Tạo dấu ấn riêng cho các điểm đến du lịch cộng đồng ở Đắk Lắk
VOV.VN - Trong năm 2024, tỉnh Đắk Lắk đã công bố thêm các điểm đến du lịch cộng đồng tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện, nâng số buôn du lịch cộng đồng được công nhận là 5 buôn. Tại mỗi buôn làng, chính quyền và người dân đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm mang dấu ấn riêng biệt.
Hào hứng giới thiệu với du khách về các món ăn của người Ê Đê, chị H Ter Êban ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, khách du lịch rất thích và có người còn tìm hiểu cách chế biến cũng như ngỏ ý mua đem về. Các trải nghiệm về âm nhạc, văn hóa, tạc tượng gỗ cũng được du khách quan tâm.
Theo chị H Ter, với việc thường xuyên tiếp đón các đoàn khách du lịch ghé thăm buôn làng, bà con đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, tự tin hơn khi giới thiệu và quảng bá những nét đẹp trong văn hóa, sinh hoạt hàng ngày của dân tộc mình. “Người dân thì được mở mang kiến thức và tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm nên tinh thần của mỗi người và của cộng đồng thấy có tiến bộ. Khi tham gia nhiều hoạt động thì mọi người thấy rất vui”.
Sau Akǒ Dhông thì Tơng Jú là buôn thứ 2 của thành phố Buôn Ma Thuột được tỉnh Đắk Lắk công nhận là điểm đến du lịch cộng đồng. Buôn Tơng Jú là nơi sinh sống lâu đời của bà con người Ê Đê, hiện còn lưu giữ được nhiều tập quán sinh hoạt truyền thống, các nghề thủ công. Lợi thế vì cách trung tâm thành phố chỉ hơn 10km, thuộc xã nông thôn mới đầu tiên đạt chuẩn nâng cao ở tỉnh, buôn được quan tâm đầu tư, giao thông thuận lợi.
Từ vài năm trước, một số gia đình trong buôn đã cùng nhau phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với các nét độc đáo của địa phương. Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông với 45 thành viên đều là người Ê Đê tham gia đã duy trì hoạt động hiệu quả trong suốt hơn 20 năm qua.
Bà H Yam Buôn Krông - Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông, trưởng nhóm du lịch cộng đồng buôn Tơng Jú cho biết: “Sản phẩm du lịch của chúng tôi gần như đầy đủ, có cả tạc tượng dân gian, dệt vải, đi xe cày trải nghiệm làm nương rẫy. Đã có một đội văn nghệ trong buôn làng, từ đánh chiêng rồi diễn tấu nhạc cụ”.
Từ giữa tháng 10/2024, buôn Tơng Jú được công nhận là “Điểm đến du lịch cộng đồng” của tỉnh, tạo thuận lợi tập trung các nguồn lực đầu tư cả về nhân lực, vật lực, quảng bá, lan tỏa nét đẹp thiên nhiên, văn hóa đặc sắc đến du khách trong nước và quốc tế.
Theo ông Y Bhiu Byă - Trưởng buôn Tơng Jú, từ khi được công nhận, chính quyền và người dân trong buôn càng quyết tâm chung tay xây dựng buôn du lịch, phát huy nguồn tài nguyên, văn hóa truyền thống sẵn có. “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với mọi hình thức, như là họp dân, tuyên truyền trên hệ thống loa đài, rồi trên các dịch vụ điện tử, để bà con thấu hiểu và cùng nhau tham gia phát triển du lịch cộng đồng càng ngày càng tốt hơn”.
Đắk Lắk đã xác định thế mạnh là phát triển du lịch sinh thái và văn hóa. Trong 5 năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về bảo tồn văn hóa cồng chiêng, nghị quyết chuyên đề hỗ trợ người dân các thôn, buôn phát triển du lịch cộng đồng. Tập trung các nguồn lực, các dự án, chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy có trọng điểm về du lịch để vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển sản phẩm du lịch.
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, trong số 16 buôn được địa phương quy hoạch hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, đã có 5 buôn được công nhận và 2 buôn chuẩn bị công bố vào đầu năm 2025. Mỗi buôn mang màu sắc riêng từ cảnh quan, nếp sống, sinh hoạt, lưu trú, giúp du khách có những trải nghiệm khác nhau trong hành trình tham quan du lịch. Tiêu biểu như buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đặc trưng văn hóa Lào, buôn Jun (huyện Lắk) nổi bật với văn hóa của người M’Nông, buôn Akǒ Dhông đặc trưng văn hóa Ê Đê và cảnh quan “buôn trong phố”.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết Sở VHTT&DL sẽ Đắk Lắk tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện để mỗi buôn làng được hỗ trợ chuyên sâu hơn nhằm hình thành dấu ấn riêng đặc sắc: “Để sản phẩm mỗi ngày hoàn chỉnh hơn, đáp ứng được nhu cầu của khách, ngoài nỗ lực của bà con thì các cơ quan sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành. Nhất là các buôn đã được đầu tư rồi thì sẽ tiếp tục có những hỗ trợ tiếp theo, để cho bà con thực hiện thành công mô hình của mình”.
Với sự tham gia tích cực của người dân, sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, du lịch cộng đồng ở Đắk Lắk đang dần hình thành những điểm nhấn riêng, tạo thêm sản phẩm du lịch phong phú. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.