Bình Định đẩy mạnh tái đàn heo và phòng chống dịch bệnh

VOV.VN - Để đảm bảo lượng heo thịt cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, các hộ chăn nuôi heo ở tỉnh Bình Định khẩn trương tái đàn, áp dụng nhiều biện phòng chống dịch bệnh cho đàn heo. Ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định tăng cường công tác tiêm phòng, kiểm soát nguồn gốc heo nhập vào địa bàn nhằm tránh lây lan.

Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Văn Công, ở thôn An Thiện, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân tập trung chăm sóc lứa heo 60 con để kịp bán trong tháng 10 này. Sau khi bán lứa heo này, gia đình ông Công tiếp tục mua heo con về nuôi để kịp bán dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Công cho biết: “Đầu năm có đợt dịch tả lợn Châu Phi heo chết nhiều. Do phòng trừ kỹ nên hiện tôi mới dám đầu tư, bởi nguồn bệnh dịch tả lợn Châu Phi ủ rất lâu. Bây giờ tái đàn đến Tết con heo khoảng 50 kg. Các trại heo con bây giờ bán heo con rất nhỏ, heo con 7-8 kg, heo lớn 10 kg như trước đây thì ít. Giá cám với giá thịt hiện nay thì người chăn nuôi tạm ổn”.

Toàn huyện Hoài Ân có 32 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, trong đó 5 trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao, 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Thời gian qua, giá heo trên thị trường ổn định từ mức 50 đến 60 ngàn đồng/kg, nên dù giá thức ăn tăng cao, người nuôi heo vẫn có lãi. Hiện, người chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân đang đẩy mạnh tái đàn để có heo bán vào dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Túc, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân cho biết, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tuân thủ các hướng dẫn phòng tránh dịch bệnh trên đàn heo.

“Người dân đã đưa các đàn heo về dưới sự giám sát của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân. Các ngành, địa phương tổ chức tiêu độc, khử trùng để thực hiện để tái đàn. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh trên gia súc đợt 2 năm 2022, hỗ trợ thuốc cho các địa phương”, ông Túc nói thêm.

Tỉnh Bình Định có 12 trang trại sản xuất heo con, lượng heo giống cơ bản đảm bảo phục vụ người chăn nuôi trong tỉnh và xuất bán đi nơi khác. Ngoài ra, tỉnh này có một số doanh nghiệp liên kết với người dân chăn nuôi theo hướng nhà sản xuất cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra, giúp người chăn nuôi an tâm đầu tư chăn nuôi. Tất cả heo ở các tỉnh khác nhập về tỉnh Bình Định đều phải khai báo và được các Trạm kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 1A kiểm tra. Sau đó,  Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã kiểm tra điều kiện an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học trong chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đang phối hợp với các địa phương tập trung phòng chống dịch tả heo Châu Phi để heo phát triển tốt, phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp nói: “Trong điều kiện thức ăn tăng cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Bình Định và các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con chăn nuôi tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như gạo, cám, ngô để bổ sung khẩu phần ăn cho heo, giảm thức ăn công nghiệp để giảm thức thức ăn tăng. Giá cả trong thời điểm hiện nay tương đối ổn định bà con có lãi, bà con tiếp tái đàn”.

Hiện nay, đàn heo của tỉnh Bình Định có hơn 650.000 con, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh Bình Định tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, khuyến khích chăn nuôi heo theo quy mô trang trại áp dụng công nghệ cao, hữu cơ, thân thiện với môi trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm soát, quản lý tái đàn; đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa mưa, hướng dẫn bà con dự trữ thức ăn cho đàn heo.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Dư địa của ngành nông nghiệp chỉ còn chăn nuôi và đánh bắt. Ngành nông nghiệp và các địa phương chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Bây giờ, phải có kế hoạch phát triển chăn nuôi lợn như thế nào? Kết hợp với phòng chống dịch bệnh ra sao? Sau đó chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ Tết nguyên đán, cung cấp cho thị trường trong tỉnh, trong nước. Như vậy dư địa ngành chăn nuôi rất nhiều”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên