Siết tín dụng vào bất động sản sẽ giảm tính thanh khoản, nguy cơ thiếu nguồn cung
VOV.VN - Thời gian gần đây, một số ngân hàng thông báo siết tín dụng đối với mảng cho vay bất động sản và cùng với đó là việc tăng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp bất động sản lo lắng.
Giá nhà có thể tăng do nguồn cung thiếu hụt
Từ cuối tháng 3/2022 có 10 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm, cao nhất tới 0,6 điểm % một năm. Áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền ra thị trường, do đó không thể giúp các ngân hàng thương mại duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào.
Kênh huy động bằng trái phiếu doanh nghiệp đang ngày một siết chặt, tâm lý của nhà đầu tư trở nên e dè hơn sau vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua, nhiều doanh nghiệp tìm đến kênh ngân hàng, làm nhu cầu vay vốn tăng. Tất cả những yếu tố này tác động sẽ khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng và gây áp lực mạnh mẽ lên lãi suất cho vay.
Diễn biến về lãi suất trên thị trường những ngày gần đây không có lợi cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bất động sản lo lắng, nếu lãi suất tăng cao sẽ dẫn mở rộng đầu tư, phát triển các dự án bất động sản gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng cho rằng, thị trường bất động sản bất kể giai đoạn nào cũng cần nguồn vốn trung và dài hạn rất lớn, đặc biệt giai đoạn hiện nay mới trở lại bình thường sau 2 năm dịch Covid-19. Bất kể một sự điều chỉnh nào về mặt nguồn tiền vào thị trường bất động sản thì ảnh hưởng và tác động đều rất lớn.
“Nếu lãi suất tăng là dòng vốn vay cũng tăng tác động ngay đến thị trường bất động sản, do đó điều chỉnh chính sách vĩ mô là rất thận trọng. Khi thị trường bất động sản có vấn đề gì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế ngay. Việc hạn chế nguồn tín dụng vào bất động sản cần tính toán ở từng phân khúc, với những sản phẩm đang rất thiếu trên thị trường là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ thì thậm chí phải mở rộng cho vay để đáp ứng nhu cầu phát triển” - ông Nguyễn Thế Điệp nói.
Siết tín dụng có hạn chế được "sốt đất"?
Hạn chế tín dụng vào bất động sản để đảm bảo an toàn của nền kinh tế là cần thiết nhưng hạn chế làm sao thì cần tính toán thận trọng. Chu kỳ triển khai dự án bất động sản rất dài từ 5 - 10 năm, do đó chỉ cần đình trệ vài năm sẽ thiếu hụt nguồn cung, khi nguồn cung thiếu hụt thì giá nhà sẽ tăng theo quy luật thị trường.
Việc siết tín dụng vào bất động sản có thể hạ nhiệt được các “cơn sốt đất” vừa qua, hạn chế tình trạng đầu cơ dùng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế cũng do ảnh hưởng từ những vướng mắc thủ tục và các lệnh rà soát trước đó.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản xảy ra tình trạng nguồn cung khan hiếm, do đó tràn lan tình trạng lách luật gom sổ chia lô, phá rừng san đồi để tách thửa để bán kiếm lời cùng các sai phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu. Việc siết tín dụng là điều bắt buộc phải làm.
“Siết tín dụng sẽ không làm giá bất động sản đi xuống, có chăng thanh khoản sẽ giảm và giá đi ngang. Nguyên nhân bởi đối với những nhà đầu tư dài hạn, nhóm có dự trù tài chính tốt, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Về phía doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp lớn dựa vào vốn vay ngân hàng để phát triển dự án sẽ bị ảnh hưởng nặng vì không có vốn để phát triển dự án. Thậm chí dẫn đến việc co hẹp quy mô phát triển dự án. Những doanh nghiệp có dự án đang hình thành và đang bán sẽ bị ảnh hưởng vì người mua nhà bị động hơn, khó khăn trong tiếp cận vốn vay” - ông Nguyễn Văn Đính đánh giá./.