Rộn ràng canh hát ngày Xuân

VOV.VN - Ca trù đã hiện diện và đi sâu vào đời sống tinh thần của người dân Hải Phòng. Đến TP Cảng vào những ngày đầu Xuân, chúng ta có dịp thưởng thức một canh hát cửa đình trong không gian linh thiêng, huyền ảo tại Đình Hàng Kênh hay Đình An Biên.

Ca trù, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã bền bỉ lưu dấu trên mảnh đất Hải Phòng – thành phố Cảng đầy sôi động. Dù trải qua những thăng trầm của thời gian, loại hình nghệ thuật này vẫn có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây, không chỉ là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại mà còn là niềm tự hào về một di sản quý từng ngày được hồi sinh. 

Buổi chiều, sau giờ học vào thứ 3, 4, 5 hàng tuần, các bạn nhỏ là thành viên Câu lạc bộ (CLB) ca trù trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) tập trung tập hát, luyện gõ phách. Tiếng hát, nhịp phách đôi khi chưa chuẩn nhưng chứa đựng sự say mê. Trong không khí xuân rộn ràng, nhịp phách, tiếng đàn của các em mang lại cảm giác bình yên và tràn đầy nhựa sống.

Nguyễn Xuân Tú, lớp 5A4, trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố chia sẻ: "Con học ca trù được một năm rưỡi, con đã hát được những bài, như: Hoa phong lan, Cho con đi học chữ… Qua những bài ca trù, con hiểu hơn để gìn giữ những nét đẹp văn hoá, truyền thống của đất nước mình thì ta sẽ phải bảo vệ làn điệu ca trù, làn điệu dân ca".

Bùi Thị Gia Linh, lớp 5A5), trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố chia sẻ: "Con bắt đầu học ca trù từ lớp 4. Con thấy ca trù khá khó, nhưng khi học ca trù con thấy rất vui. Con đã cùng các bạn đi biểu diễn ca trù ở Đình An Biên, nhà hát lớn. Con rất tự hào vì con đã có thể lan toả làn điệu ca trù đến nhiều người".

CLB ca trù trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố được thành lập được hơn 1 năm qua, với hơn 40 em học sinh. Cô giáo Bùi Thị Là, giáo viên âm nhạc của Trường, phụ trách CLB ca trù kể rằng các em học sinh rất hào hứng tham gia CLB, mặc dù bộ môn nghệ thuật này khá khó với các em. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, các em đã quen thuộc với các dòng nhạc mới nên khi tiếp cận với các dòng nhạc truyền thống còn nhiều bỡ ngỡ, xa lạ. Tuy nhiên, sau một thời gian được các nghệ nhân và các thầy cô giảng dạy, nhiều em thực sự đam mê và học rất nghiêm túc và tự tin biểu diễn trên các sân khấu lớn, như: Nhà hát lớn thành phố, chương trình giới thiệu di sản văn hoá, giao lưu tại các tỉnh thành… 

Cô giáo Bùi Thị Là cho biết, đối với các em học sinh, phải kiên trì và có cách truyền dạy đặc biệt: "Loại hình nghệ thuật dân tộc, khó nhất là phách nhịp. Lời ca thì mình có thể bắt chước được một chút, nhưng phách nhịp của nghệ thuật truyền thống thường có phách nội, phách ngoại, không như nhạc hiện hành chỉ có phách nội, đặc biệt ca trù có rất nhiều phách ngoại nên rất khó tiếp cận. Cái này bắt buộc phải tách ra từng khổ phách và khi nào các con làm tốt khổ phách đó thì mới chuyển sang khổ phách tiếp theo để các con có thể tiếp thu trọn vẹn và đầy đủ hơn".

Hải Phòng là vùng đất có bề dày lịch sử, là điểm hội tụ nhiều giá trị văn hoá Việt Nam và cũng là đầu mối giao lưu văn hoá thế giới. Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập cũng ghi dấu trên vùng đất này nhiều di sản văn hoá có giá trị được quốc gia, quốc tế ghi nhận và tôn vinh, trong đó có nghệ thuật ca trù. Trong những năm 1930-1940, tại Hải Phòng xuất hiện nhiều ca quán, các giáo phường ca trù hoạt động sôi nổi, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa nghệ thuật của thành phố Cảng. Đặc biệt, làng Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên (nay là phường Hoà Bình, TP Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng) được biết đến như cái nôi của ca trù vùng duyên hải Bắc Bộ.

Trải qua những biến động và thăng trầm của lịch sử, ca trù tại Hải Phòng dần bị mai một. Những năm gần đây, với sự quan tâm của các ban ngành, sự nỗ lực của các nghệ nhân, nghệ thuật ca trù đang được khôi phục và bảo tồn tại Hải Phòng.

NSƯT Đỗ Quyên, Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Hải Phòng là một trong những người có công khôi phục, làm “sống lại” nghệ thuật ca trù tại Hải Phòng, kể: "Chúng tôi phục dựng lại ca trù từ năm 1993, với một số đào kép lớn tuổi, các cụ truyền lại cho chúng tôi, chúng tôi lại truyền lại cho thế hệ sau này. Ca trù Hải Phòng là đơn vị đầu tiên khôi phục lại hát cửa đình (năm 2015). Chúng tôi đã kết hợp với Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia để làm chương trình hiệu chỉnh lại khuôn phách của ca trù theo đúng chuẩn của các nghệ nhân tài danh".

Hiện nay, nhiều CLB ca trù tại Hải Phòng đã được thành lập, như: CLB ca trù Đông Môn, CLB ca trù An Biên, CLB ca trù Trung tâm văn hoá quận Ngô Quyền… Ngoài trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, ca trù cũng được truyền dạy trong nhiều trường học tại Hải Phòng, như: Trường Tiểu học và trường THCS Hoà Bình (TP Thuỷ Nguyên), trường Trung cấp văn hoá nghệ thuật Hải Phòng…

Ca trù đã hiện diện và đi sâu vào đời sống tinh thần của người dân Hải Phòng. Đến TP Cảng vào những ngày đầu Xuân, chúng ta có dịp thưởng thức một canh hát cửa đình trong không gian linh thiêng, huyền ảo tại Đình Hàng Kênh hay Đình An Biên. Dịp Tết, ca trù cũng được biểu diễn và giới thiệu tại Vườn hoa Nhà kèn thành phố với những thể cách phù hợp, để nhân dân và công chúng hiểu hơn về di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

NSƯT Nguyễn Thị Thu Hằng, người được mệnh danh là “đào nương có giọng hát ca trù hay nhất Việt Nam”, hiện là chủ nhiệm CLB Nghệ thuật dân gian truyền thống Hải Phòng và cũng là người truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ, đào tạo được nhiều ca nương nhí. 

NSƯT Nguyễn Thị Thu Hằng nói: "Tôi đến với nghệ thuật ca trù là một nhân duyên nhưng nhân duyên để tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là tôi có các thế hệ lớp trẻ, các bạn là những người trẻ tuổi nhưng rất yêu thích nghệ thuật ca trù. Mà không những các bạn ấy mà gia đình, ông bà, bố mẹ các bạn ấy cũng rất yêu thích ca trù và nghệ thuật truyền thống. Các bạn ấy giờ rất thông minh, tiếp thu rất nhanh". 

Nỗ lực truyền dạy và bảo tồn ca trù của các nghệ nhân và sự kế thừa của thế hệ trẻ chính là cầu nối để đưa di sản ca trù hòa nhịp với cuộc sống hiện đại. Để mỗi dịp Xuân về, những giai điệu ca trù lại ngân lên, như một lời nhắc nhở đầy tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

NSƯT Văn Khuê với tiếng đàn đáy say duyên nợ ca trù

VOV.VN - NSƯT Nguyễn Văn Khuê sinh ra trong gia đình có truyền thống hàng trăm năm giữ nghiệp ca trù. Ông theo học đàn đáy từ năm 12 tuổi. Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia năm 1987, ông về công tác tại Đoàn văn công Bộ đội Biên phòng, vừa hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, vừa nỗ lực góp phần hồi sinh và phát triển ca trù.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhạc sĩ Văn An và những sáng tác về Đảng và Bác Hồ kính yêu
Nhạc sĩ Văn An và những sáng tác về Đảng và Bác Hồ kính yêu

VOV.VN - Những ca khúc của Văn An là tiếng nói của tình yêu nhân dân ta với Đảng và Bác Hồ kính yêu cùng cuộc đấu tranh cách mạng trong những tháng năm không thể nào quên.

Nhạc sĩ Văn An và những sáng tác về Đảng và Bác Hồ kính yêu

Nhạc sĩ Văn An và những sáng tác về Đảng và Bác Hồ kính yêu

VOV.VN - Những ca khúc của Văn An là tiếng nói của tình yêu nhân dân ta với Đảng và Bác Hồ kính yêu cùng cuộc đấu tranh cách mạng trong những tháng năm không thể nào quên.

Soobin Hoàng Sơn, Tùng Dương thăng hoa trong "Rực rỡ Thăng Long" đón giao thừa
Soobin Hoàng Sơn, Tùng Dương thăng hoa trong "Rực rỡ Thăng Long" đón giao thừa

VOV.VN - Mãn nhãn với chương trình Rực rỡ Thăng Long đón năm mới Ất Tỵ diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).

Soobin Hoàng Sơn, Tùng Dương thăng hoa trong "Rực rỡ Thăng Long" đón giao thừa

Soobin Hoàng Sơn, Tùng Dương thăng hoa trong "Rực rỡ Thăng Long" đón giao thừa

VOV.VN - Mãn nhãn với chương trình Rực rỡ Thăng Long đón năm mới Ất Tỵ diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).

Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt chùm 3 ca khúc mừng Đảng, mừng xuân
Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt chùm 3 ca khúc mừng Đảng, mừng xuân

VOV.VN - Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung đã giới thiệu tới công chúng bộ 3 tác phẩm: “Đất nước yêu người”, “Xin rạng ngời” và “Đất nước vươn mình”. Các tác phẩm được 2 giọng ca hàng đầu của dòng nhạc thính phòng Việt Nam là NSND Quốc Hưng và NSƯT Đăng Dương trình bày.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt chùm 3 ca khúc mừng Đảng, mừng xuân

Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung ra mắt chùm 3 ca khúc mừng Đảng, mừng xuân

VOV.VN - Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung đã giới thiệu tới công chúng bộ 3 tác phẩm: “Đất nước yêu người”, “Xin rạng ngời” và “Đất nước vươn mình”. Các tác phẩm được 2 giọng ca hàng đầu của dòng nhạc thính phòng Việt Nam là NSND Quốc Hưng và NSƯT Đăng Dương trình bày.