“Bắt bệnh” ngành công nghiệp chậm phát triển
VOV.VN - Muốn cơ cấu lại ngành công nghiệp cần chỉ ra được những điểm còn yếu, tắc nghẽn để có hướng phát triển cho từng lĩnh vực cụ thể.
Tại Hội thảo “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017-2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 31/5, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, cơ cấu các ngành công nghiệp đã dần chuyển dịch theo hướng có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn.
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng qua các năm. Cùng với đó, các ngành công nghiệp lớn vẫn tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng cao và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp dệt may, da giày…
Ông Lê Tiến Trường, TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, bản Đề án chưa đưa ra được các quá trình thực hiện cơ cấu ngành công nghiệp. |
5 điểm nghẽn cơ bản
Tại hội thảo, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận, hiện Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo bình quân đầu người.
“Đây là vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa”, ông Hưng đưa ra nhận định này đồng thời chỉ rõ 5 nguyên nhân khiến ngành công nghiệp Việt Nam chậm phát triển.
Cụ thể là do tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào khoa học; một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các ngành định hướng xuất khẩu, tiêu biểu là dệt may, điện tử… mới dừng ở bước gia công, lắp ráp.
Bên cạnh đó, công nghiệp Việt Nam là ngành liên tục nhập siêu đã chứng tỏ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới. Một số ngành công nghiệp trọng điểm do các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo có hiệu quả hoạt động chưa cao, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng cũng khiến cho nền công nghiệp đất nước ngày càng thụt lùi.
“Đầu tư trong công nghiệp Việt Nam chưa đi vào chiều sâu, việc thu hút và tận dụng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ; phân bổ không gian của các ngành công nghiệp chưa hiệu quả cũng như chưa chú trọng ô nhiễm môi trường…”, ông Cao Quốc Hưng nói.
Để giúp các ngành công nghiệp phát triển nhanh hơn trong giai đoạn tới, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020” cần phải chỉ ra được những điểm còn yếu, tắc nghẽn trong phát triển các ngành nghề một cách rõ nét và đúng hơn.
Theo như ý kiến của ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, bản Đề án chưa đưa ra được các quá trình thực hiện cơ cấu ngành. Cụ thể là để cải thiện cạnh tranh, phải tăng năng suất lao động 5% nhưng đó mới chỉ là kế hoạch mục tiêu, còn quá trình thực hiện như thế nào, phương án ra sao trong đề án không đề cập đến.
“Thiếu cái gì làm cái đó sẽ không hiệu quả”
Một điểm nghẽn khác cũng được ông Trường chỉ ra trong việc đầu tư phát triển công nghệ đó chính là nguồn nguyên liệu, phụ liệu của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ nội địa hóa thấp.
“Việt Nam sẽ tập trung đầu tư sản xuất nguyên liệu, có giúp tăng chuỗi cung ứng cao hơn không; có đáp ứng được cả chuỗi sản phẩm để cung ứng không, trong khi phía Trung Quốc họ rất mạnh cả về giao hàng, giá cả, chất lượng…", ông Trường nói.
Ông Trường còn chỉ rõ, việc nội địa hóa sẽ không phải mục tiêu để tăng năng lực cạnh tranh, vì có những sản phẩm nội địa hóa sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh. “Nếu bắt bệnh theo kiểu thiếu cái gì làm cái đó sẽ không hiệu quả. Giống như việc chúng ta ốm, sốt mà chỉ cho uống thuốc hạ sốt, không tìm hiểu xem nguyên nhân sâu xa là viêm nhiễm ở đâu để trị tận gốc sẽ không thể khỏi được”, ông Trường ví von.
Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020” do Bộ Công Thương xây dựng với mục tiêu xác định cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế tạo. Trong đó tập trung vào một số ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu…
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay đề án đã xác định 8 nhóm vấn đề, 55 hoạt động chính sẽ được tổ chức triển khai. Sau hội thảo, Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến, sửa đổi và tiếp tục rà soát thêm, hoàn thiện hơn bản kế hoạch để trình Chính phủ, với mục tiêu từ nay đến 2020, quá trình tái cơ cấu trong công nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả hơn./.
Phát triển công nghiệp có nhất thiết phải chạy theo quốc gia tiên tiến