Báo cáo đầu tư sân bay Long Thành: Tuyệt đối không làm kiểu đối phó
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ngày 20/1. Theo ông Thăng, tất cả vấn đề Quốc hội hỏi, báo cáo phải giải trình kỹ.
Hôm qua (20/1), chỉ đạo hoàn thiện báo cáo đầu tư Dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ, quan điểm của Bộ GTVT là không làm để đối phó, để chỉ phê duyệt cho xong. Tất cả vấn đề Quốc hội hỏi, báo cáo phải giải trình kỹ, trả lời càng rõ ràng, sau này triển khai dự án càng dễ.
Cân nhắc phương án đường cất hạ cánh
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CHK ACV Đỗ Tất Bình cho biết, TCT đã nghiên cứu, tham khảo phương án bố trí tổng mặt bằng sân bay Changi (Singapore), từ đó đề xuất phương án tối ưu cho dự án.
“Với diện tích 1.700ha, sân bay Changi được bố trí xây dựng 2 đường cất hạ cánh (CHC) song song cách xa nhau cho phép hoạt động độc lập. Khu vực ở giữa bố trí các nhà ga hành khách, đường nội bộ cho xe và các phương tiện liên kết khác. Phía Bắc là khu vực hàng hóa và bảo dưỡng sửa chữa máy bay. Các dịch vụ như thương mại, logistics… được xây dựng ở các khu vực xung quanh. Theo kế hoạch, Changi sẽ mở rộng thêm 1.080 ha về phía Đông, gồm một đường CHC và các nhà ga hành khách”, ông Bình cho biết.
Phối cảnh nhà điều hành tại cảng hàng không quốc tế Long Thành
Đại diện ACV nhấn mạnh: “Nếu áp dụng cấu hình hai đường CHC mở và các nhà ga bố trí ở giữa như sân bay Changi, ưu điểm lớn là sẽ đạt công suất khai thác cao hơn so với hai đường cất hạ cánh đóng”.
Tuy nhiên, ông Bình cũng nêu rõ hạn chế của phương án này là chi phí xây dựng sẽ cao hơn do chi phí GPMB lớn hơn, thời gian thi công dài hơn, chi phí san lấp mặt bằng cao do có nhiều sông suối và độ chênh cao lớn… Từ đây, phía ACV đề xuất xây dựng hai đường CHC cấu hình đóng ngay từ giai đoạn một. Giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục xây dựng thêm hai đường CHC đóng nữa.
So sánh trường hợp bố trí xây dựng ba đường CHC cấu hình mở của Changi với hai cặp đường CHC cấu hình đóng của Long Thành, ông Bình nêu rõ: “Hai CHK có diện tích sử dụng tương đương (Changi 2.780 ha, Long Thành 2.500 ha), công suất của Changi đạt 130 triệu khách/ năm, Long Thành 100 triệu khách/ năm. Sở dĩ không chọn phương án ba đường CHC độc lập của Changi là vì phương án này sẽ phải xây dựng hai hệ thống giao thông tiếp cận riêng biệt, dẫn đến chi phí đầu tư cao hơn hai cặp đường CHC cấu hình đóng”, ông Bình phân tích.
Chủ tịch HĐTV ACV Nguyễn Nguyên Hùng bổ sung: “Nếu xét về diện tích đất thì ba hay bốn đường băng cũng như nhau, bởi theo theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đều đáp ứng 700 chuyến”.
Giải thích phải có căn cứ, thông số phải theo thông lệ quốc tế
Phương án mà ACV đưa ra ngay lập tức nhận được sự phản biện của Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Tại sao cùng một diện tích xây dựng, công suất của Changi lại đạt 130 triệu khách/năm, trong khi Long Thành lại chỉ có 100 triệu? Nếu chỉ vì tiết kiệm chi phí đầu tư mà chọn cặp đường CHC cấu hình đóng là không được, bởi đây cũng chính là hạn chế của hai đường CHC tại Tân Sơn Nhất hiện nay”.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc nói: “Phải làm rõ là chúng ta làm dự án xuất phát từ vốn hay kỹ thuật. Tôi cho rằng, đã làm CHK hiện đại phải xuất phát từ kỹ thuật. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chắp vá”.
Được biết, theo tiêu chuẩn của ICAO, công suất của hai đường CHC đóng (không thể hoạt động độc lập) chỉ bằng 1,3 so với 1 đường CHC.
Chỉ đạo hoàn thiện báo cáo đầu tư dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Quốc hội đã cơ bản đồng tình việc phải có CHK tầm cỡ như Long Thành. Tuy nhiên, làm ở đâu, như thế nào, vốn ra sao, phương án vận hành khai thác, hiệu quả kinh tế - xã hội cần phải được cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng”.
Yêu cầu ACV phải mời ngay tư vấn Nhật sang làm việc, Bộ trưởng cũng nêu rõ, phải đặt tất cả các vấn đề ra, yêu cầu tư vấn phải làm rõ để báo cáo Quốc hội. “Chúng ta làm báo cáo để thông suốt các vấn đề, chứ không phải chỉ để Quốc hội thông qua. Tuyệt đối không làm báo cáo kiểu đối phó. Không giải thích theo kiểu ngụy biện. Giải thích phải có căn cứ khoa học chứ không giải thích cho xong. Thông số tính toán phải theo thông lệ quốc tế. Không thể hôm nay thích thế này, mai lại thế khác”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến suất đầu tư dự án - vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng chỉ đạo: “Tuyệt đối không “vống” lên để dễ làm sau này, nhưng cũng tránh tình trạng gò xuống quá chỉ để được Quốc hội thông qua. Suất đầu tư phải tính toán chuẩn xác, số liệu phải tiếp cận được báo cáo khả thi”.
Về phương án triển khai dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, dứt khoát theo phương án đường CHC cấu hình mở, tuy nhiên phân kỳ làm trước một đường, sau đó làm đường thứ hai sau. Liên quan đến vốn đầu tư, cần tách bạch rõ ràng vốn ngân sách, vốn ODA, vốn đầu tư các hạng mục do tư nhân làm, cố gắng mức đầu tư phải thấp nhất. Tính toán đưa ra phải cụ thể, thuyết phục. Không phải vốn đầu tư cứ giảm là tốt mà quan trọng phải thuyết phục. Phải sớm công bố quy hoạch để thuận cho người dân khu vực dự án ổn định cuộc sống./.