Vì sao lượng khách tăng nhưng công ty du lịch vẫn khó khăn?
VOV.VN - Theo các doanh nghiệp du lịch, số lượng du khách tại Việt Nam tăng mạnh nhưng khách đi tour không tăng nhiều. Hơn nữa trong số du khách quốc tế đến Việt Nam, không phải tất cả là khách du lịch thuần túy.
Tại tọa đàm “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá” do Báo Người Lao động tổ chức hôm 12/3, nhiều doanh nghiệp phản ánh hoạt động kinh doanh du lịch vẫn gặp nhiều khó khăn, cho dù lượng khách nói chung trên cả nước đã tăng nhanh trở lại. Trong đó, khó khăn đến với cả doanh nghiệp đón khách quốc tế và đơn vị tổ chức tour du lịch nội địa.
Nhấn mạnh ngành du lịch hiện nay còn rất nhiều khó khăn, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: "Khách du lịch tăng khá nhanh nhưng so với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế thì còn thấp. Hơn nữa thực tế là số du khách tăng nhưng khách đi tour do công ty lữ hành tổ chức lại không tăng nhiều".
Ngoài ra, dù lượng khách quốc tế có tăng nhưng lợi nhuận chảy về doanh nghiệp chưa cao. Ông Võ Việt Hòa - Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nêu thực trạng: “Vừa qua, có các thống kê khách quốc tế đến Việt Nam tăng. Điều này đúng nhưng có bao nhiêu khách là du lịch thuần túy? Bởi khách quốc tế tăng nhưng thực tế công ty du lịch vẫn đói khách. Theo thống kê, khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng nhưng doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều lợi nhuận do không cung cấp được các dịch vụ trọn gói, ví dụ như Saigontourist chỉ cho thuê xe. Về khách Nhật Bản, họ đến Việt Nam không tăng do người dân Nhật đang thắt chặt chi tiêu, thận trọng du lịch nước ngoài. Sau 2 năm trông chờ, khách Trung Quốc không bùng nổ như kỳ vọng nhưng năm 2024 có thể tốt hơn khi Trung Quốc có chính sách khuyến khích du lịch”.
Hiện nay, chi phí vé máy bay nội địa đang cao, nên du khách thường so sánh giá tour trong nước với các điểm đến trong ASEAN, dẫn đến chọn du lịch nước ngoài nhiều hơn đi trong nước. Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty du lịch Kiwi Travel nói: “Giữa lúc Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế thì người Việt Nam lại du lịch nước ngoài nhiều hơn. Đây là trở ngại trong liên kết phát triển các tour dài ngày trong nội địa. Các công ty du lịch cần liên kết nhiều hơn để phát triển du lịch nội địa”.
Bà Phan Thị Thúy Dung - đại diện Tập đoàn Sungroup chia sẻ, sau 3 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đến thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch vẫn đang ở giai đoạn "ngấm đòn" sâu bởi quá nhiều khó khăn chồng chất. Tín hiệu khởi sắc lớn nhất là lượng khách quốc tế đã tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Thực tế, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam ở thời điểm nay vẫn còn gặp rào cản về visa và đường hàng không.
"Do vậy, chúng tôi vẫn tha thiết kỳ vọng chính sách visa sẽ tiếp tục được cải thiện, nới lỏng hơn nữa để Việt Nam có thể tăng cường thu hút các thị trường khách quốc tế mới, bù đắp lại những thị trường truyền thống lớn đang bị hao hụt như Trung Quốc, Nga. Trước mắt, chúng ta có thể cân nhắc đề xuất miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 1 năm) cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ...", bà Phan Thị Thúy Dung nói.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel đề xuất: "Chúng ta nói nhiều về visa nhưng tại các nước, chính sách về visa thay đổi rất nhanh, linh hoạt, phục vụ đúng nhu cầu của khách. Chúng ta có nhiều cố gắng nhưng chưa linh hoạt bằng các nước. Về kết nối du lịch để tạo sản phẩm, hạn chế nằm ở khâu liên kết không sâu và lỏng lẻo, chưa đủ rẻ và hấp dẫn để thu hút khách. Tới đây đề nghị các đơn vị mạnh nhất trong ngành du lịch sẽ ngồi lại với nhau để hỗ trợ phát triển thị trường du lịch nước ngoài, bàn hành động cụ thể để 'đánh' vào thị trường cụ thể".