Bảo vệ nguồn lợi thủy sản rất cần vai trò “đồng quản lý” của ngư dân
VOV.VN - Với thực trạng nguồn lợi thủy sản ở biển Việt Nam ngày càng cạn kiệt, việc quản lý nguồn lợi này chỉ dựa vào nguồn lực nhà nước rất khó thành công.
Sáng nay (9/12), tại tỉnh Bình Thuận, Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị quốc gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là hoạt động có ý nghĩa bức thiết trước tình trạng nguồn lợi thủy sản trên biển đang ngày càng cạn kiệt.
Chuyên gia chính sách nghề cá của tổ chức JICA chia sẻ kinh nghiệm đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Nhật Bản
Các bài tham luận tại hội nghị cung cấp thông tin mới nhất về chính sách bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khuôn khổ của Luật Thủy sản năm 2017, chia sẻ kinh nghiệm về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi của đất nước Nhật Bản, thực tiễn về đồng quản lý thủy sản dựa vào cộng đồng mà một số tỉnh ven biển Việt Nam đã triển khai như: Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Bình Thuận; nhất là thành công bước đầu của mô hình đồng quản lý loài nhuyễn thể sò lông tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Thông qua hội nghị, các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà quản lý và ngư dân bổ sung cơ sở thực tiễn góp phần hoàn thiện khung pháp lý thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam, huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ nhằm duy trì sinh kế bền vững cho ngư dân và bảo tồn hệ sinh thái biển, thúc đẩy hoạt động điều phối và cam kết hỗ trợ thực hiện hoạt động này.
Hoạt đồng bảo về nguồn lợi thủy sản cần có sự tham gia của cộng đồng bên cạnh nguồn lực nhà nước
Với thực trạng nguồn lợi thủy sản ở biển Việt Nam ngày càng cạn kiệt, việc quản lý nguồn lợi này chỉ dựa vào nguồn lực nhà nước rất khó thành công. Do đó, đổi mới phương pháp quản lý gắn với vai trò của cộng đồng trở thành yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Nùng, đại diện Hội cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý, nơi thực hiện thành công mô hình đồng quản lý nhuyễn thể sò lông ở tỉnh Bình Thuận cho rằng, nguồn lợi tái sinh đem lại môi trường rất tốt. Vì thế, cần phải có trách nhiệm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt như hiện nay./.
Phạt đến 1 tỷ đồng nếu làm thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản