"Thiên đường du lịch” Phuket đối mặt với khủng hoảng rác
VOV.VN - Phuket - một hòn đảo du lịch nổi tiếng với những bãi biển cát trắng và cuộc sống về đêm sôi động ở miền Nam Thái Lan, hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng rác. Nguyên nhân là do lượng khách du lịch tăng cao sau đại dịch Covid-19 và tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng tại đây.
Mỗi ngày, khoảng 1.100 tấn rác thải được thu gom từ các thị trấn trên khắp Phuket (Thái Lan) được chuyển đến bãi chôn lấp duy nhất nằm trên bờ biển phía Đông của hòn đảo gần khu vực Sapan Hin. Khoảng ba phần tư trong số đó (ước chừng 700 tấn) được đốt tại lò đốt duy nhất của bãi chôn lấp, trong khi phần còn lại vẫn tiếp tục được đổ ra môi trường. Cạnh bãi rác là một cộng đồng gồm gần 1.000 cư dân, những người ngày càng phải chịu đựng mùi xú uế nồng nặc từ các núi rác khổng lồ.
Vassana Toyou, một cư dân 41 tuổi có ngôi nhà nằm ngay bên kia bãi rác không khỏi ngán ngầm khi quang cảnh xung quanh ngôi nhà của cô, trước đây là những ngọn đồi nhỏ, giờ đã biến thành những ngọn núi rác chỉ trong vòng 1-2 tháng.
“Chúng tôi không dám ra ngoài, các con của tôi đều bị dị ứng và chúng không thể tham gia các hoạt động ngoài trời, ngay cả những việc đơn giản như phơi quần áo ngoài trời. Đôi khi ở nhà, tôi phải đeo khẩu trang vì mùi từ bãi rác gần đó. Khi mùi rất nồng, tôi phải đeo khẩu trang, bật điều hòa và máy lọc không khí liên tục. Chính vì thế mà hóa đơn tiền điện mỗi tháng lên tới gần 200 USD", cô Vassana Toyou cho biết.
Trước phản ứng của cộng đồng cư dân trên đảo, các nhà chức trách ở Phuket vẫn đang loay hoay tìm giải pháp cho vấn đề rác thải ngày càng gia tăng. Với mùa cao điểm vào tháng 12 hàng năm, mang đến lượng khách du lịch tăng đột biến, áp lực lên các cơ quan liên quan để giải quyết thách thức về quản lý rác thải càng gia tăng.
Theo ông Suppachoke Laongphet - Phó Thị trưởng thành phố Phuket, khối lượng rác thải trong mùa thấp điểm, trước khi có Covid-19, chưa bao giờ đạt tới 1.000 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, con số đó hiện đã tăng lên 1.000 đến 1.100 tấn mỗi ngày. Con số này có thể tăng lên đến mức đáng kinh ngạc là 1.100 đến 1.400 tấn mỗi ngày trong mùa cao điểm, làm dấy lên lo ngại rằng bãi chôn lấp rác có thể bị lấp đầy trong vòng một năm.
"Sự phát triển của thành phố Phuket đã diễn ra nhanh hơn nhiều so với mức cần thiết. Chúng tôi dự tính trường hợp xấu nhất, phải chuẩn bị một khu vực để chứa 1.400-1.500 tấn rác mỗi ngày trong 2-3 năm tới cho đến khi lò đốt rác (thứ hai) được xây dựng", vị lãnh đạo thành phố Phuket cho biết.
Hiện tại, chính quyền Phuket đang hợp tác với các cơ quan tư nhân và các cơ quan chính phủ khác, với mục tiêu giảm lượng chất thải lên đến 200.000 tấn trong vòng một năm. Kế hoạch này bao gồm việc chuyển đổi chất thải thành nhiên liệu. Trong khi đó, lò đốt rác thứ hai đang được xây dựng tại Phuket, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026 hoặc đầu năm 2027, với công suất mỗi ngày là 500 tấn.
Về vấn đề giảm thiểu chất thải, chính phủ Thái Lan, dẫn đầu là cơ quan kiểm soát ô nhiễm và môi trường Phuket, cũng đặt mục tiêu giảm 15% chất thải trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đang được cải thiện, các chuyên gia quản lý chất thải rắn tin rằng vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa. "Nếu chỉ tiếp tục mở rộng thêm nhiều lò đốt rác thải, tôi không nghĩ đó là giải pháp duy nhất. Tôi nghĩ họ cần tập trung vào việc giảm thiểu và phân loại rác thải", TS Panate Manomaivibool, chuyên gia quản lý chất thải rắn và là phó giáo sư tại Đại học Burapha cho biết.
Gần đây, Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu (GSTC), một cơ quan quốc tế đặt ra các tiêu chuẩn cho du lịch và lữ hành bền vững, đã thực hiện chuyến đánh giá kéo dài năm ngày tại Phuket. Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy: 70% các cơ sở lưu trú tại Phuket không được đăng ký, dẫn đến tình trạng quản lý chất thải không được kiểm soát hoặc thậm chí là sự an toàn của khách du lịch.
Đồng thời, một tổ chức phi chính phủ có tên "Quỹ Phát triển Du lịch Bền vững" (Sustainable Tourism Development Foundation) đã khởi động sáng kiến giúp giảm 500kg chất thải hữu cơ mỗi ngày. Sáng kiến này không chỉ nhằm mục đích tạo tiền lệ trong nỗ lực giảm thiểu chất thải mà còn nhằm giảm khí nhà kính do chất thải hữu cơ tạo ra, chiếm 60% lượng chất thải được đưa đến bãi chôn lấp. Đại diện tổ chức này, ông Bhummikitti Ruktaengam cho rằng với cuộc khủng hoảng quản lý chất thải đang bao trùm Phuket như hiện nay, rõ ràng Phuket không thể đơn độc, cần phải có một giải pháp chung với nỗ lực của tất cả các bên để cứu “thiên đường du lịch” này khỏi khủng hoảng rác.