Bao giờ Việt Nam hết nhận ODA từ Nhật Bản?
VOV.VN -Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam đặt câu hỏi này tại buổi họp báo thường niên “Nhìn lại tài khóa 2014, định hướng của JICA cho tài khóa 2015”.
Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, ông Mori Mutsuya tại buổi họp báo thường niên ngày 1/4, tại Hà Nội.
Theo quan điểm của Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, chìa khóa mấu chốt của tương lai này là phải quản lý hiệu quả nguồn vốn vay ODA, quản lý tốt các công trình công cộng. Việt Nam còn yếu trong khâu giải phóng mặt bằng không chỉ với các dự án ODA mà cả các dự án khác.
Theo ông Mori Mutsuya, lợi ích của Việt Nam khi tiếp nhận các dự án xây dựng công trình hạ tầng từ phía Nhật Bản là: Các công trình này chắc chắn sử dụng công nhân là người Việt Nam, số lượng cán bộ là người Việt Nam tham gia các dự án ODA hạ tầng ngày càng tăng, và được chuyển giao từng bước công nghệ Nhật Bản.
Điều mà Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc hiện nay và trong tương lai, đó là muốn tiếp nhận công nghệ gì của Nhật Bản, từ đó sẽ đi đến quyết định công trình đó có cần ODA của Nhật hay không…
Về lo ngại việc lạm dụng nguồn vốn vay ODA là một trong những nguyên nhân gây phát sinh nợ công ở Việt Nam, cũng như giá thầu các công trình hạ tầng mà Nhật Bản đưa ra thường cao hơn các nhà thầu khác dẫn đến khoản nợ công Việt Nam lớn hơn, Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, ông Yamamoto Kenichi cho rằng, thực tế giá công trình mà nhà thầu Nhật Bản đưa ra thường “đắt hơn” khoảng từ 10 – 20% đối với các dự án xây dựng công trình công cộng. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức vay và hoàn trả cũng như có lộ trình hoàn trả theo thời gian thích hợp.
Ngoài các dự án công trình xây dựng hạ tầng, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh cho Việt Nam…, năm 2015, JICA định hướng chú trọng nhiều hơn tới một số dự án cải thiện đời sống xã hội của người dân Việt Nam. Trong đó, có Dự án thiết lập đường dây nóng về phòng chống mua bán người (Số hotline: 1800 - 1567). Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2013 ở Việt Nam đã xảy ra hơn 500 vụ mua bán người, với số người bị hại lên tới 100 người và có xu hướng ngày càng gia tăng qua các năm. Từ năm 2012, Việt Nam đã bắt đầu thực thi Luật phòng chống mua bán người. Dự án này của JICA sẽ giúp thiết lập, vận hành đường dây nóng miễn phí hoạt động 24/24h để hỗ trợ tư vấn qua điện thoại về các biện pháp phòng chống mua bán người và hỗ trợ hòa nhập cho các nạn nhân.
Cùng với đó, Dự án triển khai trên toàn quốc Sổ tay sức khỏe bà mẹ trẻ em thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang từ tháng 2/2011 đến tháng 12/2014, nhằm mục đích nâng cao ý thức về chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai và cho con bú, cải thiện sự giao tiếp giữa nhân viên y tế với phụ nữ mang thai. Dự án này đã kết thúc nhưng các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ bằng cách in thêm số lượng Sổ tay cần thiết trong năm 2015, dành cho 4 tỉnh nói trên, nhằm phổ cập cuốn sổ này trên toàn quốc. JICA đang bàn với Bộ Y tế Việt Nam về việc triển khai dự án này trên toàn quốc./.