TP.HCM cần “đánh thức” du lịch Halal

VOV.VN - Nhu cầu du lịch lớn, chi tiêu “khủng”, khách du lịch Hồi giáo được đánh giá là nguồn khách du lịch cao cấp. Trong khi nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore,… đang nỗ lực thu hút, đón đầu dòng khách này thì TP.HCM vẫn còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng, thế mạnh hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu “khó tính” của khách du lịch Hồi giáo.

Thích du lịch Việt Nam nhưng còn lo ngại vì bất tiện

Tuyến đường Nguyễn An Ninh (Quận 1) đối diện cửa Tây - chợ Bến Thành là điểm đến không thể thiếu của du khách Hồi giáo khi đến tham quan, du lịch tại TP.HCM. Bởi đây là con đường duy nhất tập trung những hàng quán ẩm thực và bày bán các sản phẩm Halal – được sản xuất, chế biến tuân thủ các nguyên tắc và quy định của đạo Hồi.

Do chỉ được phép ăn uống, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ có chứng nhận Halal nên du khách theo tôn giáo này ít có sự lựa chọn để trải nghiệm các đặc sản, hàng hoá, dịch vụ du lịch, ẩm thực của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều này khiến cho họ cảm thấy bất tiện khi đến tham quan, du lịch và làm giảm tính hấp dẫn của các điểm đến.

Đang có chuyến du lịch kết hợp tham gia chương trình trao đổi sinh viên, giao lưu văn hoá tại một đại học ở TP.HCM, anh Aiz Asymal Bukhary Bin Kharul Izwan đến từ Malaysia cho biết, đối với anh và cộng đồng Hồi giáo việc cầu nguyện là rất quan trọng.

Mặc dù rất thích khoảng thời gian ở Việt Nam nhưng du khách này chia sẻ, anh cảm thấy không thoải mái khi chỉ được thưởng thức đồ ăn của một nhà hàng trên đường Nguyễn An Ninh mà không có nhiều sự lựa chọn. Ngoài ra, khách sạn nơi anh ở không có khu vực cầu nguyện.

"Tôi ở TP.HCM trong 4 ngày nhưng chỉ ăn tại mỗi nhà hàng này nên chúng tôi không có nhiều sự lựa chọn. Ở đây thực phẩm Halal hơi khó tìm nên chúng tôi cần cẩn thận trong việc lựa chọn đồ ăn. Điều này hơi bất tiện và mất nhiều thời gian. Trường hợp không tìm được thực phẩm Halal hoặc nơi cầu nguyện thì chúng tôi buộc phải di chuyển đến nơi sinh sống của cộng đồng Hồi giáo. Do đó, tôi nghĩ sẽ bất tiện khi di chuyển vì mất nhiều thời gian ngồi trên xe, thay vì có nhiều thời gian hơn để thư giãn, tham quan quanh thành phố" - nam du khách Hồi giáo đến từ Malaysia cho biết.

Còn với chị Izzaty - một du khách khác cũng đến từ Maylaysia thì cho rằng bản thân chị và nhóm bạn không gặp khó khăn gì trong việc tìm không gian riêng để cầu nguyện hằng ngày. Bởi ngay tại trung tâm TP.HCM có nhiều Thánh đường Hồi giáo và chị hoàn toàn có thể nhờ hướng dẫn viên du lịch dẫn đường khi có nhu cầu cầu nguyện.

Chị Izzaty cho biết: "Chúng tôi hầu như phải đến ăn cùng một nhà hàng và việc mua đồ ăn có chứng nhận Halal thì hơi đắt. Chúng tôi hy vọng rằng ở đây sẽ có nhiều đồ ăn Halal hơn, nhất là ẩm thực đường phố để chúng tôi có thể thưởng thức các món ngon Việt Nam. Còn việc cầu nguyện thì chúng tôi đã có hướng dẫn viên du lịch, họ sẽ đưa chúng tôi đến các Thánh đường khi chúng tôi muốn cầu nguyện. Vì vậy, chúng tôi có thể đi được hầu hết những nơi muốn đến, mọi chuyện không khó đến thế".

"Mỏ vàng" của ngành du lịch

Với những yêu cầu, tiêu chuẩn đặc thù "khó tính" là vậy nhưng du lịch Halal hay còn gọi du lịch thân thiện với người Hồi giáo đang là xu hướng ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Thị trường nguồn khách du lịch này được đánh giá là nhiều tiềm năng và cao cấp, nhất là dòng khách đến từ các quốc gia vùng Vịnh Trung Đông.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, đại diện Văn phòng chứng nhận Halal - HCA Việt Nam cho biết, hiện nay cộng đồng Hồi giáo chiếm 1/4 dân số thế giới. Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á đã có hơn 42% dân số là người theo đạo Hồi.

Theo bà Hằng, trong năm người Hồi giáo có nhiều kỳ nghỉ lễ, cùng với khí hậu nắng nóng kéo dài nên họ có nhu cầu du lịch là rất lớn. Bên cạnh đó, tệp khách hàng đến từ thị trường này còn có thói quen chi tiêu "khủng" miễn là các dịch vụ họ sử dụng, trải nghiệm được tuân thủ các quy định và nguyên tắc của đạo Hồi.

"Đúng là du lịch Halal rất là tiềm năng. Vì du khách Hồi giáo thường đi du lịch dài ngày và họ thường đi theo đoàn và gia đình, chứ không đi riêng lẻ. Một người đàn ông Hồi giáo khi đi du lịch, họ sẽ dẫn theo vợ con đi cùng, thông thường họ có những chuyến đi khá dài ngày. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa hiểu hết về tiêu chuẩn Halal của cộng đồng Hồi giáo để có thể tạo ra những tour du lịch chuẩn Halal" - bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng cho biết thêm.

Cũng theo đại diện Văn phòng chứng nhận Halal - HCA Việt Nam, các quốc gia Hồi giáo vùng Vịnh GCC chủ yếu phải nhập khẩu thực phẩm. Trong khi đó, nông sản và thuỷ hải sản đạt chứng nhận Halal của Việt Nam rất được thị trường này ưa chuộng.

Vì thế, đây không chỉ là “mỏ vàng” đối với ngành du lịch, mà còn là cơ hội để các sản phẩm của nước ta tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu khi ngành du lịch Hồi giáo được chú trọng phát triển.

Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ

Nhìn thấy tiềm năng của dòng khách du lịch Hồi giáo, một vài doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM như Công ty TNHH Halal Academy & Tourism Việt Nam đã tiên phong đón đầu, khai thác thị trường này. Trung bình mỗi tháng đơn vị này đón và phục vụ từ 3 – 4 đoàn khách du lịch Halal, chủ yếu họ đến từ các nước trong khu vực như: Malaysia, Indonesia, Singapore và Brunei.

Ông Abdullah Abdulrahman, chủ đơn vị lữ hành này đánh giá, TP.HCM có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch thân thiện với người Hồi giáo so với các địa phương khác trong nước. Theo đó, TP.HCM có 10 Thánh đường Hồi giáo, 19 điểm cầu nguyện (Surau) và là nơi có đồng bào Chăm theo đạo Hồi sinh sống đông nhất cả nước, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trú hiện đại, chuỗi hàng quán ẩm thực đạt chuẩn Halal, các điểm tham quan du lịch hấp dẫn và các trung tâm mua sắm và các chợ truyền thống lớn, nổi tiếng,…

Từ hiệu quả kinh doanh bước đầu, đại diện Công ty TNHH Halal Academy & Tourism Việt Nam khẳng định TP.HCM cơ bản có thể thu hút và đáp ứng được yêu cầu “khó tính” của dòng khách này đến từ các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên ông Abdullah Abdulrahman tiếc nuối khi cơ sở hạ tầng và điều kiện TP.HCM vẫn chưa thể đáp ứng các tiêu chuẩn và đủ sức hấp dẫn đối với những đoàn khách lớn hơn, thuộc phân khúc cao cấp hơn.

Cụ thể theo ông Abdullah Abdulrahman TP.HCM vẫn còn hạn chế về số lượng nhà hàng đạt chuẩn Halal nên chỉ đáp ứng được nhu cầu của du khách Hồi giáo bình dân và đi theo nhóm nhỏ lẻ. Với đối tượng khách du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo) có số lượng du khách đông thì các nhà hàng có chứng nhận Halal tại TP.HCM không đủ sức chứa. Hay dòng khách Hồi giáo đến từ các nước Tiểu Vương quốc Ả Rập - rất cao cấp, đòi hỏi phải có khách sạn, nhà hàng từ 5 sao trở lên và đạt tiêu chuẩn Halal thì mới đáp ứng được nhu cầu của họ.

Đồng tình với nhận định du lịch TP.HCM có nhiều lợi thế để hấp dẫn dòng khách “khó tính” này như: có nhiều đường bay thẳng, thuận tiện kết nối các điểm du lịch, tình hình chính trị ổn định, con người thân thiện và nền ẩm thực ngon, phong phú… Song bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc Công ty Nhà hàng khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ (HaiAu Tourist) cho biết, du khách Hồi giáo không chỉ quan tâm đến các điểm đến nổi tiếng, mà còn phải đáp ứng được các tiêu chí riêng của tôn giáo họ. Trong đó, dịch vụ ăn uống chuẩn Halal hay không gian cầu nguyện tại cơ sở lưu trú, điểm tham quan mới là mối quan tâm hàng đầu của họ. Bởi họ có văn hoá, nhu cầu thực hành tín ngưỡng, cầu nguyện 5 lần/ngày theo khung giờ cố định.

Đối với các đơn vị lữ hành, trở ngại lớn trong thiết kế tour cho thị trường du khách đặc thù này là tìm kiếm cơ sở ăn uống chuẩn Halal hay các điểm cầu nguyện khi ra khỏi các thành phố lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương chia sẻ về cách làm của HaiAu Tourist: “Điều kiện ăn uống thực sự rất khó khăn cho người dân địa phương của điểm đến để đáp ứng được nhu cầu của khách. Có một cách khắc phục đó là chúng tôi tạo ra hoạt động cooking class - cho du khách tự nấu ăn, tự thưởng thức. Khi đó, phía đơn vị lữ hành sẽ chuẩn bị nguyên liệu (thực phẩm Halal). Và lưu ý rằng bộ dụng cụ bếp, ăn uống phục vụ du khách Hồi giáo bắt buộc là một bộ riêng không đuợc sử dung chung đồ dùng phục vụ các dòng khách khác. Đây là một cách có thể áp dụng khi đưa dòng khách Halal đến với các địa phương còn hạn chế các dịch vụ thân thiện với họ”.

Ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Việt Nam cho rằng, để thu hút dòng khách tiềm năng này, các điểm lưu trú, điểm đến du lịch cần có nguồn nhân lực được đào tạo những quy chuẩn thân thiện với du khách Halal. Hiện nay, phía Công ty Halal Quốc gia Việt Nam đang định hướng đàm phán với chủ của các điểm du lịch, cơ sở lưu trú về việc xây dựng các dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo.

"Ở đây chúng tôi cũng hướng dẫn, đào tạo họ về những dịch vụ cụ thể như bố trí một phần diện tích để làm điểm cầu nguyện và chuẩn bị nguồn thực phẩm dành Halal. Để các điểm lưu trú du lịch này được xác nhận, chứng nhận có những dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo", ông Trần Văn Tân Cương nói.

Thực tế tại TP.HCM không thiếu nguồn thực phẩm để phục vụ du khách Hồi giáo khi nhiều thương hiệu lớn đã có những sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu từ nhiều năm nay. Cùng với lợi thế cơ sở hạ tầng du lịch, điều kiện dân cư xã hội TP.HCM hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu "khó tính" của khách du lịch Hồi giáo. Tuy nhiên, những, thế mạnh, tiềm năng này vẫn còn đang bị bỏ ngỏ chưa được "đánh thức" để phát triển đúng tầm. 

Theo báo cáo chỉ số Hồi giáo toàn cầu, năm ngoái, có khoảng 140 triệu lượt khách du lịch Halal (còn gọi du lịch thân thiện với người Hồi giáo) đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Dự kiến đến năm 2028, con số này sẽ lên tới khoảng 230 triệu lượt, chi tiêu lên tới 225 tỷ USD.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cơ hội thúc đẩy du lịch và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam - Indonesia
Cơ hội thúc đẩy du lịch và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam - Indonesia

VOV.VN - Theo học giả Indonesia, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước sẽ được tăng cường trong thời gian tới với việc gần đây đã mở các chuyến bay trực tiếp giữa thủ đô hai nước.

Cơ hội thúc đẩy du lịch và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam - Indonesia

Cơ hội thúc đẩy du lịch và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam - Indonesia

VOV.VN - Theo học giả Indonesia, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước sẽ được tăng cường trong thời gian tới với việc gần đây đã mở các chuyến bay trực tiếp giữa thủ đô hai nước.

TP.HCM giúp nông dân, nông thôn làm du lịch nông nghiệp
TP.HCM giúp nông dân, nông thôn làm du lịch nông nghiệp

VOV.VN - Du lịch nông nghiệp TP.HCM dư địa để mở rộng, phát triển còn rất lớn. Nhiều cán bộ hội, người nông dân cho rằng, TP cần hỗ trợ đào tạo về kỹ năng làm du lịch chuyên nghiệp để có chủ động triển khai bài bản, đúng quy định.

TP.HCM giúp nông dân, nông thôn làm du lịch nông nghiệp

TP.HCM giúp nông dân, nông thôn làm du lịch nông nghiệp

VOV.VN - Du lịch nông nghiệp TP.HCM dư địa để mở rộng, phát triển còn rất lớn. Nhiều cán bộ hội, người nông dân cho rằng, TP cần hỗ trợ đào tạo về kỹ năng làm du lịch chuyên nghiệp để có chủ động triển khai bài bản, đúng quy định.

Chuyển đổi du lịch xanh giữa lòng đô thị sầm uất nhất TP.HCM
Chuyển đổi du lịch xanh giữa lòng đô thị sầm uất nhất TP.HCM

VOV.VN - Là trung tâm của TP.HCM, một đô thị sầm uất và nhộn nhịp bậc nhất cả nước về các hoạt động kinh tế, dịch vụ, Quận 1 đang phát triển, chuyển đổi sang nhiều sản phẩm du lịch xanh, góp phần phát triển bền vững du lịch Việt Nam.

Chuyển đổi du lịch xanh giữa lòng đô thị sầm uất nhất TP.HCM

Chuyển đổi du lịch xanh giữa lòng đô thị sầm uất nhất TP.HCM

VOV.VN - Là trung tâm của TP.HCM, một đô thị sầm uất và nhộn nhịp bậc nhất cả nước về các hoạt động kinh tế, dịch vụ, Quận 1 đang phát triển, chuyển đổi sang nhiều sản phẩm du lịch xanh, góp phần phát triển bền vững du lịch Việt Nam.

Lượng khách giảm, du lịch TP.HCM tìm cách tăng sức hút
Lượng khách giảm, du lịch TP.HCM tìm cách tăng sức hút

VOV.VN - Trong tháng 9, khách du lịch trong nước và quốc tế đến TP.HCM đều giảm trên 20% so cùng kỳ năm 2023, kéo theo tổng thu du lịch giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng khách giảm, du lịch TP.HCM tìm cách tăng sức hút

Lượng khách giảm, du lịch TP.HCM tìm cách tăng sức hút

VOV.VN - Trong tháng 9, khách du lịch trong nước và quốc tế đến TP.HCM đều giảm trên 20% so cùng kỳ năm 2023, kéo theo tổng thu du lịch giảm 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.