Du lịch Việt Nam đến Hollywood: "Đứng trên vai người khổng lồ"
VOV.VN - Những bộ phim nước ngoài quay tại Việt Nam đã có đóng góp rất lớn vào việc quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hoá, con người và thúc đẩy du lịch. Sắp tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới”, nỗ lực thu hút các hãng phim từ Hollywood đến Việt Nam.
Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ (từ ngày 21 - 28/9/2024) với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” đang thu hút sự chú ý trong ngành du lịch. Do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, chương trình sẽ quảng bá điểm đến du lịch, bối cảnh quay phim và thu hút các hãng phim từ Hollywood đến Việt Nam thực hiện các bộ phim có sức hút lớn, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Đây cũng là dịp để Việt Nam giới thiệu hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch thân thiện, chất lượng, bền vững; tạo cơ hội cho các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp, đối tác Hoa Kỳ; góp phần cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác du lịch và điện ảnh giữa hai nước.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, thời gian qua ngành du lịch đã đổi mới phương thức quảng bá để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Hiện nay điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở nhiều quốc gia. Vì vậy nhiều nước như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... đã tận dụng điện ảnh để thu hút khách du lịch, trong đó có những bộ phim bom tấn từ Hollywood mang lại giá trị kinh tế rất lớn.
"Thông qua điện ảnh nhiều điểm đến du lịch trở thành nổi tiếng và đông khách. Ví dụ loạt phim 'The Lord of the Rings' góp phần nâng cao hình ảnh du lịch New Zealand, hoặc sê-ri 'Harry Potter' giúp các điểm đến và phim trường, điểm du lịch gắn với loạt phim này bùng nổ lượng khách... Tại Việt Nam, bộ phim 'Kong: Skull Island' đã giúp cho một số điểm đến Việt Nam được biết đến rộng rãi trên thế giới. Vì vậy việc phối hợp du lịch và điện ảnh, nhất là xúc tiến tại Hoa Kỳ, sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến mới của thế giới; đồng thời mang đến cơ hội đón luồng du khách sẽ đến sau khi các bộ phim được quay và công chiếu tại Việt Nam", ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.
Vừa qua, tại toạ đàm trực tuyến “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới” do Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho rằng, du lịch trong nước đang phục hồi ngoạn mục và nhân đà tăng trưởng trở lại, việc đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xây dựng chương trình truyền thông quảng bá, chiến dịch truyền thông theo cách làm mới là điều hết sức cần thiết. Trong đó có thúc đẩy phát triển du lịch từ một khía cạnh mới đầy tiềm năng là du lịch thông qua điện ảnh, văn hóa.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là xu hướng tất yếu, phát huy sức mạnh tổng lực và mang lại hiệu quả cao hơn: "Nếu trong nhà đóng cửa thì không ai hiểu Việt Nam có tiềm năng gì. Trong quá trình hội nhập, Việt Nam phải chủ động giới thiệu, có quyền tự hào về văn hóa, cảnh quan, danh lam thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng mà không phải nơi nào cũng được. Tuy nhiên cần quảng bá có trọng tâm trọng điểm, không tràn lan hoặc manh mún ở từng đơn vị hay địa phương. Khi nào bức tranh tổng thể văn hóa - du lịch Việt Nam được đồng loạt khởi động, cùng nhau tạo tiếng vang thì hiệu ứng lan tỏa cao, thu hút nhiều sự quan tâm".
Về kế hoạch kết hợp điện ảnh Hollywood với du lịch Việt Nam, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin rằng Hoa Kỳ là nơi hội tụ tinh hoa điện ảnh và có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển rất mạnh, mang đến nhiều cơ hội tạo ra các sản phẩm giá trị, đóng góp tích cực về quảng bá du lịch. "Tận dụng điện ảnh thế giới, trong đó có các nhà làm phim Hollywood để quảng bá là hướng đi vừa có diện rộng vừa có chiều sâu, giúp công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam hiệu quả hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Các địa phương cần chủ động, sẵn sàng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong lúc chờ có trường quay hiện đại, cần tận dụng trường quay tự nhiên sẵn có như Hạ Long, Quảng Bình, Huế, Nha Trang (Khánh Hoà), Hà Nội, TP.HCM… Chỉ cần 1 bộ phim nước ngoài lấy bối cảnh tự nhiên ở Việt Nam đã là cách hiệu quả giới thiệu điểm đến. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cũng cần chủ động, sẵn sàng vào cuộc, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà làm phim, qua đó, xây dựng được các sản phẩm du lịch điện ảnh ấn tượng, có sức lan tỏa.
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết địa phương hiểu rõ những hiệu quả to lớn khi kết hợp giữa điện ảnh và du lịch: "Bộ phim 'Indochine' năm 1992 đã giúp Tam Cốc - Bích Động được nhiều khách quốc tế biết đến, đặc biệt là du khách Pháp. Trước đó, nơi này hầu như không có khách du lịch quốc tế. Nắm bắt điều này, tỉnh Ninh Bình đã tạo điều kiện cho nhiều đoàn làm phim khác đến đây. Sau khi phim 'Kong: Skull Island' được công chiếu và tái hiện trường quay bộ phim này tại khu du lịch Tràng An đã tạo ra hiệu ứng lớn, khách quốc tế đến Ninh Bình chiếm tỉ trọng cao hơn, có những nơi khách quốc tế chiếm 60-70%".
Tuy nhiên đại diện Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng, chỉ riêng một địa phương sẽ khó có đủ nguồn lực, nhân lực khi đón các đoàn phim lớn của nước ngoài, như từ Hollywood, ví dụ thời điểm phim "Kong: Skull Island" được quay tại Ninh Bình đã phải sử dụng nhiều đội ngũ từ Hà Nội.
Phân tích thành công của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" với Phú Yên, bà Ngô Phương Lan (Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam) cho rằng sự chủ động của địa phương đóng vai trò quan trọng khi gắn kết du lịch với điện ảnh. "Phú Yên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tận dụng được hiệu ứng bộ phim 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh', theo tôi địa phương này là lựa chọn hàng đầu tại Việt Nam cho các đoàn làm phim. Gần đây một đơn vị từ Hàn Quốc đã hoàn thiện bộ phim quay ở Phú Yên và sẽ ra mắt vào tháng 11 tới đây, và sắp tới một hãng phim lớn Ấn Độ cũng sẽ bắt đầu quay ở Phú Yên và Đà Lạt. Các địa phương nếu muốn thu hút đoàn làm phim thì cần cam kết rõ ràng những hỗ trợ về hạ tầng, chi phí, thủ tục pháp lý, hạ tầng cơ sở... như Phú Yên đã làm được".
Theo bà Ngô Phương Lan, các cơ chế giảm thuế, ưu đãi cho nhà làm phim… đóng vai trò quan trọng khi nhà sản xuất phim nước ngoài lựa chọn điểm đến. "Nhìn sang Thái Lan mỗi năm thu hút trên dưới 100 đoàn làm phim lớn nhỏ, nhưng ở Việt Nam, tính đi tính lại vẫn chưa hết được 2 bàn tay. Chi phí làm phim ở Việt Nam cao hơn thì họ sẽ sang nơi có bối cảnh tương tự như Thái Lan, Philippines hoặc các nước chào đón họ. Như vậy, chúng ta mất nhiều khách hàng... Ngoài ra, cũng cần có cơ chế hỗ trợ phát hành phim để có sức lan tỏa. Khi có cơ chế thông suốt để phim đến với đông đảo công chúng thì mới có thể thành công về mặt quảng bá du lịch".