Thúc đẩy du lịch thông qua điện ảnh
VOV.VN - Hôm nay (3/9), tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo Du lịch, Điện ảnh và thể thao với chủ đề "Kiến tạo tương lai - Đường dài chung bước".
Bình Định sở hữu bờ biển dài 134 km trải dài từ Bắc đến Nam, kết thúc là vịnh Quy Nhơn với bãi biển mang hình vầng trăng khuyết cùng nhiều bãi tắm đẹp và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Ghềnh Ráng - Tiên Sa, đảo Yến, đầm Thị Nại, Trà Ổ, bán đảo Phương Mai. Trên địa bàn tỉnh Bình Định, thắng cảnh còn rất hoang sơ, ẩn chứa nhiều điều chưa khám phá.
Ngoài ra, Bình Định còn được mệnh danh là vùng “đất võ, trời văn”, là “cái nôi” của nhiều môn phái võ cổ truyền Việt Nam; nơi phát tích của Quốc ngữ. Những năm qua, tỉnh Bình Định dần trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Thương hiệu du lịch Quy Nhơn - Bình Định đã từng bước khẳng định vị thế là một trong 3 thành phố du lịch của Việt Nam được nhận giải thưởng “Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2024” lần thứ 2.
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận, trong lĩnh vực điện ảnh, Bình Định chưa có nhiều dấu ấn nhưng tiềm năng, dư địa khai thác còn rất lớn. Nhiều bối cảnh, kịch bản phim đang chờ các nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch khám phá để tạo ra các tác phẩm điện ảnh hay và hấp dẫn về một vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người thượng võ, thân thiện, mến khách.
Ông Lâm Hải Giang khẳng định, điện ảnh và thể thao đã và đang góp phần quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền đến với công chúng, giúp thu hút khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: “Các thước phim và các hoạt động thể thao sẽ góp phần quảng bá vô cùng hữu hiệu cho các điểm đến du lịch, tạo dấu ấn, thúc đẩy sự khám phá đối với du khách về vùng đất, con người có bối cảnh trong phim. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để Bình Định được gặp gỡ, trao đổi, tiếp nhận những ý kiến quan trọng của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nhà quản lý và hoạt động thực tiễn. Từ đó, sẽ có những chương trình hợp tác thông qua các dự án cụ thể để cùng nhau khai thác và phát triển”.
Tại hội thảo, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ kinh nghiệm làm phim gắn với quảng bá du lịch, thể thao các địa phương. Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, khi phim được quay tại địa phương thì đoàn phim sẽ ưu tiên chọn những địa phương nào có sự hỗ trợ, giúp đỡ lớn hơn cho đoàn phim. Mỗi tỉnh, thành cần xem du lịch của mình là một sản phẩm. Trong đó, muốn bán được sản phẩm thì phải quảng bá. Để làm được điều đó, các địa phương hỗ trợ một phần hoặc đặt hàng nhà làm phim về thành phố của mình hoặc tỉnh của mình. Nếu như có sự thay đổi về mặt ngân sách sẽ giúp cho việc thúc đẩy quảng bá hình ảnh tốt hơn.
Hội Điện ảnh Việt Nam có hơn 2.000 hội viên, trong đó có rất nhiều hội viên trẻ, những đạo diễn tài năng. Việt Nam có đủ điều kiện làm dịch vụ cho những đoàn phim nước ngoài. Chính những dịch vụ đó giúp các hội viên giao lưu, học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm phim của quốc tế. Qua đó, giúp các hội viên vừa nâng cao nghề nghiệp, vừa phát triển điện ảnh và góp phần kích cầu du lịch tại địa phương.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, điện ảnh có một sức lan tỏa rất rộng lớn và góp phần kích cầu cho du lịch. Các đoàn làm phim khi sử dụng một bối cảnh tại địa phương cần bảo quản được không gian xanh, sạch. Quá trình làm phim cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa “kiềng 3 chân” đó là Nhà nước, chính quyền và doanh nghiệp - doanh nhân. Một đơn vị bỏ tiền làm phim là họ yêu điện ảnh, nhưng họ chỉ có thể bỏ tiền làm phim khi phim đó thu hồi được vốn sản xuất. Chính vì vậy, cần có một cơ chế về miễn thuế, giảm thuế cho những đoàn phim đến quay phim tại địa phương.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, những đoàn phim sử dụng nhân lực lao động tại địa phương thì cũng được có cơ chế ưu đãi để có nhiều đoàn phim đến: “Chúng tôi cho rằng, trong Luật Điện ảnh có hiệu lực từ 2023 đã nói đến xã hội hóa. Nhà nước hãy xây dựng một cơ chế cho phép tư nhân cùng với Nhà nước cùng bỏ vốn làm phim và chia theo tỷ lệ góp vốn. Đó là khi rủi ro cùng chia sẻ, khi có lời cùng chia sẻ như vậy mới là sự phát triển bền vững. Hiện nay Nhà nước mới đầu tư sản xuất phim mà không đầu tư phát hành phim, Nhà nước không đầu tư cho quảng cáo phim và chính vì điều đó nhiều bộ phim sản xuất ra bị xếp ở trong kho và đó là một điều lãng phí đáng tiếc”.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, du lịch Việt Nam đã và đang phát triển trên nền tảng văn hóa. Đất nước Việt Nam vô cùng tươi đẹp, con người Việt Nam cần cù, sáng tạo và nồng hậu hiếu khách. Tất cả những điều này đã tạo nên một bản sắc Việt Nam đáng tự hào. Du lịch kết nối văn hóa, thể thao tạo thành một sức mạnh tổng hợp. Du lịch đã trở thành động lực sáng tạo cho các đoàn làm phim nhờ những bối cảnh tuyệt vời ở Việt Nam.
Theo ông Hà Văn Siêu, võ cổ truyền tại Bình Định vô cùng độc đáo, nếu làm điện ảnh qua võ cổ truyền với cảnh quan tại Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hứa hẹn sẽ có những tác phẩm thành công: “2/3 lượng khách tìm kiếm và hứng thú đi du lịch trên quốc tế là thông qua các tác phẩm điện ảnh. Đây là một trong những tài nguyên vô tận của Việt Nam, nếu như chúng ta biết khai thác những giá trị về cảnh quan, về con người, về các bối cảnh Việt Nam. Chính thông qua các nghệ sĩ, thông qua các tác phẩm thì những giá trị của Việt Nam bay xa, vươn cao và có sức hút vô cùng mạnh mẽ”.