệp, sản phẩm du lịch chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.
Ông Vũ Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ cho biết: "Song song với việc Vân Hồ làm du lịch, thì đầu tiên cần thu hút các nhà đầu tư thực sự xứng đáng, tiềm năng. Du lịch cộng đồng là lợi thế, tiềm năng của huyện, gắn bản sắc đồng bào để tăng thu nhập cho bà con là quan trọng nhất".
Huyện Vân Hồ đặt mục tiêu tăng trưởng du lịch bình quân 10% một năm, đến năm 2025 lượng khách đạt trên 300.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 20.000 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 250 tỷ đồng/năm. Để đạt được mục tiêu này, huyện Vân Hồ đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng, gắn với sản xuất nông nghiệp, nghỉ dưỡng cao cấp. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo quy hoạch để du lịch thực sự phát triển theo hướng bền vững.