Các kiểu ngụy biện trong tranh luận về sự việc mì Hảo Hảo
VOV.VN - Sau khi Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide, trong đó có mì Hảo Hảo, Công ty Acecook Việt Nam cần minh bạch với người dùng Việt Nam.
Ngụy biện là việc sử dụng các lập luận để đánh tráo khái niệm, cố ý vi phạm các quy tắc logic trong suy luận, làm mọi người nhầm tưởng cái sai là đúng và cái đúng là sai. Đó là những cách bóp méo tư duy, đưa chúng ta đến những kết luận sai lầm.
Qua quan sát có thể chỉ ra một số nguỵ biện trong vụ mì tôm Hảo Hảo như sau:
- Hàng ngày chúng ta đang sống trong môi trường độc hại, thuốc lá, rượu bia độc hại gấp hàng trăm lần còn không ăn thua, nhằm nhò gì mấy gói mì Hảo Hảo?
Đây là kiểu nguỵ biện lấy một thứ không liên quan, chọn so sánh với những cái hậu quả lớn hơn để làm cho cái hậu quả ít thành không có gì. Kiểu nguỵ biện này khiến người nghe cảm thấy vấn đề không còn nghiêm trọng nữa.
- Thuốc lá, rượu bia luôn có cảnh báo trên cả bao bì và ra rả trên truyền thông, mì tôm có làm thế không. Hơn nữa, đâu phải tất cả các sản phẩm mì tôm trên thị trường đều có chất cấm như thuốc lá?
Ở Châu Âu tiêu chuẩn khắt khe, quá cao nhưng ở Việt Nam thì lại cho phép. Đang đói phải có cái ăn đã rồi hãy nghĩ tới chuyện tiêu chuẩn này kia.
Kiểu nguỵ biện, so sánh này hướng sự tập trung của mọi người vào một hệ quy chiếu khác, để từ đó lý giải hợp lý cho lỗi của mình.
Không lẽ sức khoẻ của người ở châu Âu quan trọng hơn người Việt Nam? Hơn nữa, mì Hảo Hảo không phải là lựa chọn duy nhất. Không có Hảo Hảo thì có hàng trăm loại mì khác không có chất cấm cơ mà.
- “Đen thôi đỏ quên đi”. Giờ xét nghiệm thì công ty mì gói nào chẳng có đầy chất bảo quản có khả năng gây ung thư.
Kiểu nguỵ biện này lấy số đông để lấn át số ít, đưa ra giả định về hậu quả cao nhất để làm lu mờ hậu quả trước mắt. Khi thấy mọi thứ xung quanh đều xấu thì tự nhiên thứ đang xấu không còn xấu nữa.
Cách nguỵ biện này không hề có căn cứ, không dựa trên số liệu. Và thực tế trong sản xuất, với các quy chuẩn như hiện nay lập luận này đương nhiên chỉ có ở mồm người nguỵ biện.
- Chắc là có đối thủ đứng sau "chơi bẩn" rồi, không nên tiếp tay cho doanh nghiệp triệt hạ nhau?
Đây là một dạng nguỵ biện dựa vào động cơ không có thật, dựng lên một âm mưu để đưa tiêu chuẩn đạo đức vào đánh giá. Khi nhìn dưới tiêu chuẩn đạo đức không đúng thì vấn đề đặt ra coi như sai.
Nhiều người bóng gió chửi các doanh nghiệp sản xuất mì tôm khác là cạnh tranh không lành mạnh, triệt hạ đối thủ, chơi bẩn, chơi xấu... mà không có bằng chứng gì. Hành động quy tội cho người khác mà không có căn cứ cũng chính là 1 hành vi không lành mạnh và đang triệt hạ người khác.
Khi một cơ quan chức năng ở châu Âu lên tiếng, nghĩa là nó ở mức độ cần phải cảnh báo cho người tiêu dùng, chứ không dễ gì dùng họ như công cụ để đánh đối thủ cạnh tranh. Vì ở nước ngoài luật pháp minh bạch, nếu không đúng, họ bị doanh nghiệp kiện cho hết đường làm ăn ngay.
Tóm lại, không vô tình làm hại cho doanh nghiệp, vì xây dựng nên một thương hiệu vô cùng khó khăn. Nhưng cần ủng hộ việc minh bạch thông tin, điều đó cần cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, công bố kết luận rõ ràng. AceCook cần công khai, minh bạch thông tin xem mì gói bán ở Việt Nam có chất cấm hay không.
Cứ cho là hàm lượng của chất cấm rất ít, không đủ ảnh hưởng ngay tới sức khoẻ nhưng không vì thế mà chúng ta im lặng.
Cần ủng hộ việc áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo sức khoẻ nhất cho người dân, dù gói mì 3.500 đồng hay 1.000 đồng thì cũng không nên bán rẻ tiêu chuẩn của bản thân mình. Mình tự coi thường mình mới là đáng thất vọng nhất./.